Năm 2037: NASA sẽ đưa người lên sao Hỏa

Là một phần trong chương trình chinh phục vũ trụ của mình, NASA tuyên bố sẽ đưa người đầu tiên lên sao Hỏa chậm nhất là năm 2037, sau khi thực hiện xong việc trở lại Mặt Trăng vào năm 2020.

Các chương trình không gian đang triển khai của NASA nhằm mục đích đẩy mạnh việc khám phá sự sống trên hành tinh Đỏ, góp phần phát triển du lịch vũ trụ và kiến tạo một nền văn minh vũ trụ cho nhân loại trong tương lai.

Mặt Trăng, sao Hỏa và xa hơn nữa…

Ảnh mô phỏng tàu vũ trụ Phoenix đáp xuống vùng Bắc bán cầu sao Hỏa trong năm tới (Ảnh: AP)

Ngày 25/09, tại Hội nghị Du hành Vũ trụ Quốc tế lần thứ 58 được tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ, ông Michael Griffin, Giám đốc điều hành Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA), phát biểu: “Chúng tôi có một kế hoạch dài hạn để đưa người lên sao Hỏa vào năm 2037".

Ông Griffin đưa ra tuyên bố trên khi trình bày về những mục tiêu trong tương lai của NASA trong lĩnh vực không gian. Ông tự tin nói: “Vào năm 2057, chúng ta sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày con người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa”.

Năm 2004, Tổng thống Mỹ W. Bush đã công bố kế hoạch của Mỹ về việc đưa người trở lại Mặt Trăng vào năm 2020 và sử dụng hành tinh này như là một bệ phóng để thực hiện những chuyến bay không người lái đến sao Hỏa và xa hơn nữa.

Ông Griffin nói: “Với việc đưa người trở lại Mặt Trăng vào năm 2020 và đáp xuống sao Hỏa trong 10 năm sau, chúng tôi muốn xây dựng một nền văn minh vũ trụ cho các thế hệ tương lai”.

Ông nhấn mạnh: “NASA đang nhắm đến những mục tiêu xa hơn Mặt Trăng và sao Hỏa, tức là vươn tới việc thăm dò cả hệ thống liên hành tinh”. Theo kế hoạch, tàu vũ trụ Phoenix của NASA sẽ đáp xuống vùng Bắc bán cầu sao Hỏa vào tháng 5/2008 để tìm hiểu về dấu hiệu của sự sống trên hành tinh này.

Hiện nay, 2 xe tự hành Opportunity và Spirit của NASA trên sao Hỏa đã khôi phục hoạt động sau khi cà hai suýt bị phá hỏng bởi những cơn bão bụi dữ dội ở đó. Hai xe tự hành này sẽ hoạt động 3 năm trên sao Hỏa. Những kế hoạch chinh phục Mặt Trăng và sao Hỏa đã trở thành đề tài hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị nói trên, với sự tham gia của khoảng 2.000 nhà khoa học vũ trụ, phi hành gia, đại diện các công ty sản xuất vệ tinh và các tổ chức phóng vệ tinh.

NASA đang dự định đưa nhiều robot lên Mặt Trăng từ năm 2008 để chuẩn bị cho việc thực hiện các chuyến bay vũ trụ và nghiên cứu về ảnh hưởng của việc bay dài ngày trên vũ trụ đối với sức khỏe phi hành gia.

Phát triển du lịch vũ trụ

NASA cho biết họ đang nhắm đến những mục tiêu xa hơn Mặt Trăng và sao Hỏa, tức là vươn tới cả hệ thống liên hành tinh. (Ảnh: NASA)

Ông Griffin kêu gọi những khoản đầu tư lớn hơn của tư nhân vào việc phóng vệ tinh và tên lửa để giúp giảm phí tổn vận chuyển trong không gian và biến các chuyến bay tới Mặt Trăng và sao Hỏa trở nên khả thi hơn về mặt thương mại.

Ông nói: “Tính đến nay, du lịch vũ trụ dường như là giải pháp duy nhất để bảo đảm nguồn tài chính cho việc vận chuyển trên không gian. Qua nguồn thu từ du lịch vũ trụ, chúng ta sẽ xây dựng một cơ chế để huấn luyện khách du lịch tiềm năng và bảo đảm sự an toàn của họ”.

Để thu hút sự tham gia của tư nhân vào du lịch vũ trụ, NASA sẽ giúp chọn những công ty để xây dựng những mô hình cung ứng dịch vụ vận chuyển trên quỹ đạo. Theo NASA, sự hợp tác với các quốc gia có chương trình không gian có thể không khả thi về mặt kinh tế cho các kế hoạch trong tương lai.

Theo ông Griffin, việc xây dựng Trạm Không gian Quốc tế trên quỹ đạo Trái Đất được dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010. Khi đó, Trạm sẽ là nơi để con người viếng thăm trước tiên trước khi thực hiện các chuyến thám hiểm Mặt Trăng và sao Hỏa.

Quang Thịnh

Theo AFP, Inforwards, News 24, VNN
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video