Lực lượng cứu hộ ở Gujarat (miền tây Ấn Độ) tìm thấy những con chim bị rơi từ trên trời xuống mỗi ngày do kiệt sức và mất nước khi đợt nắng nóng gay gắt tiếp tục trong tháng thứ ba, mức thủy ngân lại tăng thêm trong tuần này.
Một nhân viên chăm sóc ở Ahemdabad cho con vẹt đuôi dài uống vitamin tổng hợp sau khi phát hiện nó bị mất nước do sóng nhiệt. (Ảnh: Reuters/Amit Dave)
Ở bang phía tây Gujarat, nhiệt độ dao động trên 40 độ C trong nhiều tuần nay và có thể chạm mức 46 độ C, những người cứu hộ nơi đây bắt gặp những con chim từ trên trời rơi xuống mỗi ngày. Cho đến nay, tác động của nhiệt độ nóng quá mức đối với động vật vẫn chưa được chú trọng.
Theo các nhân viên cứu hộ làm việc tại một bệnh viện dành cho động vật do tổ chức phi lợi nhuận Jivdaya Charity Trust quản lý ở Gujarat, điều kiện của những động vật trong mùa nắng nóng năm nay đã xấu đi đáng kể.
Một người phụ trách bệnh viện cho một con dơi cáo bay Ấn Độ ăn tại Quỹ từ thiện Jivdaya ở Ahmedabad, ngày 3/5/2022. (Ảnh: Getty Image)
Manoj Bhavsar, người làm việc chặt chẽ với quỹ tín thác và đã cứu hộ các loài chim trong hơn một thập kỷ, nói với Reuters: “Số lượng các loài chim cần được cứu hộ mà chúng tôi đã chứng kiến đã tăng lên 10%. Các nhà hoạt động đã nhặt những con chim này và đưa chúng đến bệnh viện do ủy thác điều hành để chăm sóc ngay lập tức. Chúng được bơm nước vào miệng bằng ống tiêm và cho ăn viên vitamin".
Bác sĩ thú y bón thuốc cho một con đại bàng ở Ahmedabad. (Ảnh: Reuters/Amit Dave)
Các đợt nắng nóng khắc nghiệt (hay còn gọi là sóng nhiệt) đã bắt đầu sớm hơn nhiều ở Ấn Độ và Pakistan trong năm nay, với đợt đợt đầu tiên được ghi nhận vào đầu tháng Ba. Mặc dù sự thay đổi mô hình sóng nhiệt ngày càng mạnh và kéo dài do một số lý do, nhưng nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này là do biến đổi khí hậu.