Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố hình ảnh mới về một khu vực hình thành sao nhỏ do kính viễn vọng không gian James Webb chụp được vào ngày 12/7 để kỷ niệm việc hoàn thành năm nghiên cứu khoa học đầu tiên của kính này.
Hình ảnh mới về một khu vực hình thành sao nhỏ được chụp bởi kính viễn vọng không gian James Webb ngày 12/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Theo NASA, hình ảnh trên cho thấy vùng hình thành sao nằm ở vị trí gần Trái đất nhất trong tổ hợp đám mây Rho Ophiuchi với khoảng cách gần 390 năm ánh sáng, điều này cho phép chụp cận cảnh khu vực trên. Đây là khu vực gồm khoảng 50 ngôi sao mới hình thành với khối lượng tương đương hoặc nhỏ hơn Mặt trời .
Nhà khoa học tham gia dự án nghiên cứu của Webb tại Viện Khoa học Kính viễn vọng không gian ở bang Maryland (Mỹ) Klaus Pontoppidan cho biết: "Hình ảnh của Webb về Rho Ophiuchi cho phép chúng ta chứng kiến một giai đoạn rất ngắn trong vòng đời của các vì sao một cách rõ ràng. Mặt trời của chúng ta đã trải qua một giai đoạn như vậy từ rất lâu rồi và giờ đây chúng ta có công nghệ để xem phần đầu câu chuyện về một ngôi sao khác".
Cùng quan điểm về vấn đề trên, giám đốc của NASA Bill Nelson cho hay: "Chỉ trong một năm, kính James Webb đã làm thay đổi cách nhìn của nhân loại về vũ trụ, lần đầu tiên con người có thể quan sát kỹ các đám mây bụi và nhìn thấy ánh sáng từ các góc xa xôi của vũ trụ. Mỗi hình ảnh mới là một khám phá mới, khuyến khích và hỗ trợ các nhà khoa học trên toàn cầu hỏi và trả lời những câu hỏi mà họ chưa bao giờ có thể mơ tới".