NASA đang kết hợp với Sony để nghiên cứu sử dụng kính thực tế ảo đào tạo cho các robot không gian.
Kính thực tế ảo (Virtual Reality) giúp cho bộ não người nhận thức các hình ảnh trong ứng dụng, trò chơi ở một mức độ sống động gần như giống thế giới thực bên ngoài. Với một kính VR đeo trên khuôn mặt, bạn có thể trải nghiệm cảm giác nuôi khủng long hoặc thử nghiệm cảm giác bị một con cá mập nuốt chửng.
Bên cạnh phương diện giải trí và tin tức, công cụ nhập vai về hình ảnh này (kính thực tế ảo) cũng là một thiết bị hỗ trợ đắc lực cho các nghiên cứu khoa học và học tập. Một báo cáo từ Virtual Reality cho biết NASA (cơ quan hàng không vũ trụ của Mỹ) và Sony đang hợp tác với nhau trên một thiết bị gọi là Mighty Morphenaut (một bản demo PlayStation VR) cho phép các nhà khai thác kiểm soát một robot hình người trong không gian. Môi trường trên tàu con thoi sẽ được tái tạo lại để người dùng có thể tìm hiểu làm cách nào một robot có thể hoàn thành một nhiệm vụ hoặc di chuyển xung quanh các chướng ngại vật với một khoảng cách an toàn.
NASA và Sony đang hợp tác với nhau, tạo ra thiết bị Mighty Morphenaut (một bản demo PlayStation VR).
NASA đã nỗ lực trong nhiều năm nay nhằm xây dựng một robot (hình người) đủ khéo léo để hỗ trợ thậm chí thay thế con người trong các nhiệm vụ thám hiểm không gian. Theo thông tin từ website của NASA thì một thiết kế robot theo kiểu hình người có thể hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản lập đi lập lại hoặc các nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm ở những nơi như Trạm không gian quốc tế. Cơ quan này đã đạt được những bước tiến dài trong việc thiết kế và đưa các robot lên làm việc tại trạm không gian (Robotnaut 2 được phóng lên từ năm 2011 và hiện vẫn đang hoạt động tốt).
Bản demo của Mighty Morphenaut hoạt động dựa trên PS4, cho phép các nhà khai thác sử dụng tai nghe PlayStation VR để nhìn xung quanh và đưa ra quyết định nhanh chóng dựa trên môi trường của robot trong thời gian thực. Robot sau đó nhận tín hiệu từ bộ điều khiển Move để bắt chước chuyển động của các nhà điều hành. Tuy nhiên, với khoảng cách giữa người điều khiển từ xa và robot không gian thì độ trễ trong các thao tác của robot là điều không thể tránh khỏi. Nhược điểm này đang được các nhà khoa học nghiên cứu để khắc phục trong thời gian tới.
Các tính năng của kính thực tế ảo có thể giúp các nhà du hành dễ dàng nhận biết được các sai sót trong khi điều khiển, nhưng trong thực tế, việc tương tác với các vật thể bay trong tàu con thoi lại là một thử thách không nhỏ. Vẫn còn một thời gian dài trước khi NASA có thể điều khiển được các robot trên tàu không gian với độ chính xác cao nhưng trước mắt họ có thể dùng kính VR để huấn luyện cho chúng một số thao tác cơ bản.