Nấm mỡ Blazei có tên khoa học là Agaricus blazei Murrill, thuộc họ Agaricaceae, bộ Acaricales, ngành phụ Basidiomycotina, ngành Eumycota, giới Mycota. Nấm mỡ Blazei còn có các tên gọi khác là Nấm mỡ Ba Tư, Nấm thông lớn, Nấm Nữ hoàng, Nấm của Chúa (Cognelo de Deus), Nấm Himematsutake.
Ngày 24-4-1944 nhà khoa học W. Blazei đã phát hiện thấy ở vùng thảo nguyên Gainesville giáp biển Đại Tây Dương, thuộc bang Florida một chủng nấm lạ mang ký hiệu F. 32911. Nấm này về sau còn tìm thấy ở cả miền Nam California, ở Brazil và Peru.
Nấm mỡ Blazei (Ảnh: alibaba) |
Năm 1991 tiến sĩ Tiên Minh Diệu ở Trung tâm nghiên cứu nấm ăn , thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã đưa được nấm này từ Nhật Bản về và nuôi trồng thử nghiệm thành công. Năm 1992 nấm này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc tính sinh học và đặc điểm nuôi cấy bởi Sở nghiên cứu Bảo vệ thực vật và Sở nghiên cứu đất phân, trực thuộc Viện Khoa học Phúc Kiến. Nghề nuôi trồng nấm mỡ Blazei lan rộng tại các vùng Phúc Châu, Vu Đức, La Nguyên, Tiên Du, Vưu Khê thuộc Phúc Kiến. Sau đó việc trồng nấm này đã lan rộng ra nhiều tỉnh ở Trung Quốc. Sản phẩm nấm Ba Tư ở Tứ Xuyên và Phúc Kiến chủ yếu được bán sang Nhật Bản và một phần được ướp muối để tiêu thụ nội địa.
Nấm Agaricus blazei có mũ hình bán cầu, về sau dẹt dần lại. Đường kính mũ nấm thay đổi trong khoảng 5-12cm, màu vàn nâu, có các vẩy màu nâu.Thịt nấm màu trắng, giữa dày, ngoài mỏng. Phiến nấm màu trắng, lúc già chuyển thành màu nâu đen. Cuống nấm dài khoảng 5-13cm, đường kính 1,0-2,5cm, màu trắng hay màu vàng nhạt.
Bào tử đảm (basidiospore) có hình từ bầu dục đến hình trứng với kích thước trong khoảng 5,2-7,0 x 3,7- 6,31mm. Đảm có kích thước 5,5- 7,5 x 15,2-20,0 mm, trên đỉnh có 4 cuống nhỏ mang bào tử đảm.
Quả thể gần giống với các nấm mỡ khác (Agaricus bisporus, A. bitorquis) nhưng có màu từ nâu tro nhạt đến màu vàng nâu với nhiều vẩy dạng sợi. Đường kính mũ nấm khoảng 6-11cm.
Cuống dài 4-14cm, đường kính 2-3cm, hình viên trụ, nằm chính giữa quả thể, trên dưới đều nhau, màu sắc và bề mặt gần giống với mũ nấm. Phần thịt nấm dày khoảng 11mm. Sợi nấm có bề rộng khoảng 3-6mm. Nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của hệ sợi nấm là 10-370C, tốt nhất là ở 23-270C. Với quả thể thì nhiệt độ thích hợp để sản sinh là 16-330C , nhưng tốt nhất là 18-250C.
Nấm mỡ Blazei thích hợp trồng ở miềm Bắc nước ta trong vụ Đông Xuân. Không thích hợp trồng trong mùa hè hoặc trồng tại miền Nam. Khi rét dưới 100C thì sợi nấm không mọc, dưới 190C sợi nấm sinh trưởng chậm. Với nhiệt độ 290C tuy sợi nấm mọc rất nhanh nhưng lại rất yếu và dễ lão hóa. Trên 300C sợi nấm bắt đầu mọc chậm lại. Tại 370C sợi nấm bị chết khô. Khi nhiệt độ quá 250C quả thể vẫn hình thành nhưng cuống dài và dễ xòe mũ nấm.
Độ ẩm trong nguyên liệu nuôi cấy sợi nấm Agaricus blazei tốt nhất là vào khoảng 58,5% (ứng với tỷ lệ 1 nguyên liệu: 4 nước). Độ ẩm không khí cũng là yếu tố quan trọng để phát triển sợi nấm và sản sinh quả thể, độ ẩm tương đối thích hợp nhất để phát triển sợi nấm là 60-85%, để sản sinh quả thể là 85-95%. Độ ẩm của lớp đất phủ nên là 60-65%. Cần trang bị các ẩm kế trong phòng trồng nấm. pH thích hợp cho sự phát triển của sợi nấm là 4,5-8,5 , nhưng tốt nhất là 6-7. Khi hình thành quả thể tốt nhất môi trường nên có pH vào khoảng 6,5-7,5. pH của lớp đất phủ nên là 7.
Nấm mỡ Blazei có vị ngon và có giá trị dinh dưỡng cao.
Một loại sản phẩm được chế biến từ nẫm mỡ Blazei (Ảnh: lifexpand) |
Đặc biệt quan trọng là giá trị dược liệu của nấm mỡ Blazei. Tác dụng kháng khối u (chống ung thư ) của nấm này được thấy rõ ở 6 loại polysacharide sau đây: b-glucan Flo-a-b; a-glucan FA -1-a-a; b-galactoglucan FA-1-a-b; acid ribonucleic FA-2-b-b; Proteinic glucan F III-2-b; Xyloglucan FIV-2-b. Cơ chế tác dụng và hiệu quả kháng khối u của polysacharide ở nấm mỡ Blazei được nêu lên trong rất nhiều công trình nghiên cứu có hệ thống tại nhiều nước.
Từ xa xưa, con người đã sử dụng chè làm từ nấm mỡ Blazei để điều trị nhiều chứng bệnh: các bệnh liên quan đến những rối loạn hệ thống miễn dịch, tuần hoàn, tiêu hóa, cũng như chứng tiểu đường, các hội chứng dị ứng hay các rối loạn về gan. Cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng đã từng điều trị bằng nấm mỡ Blazei để chiến thắng căn bệnh ung thư da và qua sự kiện đó, hiệu quả dược học của nấm này đã được cả thế giới biết đến. Kể từ khi hiệu quả dược học của nấm mỡ Blazei được phát hiện, rất nhiều nghiên cứu về đề tài này đã được thực hiện trên toàn thế giới. Đặc biệt, các nghiên cứu trong suốt thời gian 25 năm qua đều chỉ ra rằng nấm mỡ Blazei có tác dụng rất lớn trong việc phòng và chống ung thư. Theo các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản, nấm mỡ Blazei có hiệu quả phòng ung thư đạt tới 99.4% và hiệu quả điều trị ung thư cũng đạt tới 90 %. Cũng theo các nhà khoa học Nhật Bản, nấm mỡ Blazei tỏ ra có hiệu quả cao hơn 80% so với PSK, thuốc tốt nhất dùng trong điều trị ung thư. Hiện nay, nấm mỡ Blazei đang được sử dụng rộng rãi trong trị liệu ung thư ở nhiều nước châu Á. Điều đáng lưu ý là nấm mỡ Blazei là một loại nấm ăn ngon, giàu dinh dưỡng và không gây ra bất kỳ một phản ứng phụ nào có hại đối với cơ thể con người.
Sở dĩ nấm mỡ Blazei có hiệu quả dược học cao như vậy là do trong thành phần hóa học của sợi nấm cũng như quả thể của nấm này có những hoạt chất đặc biệt với những tác dụng miễn dịch đặc hiệu:
- Các phức hệ polysaccarit – protein: bao gồm chủ yếu là các Beta-1,6-D-glucan, Beta-1,3-D-glucan [3], [7], [8], một số nghiên cứu cho rằng bao gồm cả các Beta–1,4–a–D-glucan [4]. Các polysaccarit này có tác dụng hoạt hoá mạnh mẽ các đại thực bào (macrophage) trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các đại thực bào rất quan trọng vì chúng là hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể. Sự tăng cường hoạt động của các đại thực bào đồng nghĩa với sự tăng cường khả năng phòng chống, ngăn chặn các mầm mống bệnh tật ngay từ giai đoạn xâm nhập đầu tiên. Sự hoạt hoá các đại thực bào còn dẫn đến sự tăng hàm lượng các cytokin. Đây là các protein tối quan trọng chịu trách nhiệm xúc tác và điều hoà hàng loạt các phản ứng miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, các đại thực bào còn có các tương tác với các tế bào Lympho T, có tác dụng khởi động các phản ứng miễn dịch đặc hiệu [5]. Vì thế, khi hoạt động của các đại thực bào được hoạt hoá, các phản ứng đặc hiệu này cũng được tăng cường. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng các polysaccarit kể trên cũng có tác dụng ức chế sự phát triển không bình thường của tế bào, đặc biệt là chúng có tác dụng kích thích, làm tăng số lượng các tế bào lymphô gây giết (killer cells) tự nhiên. Các tế bào này có khả năng phát hiện và tiêu diệt các tế bào phát triển không bình thường của cơ thể, các tế bào ung thư. Như vậy, nhìn một cách tổng thể, các polysaccarit trong thành phần của nấm mỡ Blazei có tác dụng làm tăng cường rất mạnh khả năng miễn dịch của cơ thể.
- Các steroid tự nhiên, các dẫn xuất Ergosterol: Các steroid tự nhiên của nấm mỡ Blazei có tác dụng ngăn ngừa ung thư, đặc biệt là ung thư tử cung [9]. Các Ergosterol được biết đến như các tiền vitamin D2, một loại tác nhân cũng có khả năng chống ung thư.
Để nuôi cấy sợi nấm nấm mỡ Blazei trên môi trường thạch nghiêng (giống cấp 1) nên sử dụng một trong số các môi trường sau đây:
MT1 MT2 MT3 MT4 MT5
Khoai tây 200g 200g 200g
Đường kính 20g 5g
Glucose 20g 20g
Bột ngô 30g
Phân ủ hoai 100-150g 50g 50g
MgSO4 0,5g
KH2PO4 1,0g
CaCl2 0,1g
Fe2SO4 0,1g
CaSO4 1g
Thạch 20g 20g 20g 20g 20g
Nước 1000ml 1000ml 1000ml 1000ml 1000ml
Để sản xuất giống cấp 2 trong các chai thủy tinh miệng rộng có nút bông có thể sử dụng một trong các môi trường sau đây:
1- Rơm rạ- 375kg; Cám gạo- 10kg; Phân gà khô-15kg; Vôi sống- 8kg; Ammon sulphat- 10kg; Super phosphat- 5kg; Nước- đủ ẩm.
2- Rơm rạ- 350kg; Phân bò khô- 75kg; Vỏ hạt bông-65kg; Thạch cao-%kg; Super phosphat- 5kg; Urê- 2,5kg; Nước đủ ẩm.
Ngâm rơm, vỏ hạt bông trong 2-3 giờ. Lấy ra để cho ráo nước, ủ thành đống trong 1-2 ngày. Phân bò, phân gà khô cần nghiền nát, sàng qua lưới sắt, thêm đủ nước, ủ thành đống trong 1-2 ngày. Sau đó lấy ra ủ một tầng nguyên liệu thô (rơm rạ, vở hạt bông...), rồi đến một tầng phụ liệu (phân khô và các nguyên liệu khác). Xếp thành đống có mặt cắt ngang hình thang, Phủ bao tải ẩm hay vải nhựa (nilon) lên trên. Chăn hai bên bằng gạch cho khỏi bay vì gió. Để lên men trong ngày.
Đưa môi trường vào chai dung tích 750ml , có cổ chai đường kính 3cm; hoặc các túi màng mỏng PE hay PP dài 33-35cm, dầy 0,04-0,05mm. Nén nguyên liệu đủ chặt nhưng vẫn đảm bảo đủ xốp. Nếu là túi nhựa thì phải tạo ra cổ bằng luồn đầu túi qua một đoạn ống nhựa cứng. Làm nút bông có độ chặt vừa phải. Đưa đi hấp khử trùng bằng hơi nước sôi trong thời gian 7-8 giờ . Không dùng nồi hấp áp lực vì nhiệt độ cao trên 1000C sẽ làm rách túi màng mỏng.
Đợi nguội lấy ra cấy giống từ ống giống cấp I (mọc trên thạch nghiêng). cấy xong đậy lại nút bông hay đậy bằng màng mỏng có đục thủng vài lỗ rồi bao lại bằng giấy báo ra ngoài.
Giữ các bình hoặc túi đã cấy giống trên giá đặt trong phòng có nhiệt độ điều chỉnh ở mức 23-270C và có độ ẩm không khí 65-75. Khi sợi nấm đã mọc kín túi thì ta dùng để cấy vào môi trường sản xuất (cấp III).
Các nguyên liệu dùng để nuôi trồng A. blazei gồm chủ yếu là rơm rạ, thân cành lá ngô, đậu, mía... vỏ hạt bông, bã rượu, lõi ngô, khô dầu... Ngoài ra là phân gia súc, gia cầm, phân đạm, phân lân, phân kali, MgSO4, thạch cao, CaCO3, bột tiết. Tỷ lệ C: N nên là 33: 1. Các nguyên liệu này cần ủ đống để lên men tạo nhiệt. Nhiệt độ có thể lên tới 70 - 75oC. ở nhiệt độ này các vi sinh vật (trừ bào tử của chúng). Các loại côn trùng, tuyến trùng cũng đều chết hết. Các xạ khuẩn ưa nhiệt sẽ hoạt động mạnh mẽ ở nhiệt độ cao này, làm phân huỷ các chất cao phân tử phức tạp này thành các đường phân tử thấp. Về sau sợi nấm sẽ dùng các hợp chất phân tử thấp này để tổng hợp ra sinh khối của chúng. ủ nguyên liệu là khâu đầu tiên rất quan trọng sau quá trình phối trộn nguyên liệu.
Dùng rơm khô, chưa mủn, chưa mốc, không dùng rơm rạ lần bụi bậm do phơi trên quốc lộ. Cứ 1 tấn rơm khô thì dùng 20kg vôi ướt. Hoà vôi vào nước tạo dung dịch có máu trắng đục như nước vo gạo. Nhấn chìm rơm rạ trong 3 - 5 phút. Rơm rạ chuyển sang màu vàng nhạt. Vớt ra để ráo 3 - 5 phút sau đó đưa vào đống ủ.
Đưa rơm rạ này vào đống ủ, thường có kích thước 1 x 1,5 x 1,8m. Cứ xếp rơm rạ lên cao độ 30 - 50cm thì ngừng lại để rắc lớp urê. Lại xếp tiếp một lớp rơm rạ khác cao 30 - 50cm. Lại rắc tiếp urê sao cho đống ủ cao tới 1,5m. Cần phân phối urê sao cho cứ 1 tấn rơm rạ khô chỉ dùng vừa hết 5kg urê. Khi rắc lưu ý phần dưới rắc ít đạm urê, càng lên trên càng nhiều lần.
Nên ủ rơm trên nền bê tông, bên dưới có lót ni lông, không ủ trực tiếp trên nền bê tông và cũng không ủ trên nền đất, nền gạch. ủ xong lấy ni lông phủ kín cả đống ủ. Dùng dây thừng hoặc dây ni lông buộc chặt xung quanh đống ủ có hình thang.
Sau 3 ngày rỡ ra. Lấy nguyên liệu phía trên ủ xuống dưới. Khi có độ dầy 30 - 50cm tiến hành rắc phân lân (nên dùng loại lân meng chảy mịn - thermophotphat, của nhà máy phân lân Văn Điển), cũng làm lần lượt như trên chỉ có thay đạm bằng lân, và đảo lớp rơm từ trên xuống dưới từ dưới lên trên. Làm sao khi ủ hết rơm thì cũng vừa hết phân lân và vẫn theo nguyên tắc khi rắc phân lân thì dưới rắc ít, trên rắc nhiều. Dùng hết 30kg phân lân nung chảy cho 1 tấn rơm khô. Cũng đậy ni lông và buộc như lần 1. Sau 3 ngày lại rỡ ra và làm lại như lần 2.
Lần 3 thay phân lân bằng bột nhẹ, tức là CaCO3. Cũng làm nhu trên, cách 30 - 50cm lại rắc bột nhẹ 1 lần, dưới rắc ít trên rắc nhiều. Sao cho rơm ở lớp trên đảo xuống dưới, dưới đảo lên trên khi xếp rơm vào ủ lại. Cứ 1 tấn rơm khô dùng hết 25kg bột nhẹ. Cũng phủ ni lông và buộc chặt lại như 2 lần trên.
Sau 3 ngày lại rỡ ra, kiểm tra độ ẩm, nếu cần thì bổ sung nước cho khỏi khô quá, đảo tung đống rơm lên rồi ủ lại như các lần trước nhưng không bổ sung thêm nguyên liệu gì nữa. ủ thêm 3 ngày là đủ. Tất cả cần ủ tổng cộng là 12 ngày. Khi đó rút một nắm nguyên liệu ở một góc nào đó, nắm vào bàn tay và bóp lại, nếu thấy một vài giọt nước rỉ ra là tốt, khi thả thay ra thấy nguyên liệu vẫn kết dính với nhau thành một nắm. Nếu thấy nước chảy ra nhiều hơn thì cần hong phơi nguyên liệu 10 - 20 phút rồi kiểm tra lại độ ẩm theo cách nói trên. Nếu không thấy nước rỉ ra kẽ ngón tay cần pha 5kg vôi ướt vào 100 lít nước sạch, sau đó thêm nước này dần dần vào nguyên liệu cho đến khi nào kiểm tra độ ẩm thấy vừa đủ mới thôi. Tiếp tục đậy ni lông ủ thêm 3 ngày nữa (thành ra 15 ngày cả thẩy).
Chú ý khi đảo đống ủ làm 4 cần giảm chiều dài và tăng thêm chiều cao cho đống ủ.
Sau khi hoàn thành quá trình ủ rơm ta cho vào các ngăn của giá hay xếp ngay trên nền nhà thành các luống ruộng 1m, chiều dài tuỳ ý (phụ thuộc vào kích thước giá hoặc nền nhà). Chiều cao lớp nguyên liệu là 20 - 22cm. Nên dùng tay cuốn rơm rạ lại thành từng bó phía trên có dang tròn, cao 20cm, đường kính 10 - 15cm. Xếp theo chiều thẳng đính vào luống. Trước đó đã đặt bao tải dứa lót phía bên dưới luống.
Nếu làm giá nhiều tầng thì tầng nọ phải cách tầng kia 50 - 60cm. Chiều cao của giá không nên quá 2m để dễ chăm sóc. Dưới đáy từng tầng đều có lót bao tải dứa.
Khi làm trên nền nhà, trước khi trải bao tải dứa nên rắc lên nền nhà một lớp vôi bột khô.
Vào luống được 7 ngày thì dùng nhiệt kế cắm sâu khoảng 8 - 10cm, để 5 phút lấy ra xem nhiệt độ. Nếu đạt 22 - 25oC là tốt. Nếu nhiệt độ là 25 - 28oC là do xếp nguyên liệu quá chặt tay nên sinh nhiệt. Khi đó cần tháo bỏ bớt một vài nắm nguyên liệu ra và xếp lại nguyên liệu từ trên quay đảo xuống dưới, dưới quay lên trên. Sau 1 ngày mới cấy giống.
Nếu 7 ngày mà thấy nhiệt độ đạt yêu cầu thì bắt đầu cấy giống vào luống. Dùng cào làm bằng thép với 3 - 5 răng, các răng dài 5cm, cách nhau 3cm, cán dài hay ngắn tuỳ điều kiện cụ thể. Cào xới đều trên mặt luống theo từng m2 một. Cứ 1m chiều dài của luống thì dùng 1 túi giống đã có sợi nấm mọc trắng hết (0,5kg). Chỉ cào theo một hướng (hoặc ngang hoặc dọc), không cào ngang dọc lẫn lộn. Khi cào nếu có phần ng
(Ảnh: paddestoelenteelt) |
Đến ngày thứ 15 bỏ lớp giấy phủ trên mặt luống ra, lấy tay nhấc một nắm nhỏ nguyên liệu ra thấy có sợi nấm trắng mọc toả lan đều trên nguyên liệu. Bắt đầu đến giai đoạn phủ đất.
Lấy đất ruộng ở tầng canh tác, luyện thật kỹ như kiểu làm "pháo đất". Lăn tròn rồi khoanh lại như chiếc vòng lớn và để nơi râm mát trong 12 giờ. Nếu thấy vòng đất bị đứt ra từng đoạn là đất lẫn cát, không dùng được. Nếu đất rạn châm chim là dùng được. Thử được đất tốt mới khai thác để về dùng. Cứ 1 tấn nguyên liệu cần chuẩn bị 500kg đất.
Tải mỏng đất ra phơi trên sân. Dùng dung dịch Formol 0,05% để phun vào đất nhằm khử trùng đất. Phơi đất 15 ngày, trời mưa thì đậy che, khi nắng lại mở ra phơi.
Rắc đất đã bỏ ra thành từng hạt, từng viên to bằng khoảng hạt ngô phủ lên khắp bề mặt của luống. Độ dày lớp đất phủ khoảng 1,0 - 1,5cm. Tuyệt đối không dùng đất vụn, đất bột hoặc các cục đất quá lớn. Phủ đất xong phun mù nước (phun sương bằng bình bơm thuốc sâu chưa đựng thuốc sâu), cứ 2 giớ phun mù một lần, phun liên tục trong 3 ngày đầu (chỉ phun ban ngày). Lấy thử một viên đất bẻ ra để quan sát. Nếu thấy có màu nâu từ ngoài vào trong là đất đã đạt đủ độ ẩm. Nếu ở giữa viên đất có màu trắng đục là chưa đủ độ ẩm. Khi đó phải phun thêm 1 ngày nữa rồi lại kiểm tra độ ẩm lại theo cách này.
Sau 2 ngày tạo ẩm ta bắt đầu phun tưới cho các luống. Nếu trời hanh khô mỗi ngày phun không quá 4 lần, nếu trời ẩm ướt chỉ phun 1 lần vào lúc chiều tối.
Khi phát hiện thấy quả thể nấm bắt đầu xuất hiện lấm tấm như hạt đỗ hạt ngô màu trắng thì phải tăng thêm số lần phun tưới. Dùng bình phun, quay ngửa vòi phun để phun mù. Phun nhiều lần trong một đợt tưới. Trời hanh khô phun nhiều, nhưng không quá 6 lần. Trời mưa ẩm, thì không nên phun. Từ lúc nấm xuất hiện đến khi thu hái được quả thể là khoảng 72 giờ.
Khi cân nấm đã mọc lên được 2 - 3cm kể từ mặt đất thì cần thu hái. Cần chọn quả thể nào to hái trước. Một tay giữ phần đất sát chân nấm, một tay đặt vào chân nấm nhổ thẳng lên cho ra cả phần rễ. Dùng dao sắc cắt bỏ phần rễ của từng quả thể sau đó mới cho nấm vào rổ. Hái nấm xong nếu thấy bề mặt luống có chỗ nào bị lõm xuống thì phải dùng đất dự trữ bổ sung vào. Sau khi hái mỗi đợt phải phun nước ngay để giữ ẩm.
Nếu không bán nấm tươi thì cần cắt rồi sấy hoặc tiến hành muối nấm trong các can nhựa.
Các phòng nuôi trồng nấm A.blazei cần sạch và kín, càng tối càng tốt. Không nên mở cửa ra vào nhiều. Tuy nhiên phải có hệ thống thông gió.
Sau mỗi đợt nuôi trồng nấm cần dừng lại 5 ngày để làm vệ sinh và khử trùng phòng nuôi trồng. Dùng vôi bột rắc toàn bộ nhà xưởng (5kg vôi bột/100m2) sau đó dùng Formol nồng độ 0,05% để phun. Đốt để xông khói trong thời gian là 5 giờ. Sau 5 ngày mới trồng tiếp. Mỗi năm nên để 3 tháng trái vụ không trồng nấm để khử trùng nhà xưởng.
Trên đây chỉ là một công thức phối trộn dùng rơm rạ và phân khoáng, bột nhẹ.
Môi trường sản xuất còn có thể được ủ theo một trong các công thức khác sau đây:
1. Phân gia súc khô (lợn, trâu, bò) 55%
Rơm rạ khô 40%
Khô dầu 2 - 3%
Thạch cao 1%
Supe lân 0,5%
Nước Khoảng 160%
2. Rơm rạ 1000kg
Bột tiết 40kg
Phân ngựa 100kg
Urê 10kg
Supe lân 40kg
CaCO3 20kg
Đất phủ 500kg
Nước khoảng 2500 lít
3. Phân ngựa 1000kg
Phân gà 100kg
Thạch cao 25kg
Nước 200 - 800 lít
4. Phân gà (40% độ ẩm) 800kg
Rơm rạ khô 1000kg
Thạch cao 75kg
Nước 5000 lít
5. Rơm rạ 1000kg
Phân gà 100kg
Thạch cao 10 - 20kg
Nước Tạo đủ độ ẩm 65%
Dựa vào các công thức nói trên, căn cứ vào các nguyên liệu sẵn có ở từng địa phương người trồng nấm Agaricus blazei có thể tự xây dựng ra các công thức phối trộn để thử nghiệm.
--------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Antitumor effect of a peptide-glucan preparation extracted from Agaricus blazei in a double-grafted tumor system in mice.
Ebina T, Fujimiya Y. Division of Immunology, Miyagi Cancer Center Research Institute, Natori, Miyagi, Japan.
Biotherapy 1998;11(4):259-65
2. Selective tumoricidal effect of soluble proteoglucan extracted from the basidiomycete, Agaricus blazei Murill, mediated via natural killer cell activation and apoptosis.
Fujimiya Y, Suzuki Y, Oshiman K, Kobori H, Moriguchi K, Nakashima H, Matumoto Y, Takahara S, Ebina T, Katakura R. Division of Immunology, Miyagi Cancer Center Research Institute, Natori, Japan.
Cancer Immunol Immunother 1998 May;46(3):147-59
3. Anti-tumor polysaccharide from the mycelium of liquid-cultured Agaricus blazei mill.
Mizuno M, Minato K, Ito H, Kawade M, Terai H, Tsuchida H. Graduate School of Science and Technology, Kobe University, Japan.
Biochem Mol Biol Int 1999 Apr;47(4):707-14
4. Tumor-specific cytocidal and immunopotentiating effects of relatively low molecular weight products derived from the basidiomycete, Agaricus blazei Murill.
Fujimiya Y, Suzuki Y, Katakura R, Ebina T. Division of Immunology, Miyagi Cancer Center Research Institute, Natori, Japan.
Anticancer Res 1999 Jan-Feb;19(1A):113-8
5. Polysaccharides from Agaricus blazei stimulate lymphocyte T-cell subsets in mice.
Mizuno M, Morimoto M, Minato K, Tsuchida H. Division of Science of Biological Resources, Graduate School of Science and Technology, Kobe University, Japan.
Biosci Biotechnol Biochem 1998 Mar;62(3):434-7
6. [A stable culturing method and pharmacological effects of the Agaricus blazei].
[Article in Japanese]
Higaki M, Eguchi F, Watanabe Y. Lab. of Forest Products Chemistry, Tokyo University of Agriculture, Japan.
Nippon Yakurigaku Zasshi 1997 Oct;110 Suppl 1:98P-103P
7. Antitumor effects of a new polysaccharide-protein complex (ATOM) prepared from Agaricus blazei (Iwade strain 101) "Himematsutake" and its mechanisms in tumor-bearing mice.
Ito H, Shimura K, Itoh H, Kawade M. Department of Pharmacology, Mie University School of Medicine, Japan.
Anticancer Res 1997 Jan-Feb;17(1A):277-84
8. Inhibitory action of a (1-->6)-beta-D-glucan-protein complex (F III-2-b) isolated from Agaricus blazei Murill ("himematsutake") on Meth A fibrosarcoma-bearing mice and its antitumor mechanism.
Itoh H, Ito H, Amano H, Noda H. Laboratory of Marine Biochemistry, Faculty of Bioresources, Mie University, Japan.
Jpn J Pharmacol 1994 Oct;66(2):265-71
9. [Antimutagenic and bactericidal substances in the fruit body of a Basidiomycete Agaricus blazei, Jun-17].
[Article in Japanese]
Osaki Y, Kato T, Yamamoto K, Okubo J, Miyazaki T. Tokyo College of Pharmacy, Japan.
Yakugaku Zasshi 1994 May;114(5):342-50
10. Illustration for China popular edible mushroom
Vân Nam Xuất bản xã, 1999
11. Cơ Thông Nhung tài bồi kỹ thuật đồ thuyết
Hà Bắc Khoa học Kỹ thuật Xuất bản xã, 2003
12. Trung Quốc dược dụng khuẩn sinh sản dự sản phẩm khai phát
TrungQuốc nông nghiệp xuất bản xã, 2000
Nguyễn Lân Dũng, Dương Văn Hợp, Phạm Thế Hải