Nắng nóng ở Đông Nam Á: Giới khoa học cũng chưa biết điểm dừng

Đã nhiều tuần trôi qua nhưng tình hình nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại các nước Đông Nam Á. Thậm chí, các nhà khoa học còn tuyên bố họ chưa thể đưa ra dự đoán về ngày kết thúc kỳ nắng nóng kỷ lục này.

Báo Manila Times đưa tin nhiệt độ cao nhất ở Philippines trong những ngày cuối tháng 4 có thể dao động từ 42 đến 44 độ C, trong khi đó báo Thaiger cho biết nhiệt độ cao nhất tại Thái Lan dao động từ 38 đến 41 độ C tùy theo khu vực.


(Đồ họa: T.ĐẠT)

Vật lộn với nhiệt độ kỷ lục

Hàng triệu người dân ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á đang phải trải qua những ngày khủng hoảng bởi nhiệt độ cao kỷ lục.

Nắng nóng khiến cuộc sống của người dân bỗng chốc bị đảo lộn. Thời tiết khô hanh khiến cây trồng không phát triển, nguồn nước cạn kiệt, trong khi lượng điện tiêu thụ cho các thiết bị làm mát như quạt, máy lạnh, tủ lạnh lại tăng cao.

Theo Đài CNA của Singapore, hàng loạt vấn đề sức khỏe phát sinh do nắng nóng cũng khiến người dân lo ngại. Nắng nóng không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim, phổi, đột quỵ, say nắng mà còn tạo ra nguy cơ sốc nhiệt khi nhiều người tranh thủ "trốn nắng" ở nơi râm mát rồi ngay lập tức bước ra đối đầu với cơn nắng gắt giữa ngày hè.

Không chỉ vậy, nắng nóng còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý bởi cái nắng hừng hực khiến tâm trạng con người trở nên lo lắng, mệt mỏi. Từ đó dẫn đến những ảnh hưởng xã hội như cáu kỉnh, khó điều chỉnh cảm xúc, hành vi.

Hồi giữa tháng 4, người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun cho biết cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi (79 tuổi) đã được chuyển từ nhà tù sang quản thúc tại gia vì trời quá nóng.

"Vì thời tiết đang rất nóng, không chỉ đối với bà Aung San Suu Kyi, nhưng còn đối với những tù nhân cần các biện pháp phòng ngừa cần thiết, nhất là những tù nhân lớn tuổi. Chúng tôi đang nỗ lực để bảo vệ họ khỏi sốc nhiệt", thiếu tướng Zaw Min Tun nói.

Không chỉ con người, nhiệt độ tăng khiến nhiệt độ nước biển cũng tăng theo dẫn đến những bãi biển xanh mát ở Thái Lan sắp trở thành những "nồi nước sôi" luộc chín các rạn san hô đủ màu sắc ở nước này, theo báo Guardian.

Đối phó với nắng nóng


Một người đi bộ lấy tay che nắng khi đi ở Bangkok, Thái Lan - (Ảnh: Xinhua)

Theo Đài CNN, mặc dù nhiệt độ trung bình ở Đông Nam Á vẫn tăng lên đều đặn hàng thập niên kể từ năm 1960 nhưng các chuyên gia về thời tiết cho biết một trong những điểm đáng lo ngại nhất của đợt nắng nóng hiện đang lan rộng khắp khu vực là thời gian nắng nóng kéo dài và chưa dự đoán được điểm kết thúc.

Các nhà nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu khí hậu của Thụy Sĩ IQ Air cho biết đợt nắng nóng đầu hè 2024 là do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm biến đổi khí hậu do con người gây ra và ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino.

"Hiện tượng này dẫn đến nhiệt độ tăng cao chưa từng có trên toàn khu vực", các nhà nghiên cứu của nhóm IU Air cho biết trong một tuyên bố được đăng tải hôm 5-4. "Hiện chúng tôi chưa nhìn thấy được ngày kết thúc chính xác của chuỗi ngày nắng nóng, bởi việc nhiệt độ giảm xuống còn phụ thuộc vào các yếu tố như thời tiết và các nỗ lực giảm nắng nóng của chính phủ", các nhà nghiên cứu nói thêm.

Giáo sư Benjamin Horton, giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore, cho biết mức nhiệt mà toàn cầu ghi nhận trong 12 tháng qua, cả trên đất liền và trên đại dương, đã khiến giới khoa học phải kinh ngạc.

"Chúng tôi luôn biết rằng thế giới sẽ chuyển biến theo hướng như thế này với lượng khí nhà kính ngày càng tăng, nhưng chúng ta đã vượt kỷ lục về nắng nóng sớm hơn dự kiến", ông Horton nói.

"Có rất ít nơi trên thế giới có khả năng chống chọi với kiểu nhiệt độ cao như thế này", ông Horton nói thêm và cho biết xã hội cần phải tìm cách thích nghi với nắng nóng.

Tại Singapore, một số trường học đã nới lỏng quy định về đồng phục, cho phép học sinh được mặc đồng phục thể dục đến trường thay vì mặc đồng phục chính quy. Các doanh nghiệp cũng có thể chủ động điều chỉnh lịch làm việc của mình nếu có các hoạt động ngoài trời.

Bộ Nhân lực Singapore (MOM) cũng yêu cầu cho các lao động tay chân được nghỉ giải lao giữa giờ làm việc thường xuyên hơn để họ tránh nóng. Hiện nay, ngày càng nhiều các tòa nhà ở Singapore sử dụng các vật liệu mới để giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt ở khu vực đô thị như xây dựng các khu vườn trên mái nhà hoặc sử dụng sơn phản quang để giảm lượng nhiệt hấp thụ.

Tác động lớn đến trẻ em, người già

Thời tiết cực đoan ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất đến người già và trẻ nhỏ. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo hơn 243 triệu trẻ em trên khắp khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương có nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng và thậm chí là tử vong trong những ngày hè năm nay.

Theo các chuyên gia của UNICEF giải thích, vì trẻ em có ít khả năng tự điều chỉnh thân nhiệt hơn so với người lớn nên trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ như các bệnh hô hấp mãn tính, hen suyễn và các bệnh liên quan đến tim mạch.

"Trẻ em dễ bị tổn thương hơn người lớn trước tác động của biến đổi khí hậu và nhiệt độ quá cao là mối đe dọa tiềm tàng gây tử vong ở trẻ nhỏ" - bà Debora Comini, giám đốc văn phòng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF, cho biết.

Cập nhật: 24/04/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video