NASA: Chống thiên thạch thì được, nhưng... thiếu kinh phí!

Chúng tôi biết cần phải làm gì, nhưng... thiếu kinh phí để thực hiện!”, đại diện NASA nói tại Hội nghị bảo vệ hành tinh chống thiên thạch đụng Trái Đất. Hội nghị này diễn ra tại Thủ đô Washington, Hoa Kỳ từ 5-8/3.

NASA cần có 1 tỉ USD

Báo cáo tại Hội nghị, NASA ước tính chi phí từ nay đến năm 2020 để phát hiện ít nhất 90% trong tổng số 20.000 tiểu hành tinh và sao chổi có khả năng đe dọa Trái Đất là 1 tỉ USD (khoảng 760 triệu Euro hay 519 triệu bảng Anh).

20.000 tiểu hành tinh nói trên là những vật thể có đường kính lớn hơn 460 feet (khoảng 140 mét). Ngay cả khi chúng không chạm vào Trái Đất mà chúng phát nổ gần Trái Đất khi chúng bị nung nóng trong trong bầu khí quyển – thì sức tàn phá từ những chấn động sẽ rất khủng khiếp.

Theo NASA, một vụ nổ như thế có sức công phá tương đương với 100 triệu tấn thuốc nổ dynamite, đủ để phá tan tành một bang nhỏ, như Maryland, ở Mỹ.

"Thiếu tiền để săn thiên thạch"... NASA cho rằng họ không đủ nguồn tài chính cho việc phát hiện thiên thạch từ nay đến năm 2020. (Ảnh: Techshout)

Năm 2005, Quốc hội Hoa Kỳ đã yêu cầu NASA triển khai một kế hoạch phát hiện và theo dõi những thiên thạch nguy hiểm và đưa ra phương thức làm chệch quỹ đạo của chúng. Tuy nhiên, NASA cho rằng vì thiếu kinh phí nên họ vẫn chưa đạt được tiến độ phát hiện thiên thạch theo kế hoạch. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA, ông Simon Worden, nói: “Chúng tôi biết cần phải làm gì; chúng tôi chỉ thiếu tiền để thực hiện thôi”.

Tính đến nay, NASA đã phát hiện và xác định được quỹ đạo của 769 trong số 1.090 tiểu hành tinh có đường kính lớn hơn 1 km (khoảng 0,6 dặm), có khả năng tiêu diệt hầu hết sự sống trên Trái Đất, cũng giống như vụ nổ đã làm tuyệt chủng loài khủng long cách đây 65 triệu năm.

Tuy nhiên, hiện nay không có vật thể nào trong số đó đang di chuyển theo hướng có thể va vào Trái đất... Thế nhưng, một tiểu hành tinh có kích thước nhỏ hơn nhiều lại đang trở thành một mối đe dọa thật sự.

Đó là tiểu hành tinh 99942 Apophis, được dự báo có thể va vào Trái Đất vào năm 2036 với xác suất là 1/45.000.

Ông Clark Chapman, chuyên gia khoa học hành tinh thuộc Viện Nghiên cứu Southwest ở Boulder, Colorado, cho rằng ngay cả khi Apophis rơi xuống Thái Bình Dương, nó cũng sẽ gây ra 1 thảm họa tương đương với cơn sóng thần đã tàn phá Indonesia và các nước lân cận vào năm 2004.

Phát biểu tại hội nghị, ông Simon "Pete" Worden, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở Mountain View, California, cho biết Mỹ đã có đủ công nghệ để thực hiện sứ mệnh làm chệch hướng một tiểu hành tinh như Apophis, nhưng chính phủ Mỹ chưa đề nghị kinh phí cho việc đó.

NASA chỉ có ngân sách 4 triệu USD/năm dành cho việc nghiên cứu mối đe dọa từ các tiểu hành tinh. Ông Worden nói: “Chúng tôi chưa có đủ nguồn lực để thực hiện sứ mệnh đó”.

Phải tăng cường khả năng phát hiện thiên thạch

NASA đã phát hiện và xác định được quỹ đạo của 769 tiểu hành tinh có khả năng gây thảm họa cho Trái Đất. (Ảnh: space.com)

Phát biểu tại hội nghị, ông John Logsdon, giám đốc bộ phận Chính sách Không gian của trường Đại học George Washington, cho rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện và theo dõi những tiểu hành tinh nguy hiểm như Apophis. Nếu không làm được như thế thì làm sao chúng ta có thể làm chệch hướng chúng được, ông này nhấn mạnh

NASA cho biết họ cần thực hiện thêm nhiều biện pháp kỹ thuật để định vị các vật thể tuy nhỏ nhưng vẫn là những mối đe dọa tiềm tàng. Theo cơ quan này, mặc dù một đài quan sát của Ý đang thực hiện điều đó, nhưng Mỹ là nước duy nhất có chương trình phát hiện và theo dõi tiểu hành tinh.

Một giải pháp được đưa ra là xây dựng một đài viễn vọng mới trên mặt đất, chuyên dùng vào việc dò tìm tiểu hành tinh, với chi phí khoảng 800 triệu USD (611,5 triệu Euro).

Một phương án khác, có khả năng phát hiện nhanh hơn, là phóng một viễn vọng kính sử dụng tia hồng ngoại lên không gian, với chi phí khoản 1,1 tỉ USD (840 triệu Euro). Tuy nhiên, theo nhà khoa học Lindley Johnson của NASA, Nhà Trắng và NASA cho rằng cả hai giải pháp này đều quá tốn kém.

Một đề xuất khác cũng được đưa ra là lắp viễn vọng kính mới lên phía trên viễn vọng kính của những cơ quan khác, với chi phí chỉ khoảng 300 triệu USD (229,3 triệu Euro). Nhưng giải pháp này cũng không được chấp thuận.

Ông Johnson nói: “NASA hiện chưa thể quyết định nên giải quyết vấn đề này như thế nào!”.

Quang Minh

Theo AP, USA Today, IHT, VietNamNet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video