NASA chụp được “thần chết bất tử” của vũ trụ

Các nhà khoa học phát hiện tín hiệu bất thường giống những ngọn đèn nhấp nháy, "xuyên không" từ nơi vũ trụ bắt đầu.

Một nhóm các nhà thiên văn học từ Đại học Stockholm (Thụy Điển) đã xem xét dữ liệu mà kính viễn vọng không gian Hubble của NASA ghi nhận về các thiên hà mờ ra đời ngay sau sự kiện vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ và nhận thấy hiện tượng bất thường.

Đó là các thiên hà thuộc về vùng vũ trụ sơ khai trên dưới 13 tỉ năm trước.


Một lỗ đen nhấp nháy trong dữ liệu Hubble ghi nhận được - (Ảnh: NASA/ESA).

Các thiên hà cổ đại này từng nằm cách vị trí mà Trái đất tồn tại ngày nay trên dưới 13 tỉ năm ánh sáng và ánh sáng tạo nên hình ảnh của chúng cũng cần một khoảng thời gian tương đương để đến được kính viễn vọng.

Điều này vô tình giúp chúng ta thấy được hình ảnh của quá khứ và biết được những gì đã xảy ra khi vũ trụ còn sơ khai.

Trong trường hợp này, các tín hiệu lạ mà Hubble nắm bắt có thể giúp giải thích câu đố: Các thiên hà có trước hay các lỗ đen quái vật có trước?

Theo các tác giả, tín hiệu bất thường ở hạt nhân các thiên hà này chính là lỗ đen siêu khối của chúng, dạng lỗ đen được gọi là lỗ đen quái vật, nhưng kinh khủng hơn con quái vật ở trung tâm thiên hà của chúng ta nhiều.

Chúng là những lỗ đen lớn nhất, nặng gấp hàng triệu hoặc hàng tỉ lần Mặt trời, hoạt động như những vết rách không - thời gian mãi mãi nuốt chửng bất cứ thứ gì đi qua gần đó.

Chúng giống như những con rồng đang ngủ, không kéo vật chất liên tục mà chỉ thức dậy và hoạt động mạnh mẽ mỗi khi có gì đó vô tình đi ngang.

Mỗi lần thức dậy "ăn", chúng sáng rực lên như ngọn hải đăng rồi lại tạm tắt. Chính điều này gây ra ánh sáng nhấp nháy kỳ lạ mà Hubble ghi nhận.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters, nhóm tác giả cho biết họ đã rà soát kỹ lưỡng và nhận ra rằng có nhiều lỗ đen loại này hơn suy nghĩ trước đây.

Nhiều vật thể trong số này có vẻ lớn hơn khối lượng ban đầu mà các nhà khoa học từng nghĩ chúng có thể đạt được vào vũ trụ sơ khai, cho thấy chúng đã phải rất lớn từ khi hình thành hoặc phát triển nhanh chóng.

Nhóm tác giả cho rằng kích cỡ và sự phổ biến này gợi ý lỗ đen - hạt nhân của thiên hà - xuất hiện trước khi các thiên hà đầu tiên hình thành.

Chúng có thể ra đời do sự sụp đổ của các ngôi sao khổng lồ, nguyên sơ trong một tỉ năm đầu tiên của thời gian vũ trụ.

Đó là một loại sao cực lớn, cực nóng và đoản mệnh, đủ để tạo nên lỗ đen lớn khi chết đi chứ không phải các lỗ đen khối lượng sao nhỏ bé như ngày nay.

Ngoài ra, chúng cũng có thể hình thành trực tiếp từ các đám mây khí sụp đổ, sự hợp nhất của các ngôi sao lớn.

Một kịch bản thú vị khác là chúng là kết quả hợp nhất của một loại lỗ đen nguyên thủy, hình thành chỉ vài giây sau vụ nổ Big Bang.

Cập nhật: 01/10/2024 NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video