Trước khi thực hiện chuyến bay có người lái lên sao Hỏa, Nga dự định hợp tác quốc tế để xây một căn cứ trên Mặt trăng.
Người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu vũ trụ thuộc nhà nước Nga Roskosmos, Igor Komarov cho RIA Novosti biết thông tin này ngày 28/12.
"Trên thực tế, sao Hỏa là một mục tiêu đầy tham vọng của cả Roskosmos lẫn NASA, nhưng tôi tin chắc rằng, kế hoạch trước mắt của chúng tôi cũng như Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) và NASA là chinh phục Mặt trăng. Dù có những khó khăn về tài chính, chúng tôi vẫn duy trì chương trình nghiên cứu Mặt trăng. Chúng tôi sẽ tiến hành 5 cuộc thám hiểm bằng các thiết bị thăm dò tự động, trước khi thực hiện chuyến bay có người lái tới Mặt trăng", ông Komarov nói.
Phác họa 1 căn cứ trên Mặt trăng - (Nguồn: ESA).
Theo ông, cả NASA lẫn ESA đều không thể đơn phương thực hiện một dự án lớn như vậy: "Cả Nga và Mỹ đều có đủ khả năng kỹ thuật, và tôi nghĩ rằng ESA cũng có, ở mức độ nào đó. Nhưng sự thật là một sứ mệnh có quy mô lớn như khám phá Mặt trăng và sao Hỏa thì chỉ có thể được thực hiện cùng nhau. Bây giờ không nên đặt vấn đề ai sẽ bay lên đó đầu tiên".
Ông Komarov nói rằng Nga sẽ bảo đảm cung cấp chương trình vận tải có người lái lên trạm không gian quốc tế (ISS) ít nhất là cho đến hết năm 2018.
"Rất có thể, trong tương lai, Nga sẽ đảm bảo các chuyến bay chung có người lái đi xa hơn nữa, chẳng hạn đến Mặt trăng, sao Hỏa hay các tiểu hành tinh. Trước mắt, chúng tôi tập trung chú ý vào mục tiêu Mặt trăng. Nơi đó sẽ là căn cứ hậu cần kỹ thuật vững chắc cho việc phát triển các lĩnh vực công nghệ cho phép tiến hành chuyến bay đến các thiên thể khác.
Chúng ta phải liên tục cung cấp điều kiện sống bình thường trên Mặt trăng ít nhất là 1 năm cho các nhà du hành và duy trì trạng thái hoạt động bình thường của các thiết bị kỹ thuật. Nếu không bảo đảm được điều đó thì sẽ không thể bay đến sao Hỏa. Tôi nghĩ rằng sẽ phải mất hơn 10 năm trước khi chúng ta đạt được công nghệ đủ mạnh để thực sự có cơ hội bay đến sao Hỏa", ông Komarov cho biết.
Theo ông, vấn đề làm thế nào để bảo vệ cơ thể con người từ bức xạ và đảm bảo hoạt động hiệu quả lâu dài của các phi hành gia trên sao Hỏa thì cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
"Nói chung, vấn đề ở chỗ làm sao để đưa các tế bào sống đến sao Hỏa và đưa chúng trở về Trái đất an toàn. Hiện nay vẫn chưa có được một công nghệ hoàn toàn đáng tin cậy trong việc vận chuyển hàng hóa và con người qua khoảng cách lớn trong vũ trụ. Chúng ta nhất thiết không nên đặt ra mục tiêu phải đạt chiến thắng nhanh chóng, mà phải tiếp cận vấn đề một cách vô cùng thận trọng", ông Komarov kết luận.