NASA đặt mua đá Mặt trăng

NASA chính thức tham gia vào thị trường đá Mặt trăng, họ sẵn sàng trả tiền cho bất kỳ công ty nào có khả năng khai thác tài nguyên ngoài không gian.

Hôm 10/9, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo chào mời ​​các công ty tư nhân khai thác đá trên Mặt trăng. Đối tác phải chứng minh nguồn gốc của mẫu vật bằng cách gửi hình ảnh và dữ liệu cho NASA. Nếu hài lòng, họ cam kết mua với giá 15.000-25.000 USD.


NASA đặt mua đá Mặt trăng, mở ra thị trường kinh doanh tài nguyên khai thác ngoài không gian. (Ảnh: The Verge).

"NASA sẽ thu mua đá Mặt trăng từ các nhà cung cấp. Đã đến lúc thiết lập quy định rõ ràng về việc khai thác và kinh doanh tài nguyên không gian", quản trị viên NASA Jim Bridenstine viết trên Twitter.

NASA muốn ký hợp đồng trước năm 2024 - thời hạn cuối để cơ quan này đưa người trở lại Mặt trăng. Họ sẽ trả 20% số tiền khi đạt được thỏa thuận và thanh toán phần còn lại sau khi nhận hàng.

25.000 USD có vẻ như là số tiền nhỏ so với chi phí hàng triệu USD để đưa bất kỳ loại tàu vũ trụ nào lên Mặt trăng. Nhưng ý tưởng đằng sau lời đề nghị này là mở ra một thị trường mới, bình thường hóa khái niệm mua vật liệu được khai quật từ Mặt trăng và các nơi khác trong Hệ Mặt Trời.

Kể từ 2015, Mỹ chính thức cho phép các công ty sở hữu bất kỳ thứ gì họ có thể lấy từ không gian thông qua đạo luật Commercial Space Launch Competitiveness Act.

Đầu năm nay, ông Donald Trump tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích các công ty của nước này và đối tác quốc tế sử dụng nguồn tài nguyên thu được từ không gian.


Mẫu đất thu được từ Mặt trăng do tàu Apollo 17 mang về. (Ảnh: Wikimedia).

Tháng 5, NASA công bố Hiệp định Artemis, một bộ hướng dẫn tiêu chuẩn cho các quốc gia về cách khám phá Mặt trăng và sử dụng nguồn tài nguyên của nó.

Với thông báo hôm 10/9, Mỹ đang bày tỏ quan điểm rõ ràng về việc khai thác tài nguyên ngoài vũ trụ. “Chúng tôi đang áp dụng các chính sách của mình để thúc đẩy một kỷ nguyên mới về khám phá và thăm dò, mang lại lợi ích cho toàn nhân loại”, Jim Bridenstine trên blog.

Theo The Verge, có một số quốc gia tán đồng với ý tưởng của Mỹ, chẳng hạn như Luxembourg. Chính quyền nước này tuyên bố rằng các công ty có quyền sở hữu vật liệu mà họ lấy từ không gian.

Ngược lại, nhiều nước cũng bày tỏ thái độ phản đối. Trung Quốc và Nga, hai siêu cường trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, chỉ trích quan điểm khai thác và sử dụng tài nguyên không gian.

Cập nhật: 14/09/2020 Theo Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video