Ngày 15/6, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo đã tạo ra thành công vụ cháy nhân tạo lớn nhất từ trước đến nay trong vũ trụ nhằm quan sát và nghiên cứu cách thức ngọn lửa bùng phát trong không gian.
Thành công của thí nghiệm này "mở cửa" cho các thí nghiệm đốt cháy tại môi trường vô trọng lực lớn hơn trong tương lai, đồng thời trực tiếp hỗ trợ công tác phát triển công nghệ và vật liệu về an toàn trong thám hiểm không gian sâu.
Thí nghiệm đốt lửa trên không gian hay còn gọi là "Saffire I" được thực hiện trước đó một ngày bên trong tàu vận tải không người lái Orbital ATK Cygnus, vài giờ sau khi con tàu chở hàng này rời Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Phi hành gia Tim Kopra chuẩn bị cho quá trình kích hoạt đám cháy. (Nguồn: nasa.gov).
Giám đốc dự án mô phỏng an toàn hỏa hoạn không gian của NASA Gary Ruff thông báo thí nghiệm diễn ra theo đúng kế hoạch.
Thí nghiệm được tiến hành trong một module kích thước 0,9x0,9x1,5m của tàu Cygnus sau khi tàu vũ trụ này được đưa tới một khoảng cách an toàn khỏi ISS.
Các kỹ sư tại Trung tâm nghiên cứu Glenn của NASA ở Cleveland và Tập đoàn công nghệ không gian Orbital ATK kích hoạt ngọn lửa từ xa. Các hình ảnh và dữ liệu thu được từ bên trong module sẽ được chuyển về hai cơ sở này trước khi tàu Cygnus trở về Trái Đất.
Đây là một trong chuỗi ba thử nghiệm đám cháy không gian của NASA nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho các nhà du hành vũ trụ sống và làm việc ở khoảng không bên ngoài Trái Đất, đặc biệt trong các sứ mệnh kéo dài như thám hiểm Sao Hỏa.
Các thí nghiệm Saffire-II và Saffire-III dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.