Vào mùa hè, hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra nhiệt độ cực cao và bão có thể ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc thi cũng như sức khỏe của các vận động viên và khán giả.
Châu Âu đang ở giữa đợt nắng nóng gay gắt nhất năm. Mặc dù các vận động viên Olympic ở Paris tham dự Thế vận hội Mùa hè 2024 có thể tránh được khoảng thời gian tồi tệ nhất, thời tiết vẫn sẽ rất nóng.
Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, các sự kiện thể thao lớn như Olympic và FIFA World Cup phải thích ứng với nhiệt độ cao và những cơn bão khắc nghiệt để giữ an toàn cho các vận động viên và người hâm mộ để các trận đấu vẫn tiếp diễn.
Châu Âu đang ở giữa đợt nắng nóng gay gắt nhất năm.
Có nên tiếp tục tổ chức Olympic hay không?
Ban tổ chức Olympic đã chuyển các môn như marathon sang buổi sáng sớm, hay thậm chí là đến các thành phố mát mẻ hơn. Trong khi đó, FIFA đã lùi thời gian tổ chức World Cup nam năm 2022 từ tháng 6 như thông lệ sang cuối tháng 11 để có thể tổ chức tại Qatar.
Rủi ro về nhiệt độ tăng cao và ảnh hưởng môi trường của các sự kiện thể thao lớn đã khiến một số người đặt câu hỏi liệu những sự kiện này có nên được tổ chức hay không. Song, Phó giáo sư Brian P. McCullough tại Đại học Michigan cho rằng Thế vận hội có thể sẽ thúc đẩy các hành động bảo vệ môi trường một cách bền vững đối với công chúng trên toàn thế giới.
Theo chuyên gia, ngành thể thao là nhóm lĩnh vực cần quan tâm đến bền vững môi trường. Biến đổi khí hậu có thể khiến sức khỏe của vận động viên và người hâm mộ gặp nguy hiểm, thậm chí đe dọa tương lai của một số môn thể thao.
Trong đó, các môn thể thao mùa đông phải đối mặt với những rủi ro lớn nhất từ biến đổi khí hậu bởi nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi. Tình trạng này khiến thời gian để chơi thể thao mùa đông bị rút ngắn đáng kể ở nhiều khu vực.
Năm 2022, Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh phải tạo tuyết nhân tạo để tổ chức trượt tuyết. Ủy ban Olympic quốc tế đã trì hoãn quyết định chọn thành phố đăng cai Thế vận hội mùa đông từ năm 2030 trở đi vì khó chắc chắn về điều kiện đảm bảo cho các môn thể thao mùa đông.
Vòng Olympic trên tháp Eiffel ở Paris. (Ảnh: Nathan Laine/Bloomberg).
Đến mùa hè, hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra sóng nhiệt cực cao và bão lớn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc thi, sức khỏe của các vận động viên và khán giả.
Các liên đoàn và giải đấu thể thao lớn như Thế vận hội đã ứng phó với rủi ro bằng cách trì hoãn các cuộc thi đấu đến những thời điểm mát mẻ hơn trong ngày hoặc trong năm, bổ sung các khoảng nghỉ ngơi để uống nước và cho phép thay thế cầu thủ nhiều lần hơn.
Thế vận hội Mùa hè Tokyo từng được tổ chức giữa cảnh nắng nóng gay gắt vào năm 2021. Giải đấu đã đã ưu tiên dời môn marathon đến Sapporo, cách Tokyo hơn 800 km về phía bắc để các vận động viên có thể chạy trong thời tiết mát mẻ hơn. Họ cũng trì hoãn các cuộc thi trong thời gian diễn ra Thế vận hội để tránh nắng nóng gay gắt và mưa quá nhiều.
Mục tiêu giảm 50% khí thải carbon của Olympic Paris 2024
Ngược lại, các sự kiện lớn như Thế vận hội cũng tạo ra lượng khí thải carbon khổng lồ do xây dựng, vận chuyển và sử dụng năng lượng.
Những ảnh hưởng và rủi ro chính là lý do khiến tính bền vững môi trường đã trở thành trụ cột trong điều lệ Olympic kể từ năm 1996 và là trọng tâm trong kế hoạch cho tương lai. Năm 2012, Thế vận hội London đã đi tiên phong trong việc đưa ra tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế mới, ISO2012, hướng dẫn cho các sự kiện lớn đưa ra những lựa chọn mang tính bền vững hơn, từ xây dựng đến phục vụ ăn uống.
Thế vận hội Paris 2024, từ ngày 26/7-11/8, và Thế vận hội Paralympic, từ ngày 28/8- 8/9, được chứng nhận theo tiêu chuẩn mới nhất và các nhà tổ chức đang thực hiện nhiều biện pháp để giảm tác động đến khí hậu.
Ban tổ chức dự tính cung cấp 100% năng lượng cho các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện bằng năng lượng tái tạo từ gió và Mặt Trời. Họ ưu tiên sử dụng các địa điểm có sẵn, xây dựng những địa điểm mới bằng bê tông ít carbon và vật liệu tái chế, đồng thời mang đến hàng nghìn ghế làm bằng nhựa tái chế.
Tất cả đồ nội thất và tòa nhà được phê duyệt cho Thế vận hội sử dụng cũng phải được đảm bảo sẽ sử dụng tiếp, thay vì đưa vào bãi rác. Tất cả địa điểm thi đấu đều sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện lưu thông trên đường phố.
Ngay cả thực phẩm cũng được đặt mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải so với bữa ăn thông thường bằng cách tăng sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Paralympic sẽ sử dụng cùng địa điểm và nhà ở trong những tuần sau đó.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Olympic 2024 sẽ không thải khí carbon, đặc biệt khi có nhiều khán giả và vận động viên đến đây bằng máy bay. Tuy nhiên, ban tổ chức đang đặt mục tiêu lượng khí thải từ hoạt động xây dựng và vận hành sẽ bằng một nửa so với Thế vận hội London, Rio vào năm 2012 và 2016.
Thế vận hội Olympic Paris là một ví dụ điển hình về cách các sự kiện thể thao lớn có thể làm để giảm tác động môi trường và thúc đẩy các giải pháp bền vững cho khán giả toàn cầu. Khán giả sẽ được trực tiếp trải nghiệm tính bền vững trong sự kiện, trong khi ban tổ chức thành công thúc đẩy các nỗ lực bền vững của Thế vận hội.
Hành khách tập trung quanh bảng khởi hành tại Gare Montparnasse ở Paris khi mạng lưới đường sắt cao tốc của Pháp bị tấn công. (Ảnh: Telegraph).
Những chiến dịch như vậy có thể ảnh hưởng đến hành vi hàng ngày của mọi người và thậm chí khuyến khích họ tham gia các hoạt động bền vững trong cộng đồng của mình.
Những đề xuất nhằm giảm quy mô của các sự kiện thể thao, thậm chí loại bỏ các môn thể thao được thương mại hóa, khai tử các môn thể thao có khán giả đã bỏ qua khả năng thể thao tác động và thay đổi hành vi của con người, Phó giáo sư Brian P. McCullough nhận định.
Chuyên gia cho rằng tính bền vững là một quá trình không ngừng phát triển, học hỏi từ quá khứ để cải thiện cho tương lai.
Các chiến lược của Thế vận hội 2024 được thực hiện dựa trên những chiến lược được sử dụng trong các sự kiện trước đó và những gì Paris rút kinh nghiệm được. Sau đó, chính chiến lược của Olympic 2024 cũng sẽ giúp lập kế hoạch cho các sự kiện trong tương lai, bao gồm cả Thế vận hội Mùa hè 2028 ở Los Angeles.