Tạp chí khoa học uy tín The Lancet Planetary Health của Pháp khẳng định nếu vẫn tiếp tục phá hoại môi trường như hiện nay, từ 2100, mỗi năm sẽ có 150.000 người châu Âu chết vì thời tiết.
Con số 150.000 người chết mỗi năm là rất lớn nếu biết rằng trong giai đoạn 1981-2010, mỗi năm tại châu Âu chỉ có 3.000 người chết vì thời tiết. Trong số này, nguyên nhân chính là nắng nóng vì nó làm con người bị đột quỵ, ảnh hưởng tim mạch và hệ hô hấp.
Vào năm 2100, 2/3 dân số châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan - (Ảnh: AFP)
Báo cáo trong tạp chí cũng cho biết 2/3 dân số châu Âu, tức vào khoảng 350 triệu người ở 31 nước châu Âu đối mặt với các vấn đề sức khỏe do biến đổi khí hậu.
Vào thời điểm đó, các nước châu Âu sẽ đối mặt với 7 loại thiên tai bao gồm: các đợt nắng nóng, các đợt lạnh bất thường, cháy rừng, hạn hán, lũ lụt và bão rất nhiều đợt nắng nóng, lũ lụt.
Nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất là miền nam châu Âu. Theo báo cáo này, hầu như tất cả người dân sống tại các nước Ý, Hi Lạp, Tây Ban Nha, Croatia, Đảo Síp, Malta, Bồ Đào Nha và Slovenia đều bị ảnh hưởng và cứ 1 triệu người sẽ có 700 người chết vì thời tiết.
Trái lại, chỉ 1/3 dân số tại các nước bắc Âu như Đan Mạch, Iceland, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển bị ảnh hưởng.
Giovanni Florenzi, một trong các tác giả của nghiên cứu, nói: "Biến đổi khí hậu là một trong những đe dọa toàn cầu lớn nhất đối với sức khỏe con người trong thế kỷ 21 và mối đe dọa của nó đối với xã hội sẽ tăng thông qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt".