Nghiên cứu mới cho thấy: Dụng cụ nấu bếp bằng nhựa đen có nguy cơ gây ung thư

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Chemosphere cho biết đã đến lúc vứt bỏ những dụng cụ nấu ăn bằng nhựa đen nhằm bảo vệ sức khỏe khỏi bệnh ung thư, rối loạn hormone...

Không ít dụng cụ nấu ăn màu đen được bày bán và sử dụng đại trà ngày nay có chứa chất chống cháy, vốn được sử dụng trong các thiết bị điện tử. Chúng có nguy cơ gây ra rất nhiều tác hại cho người sử dụng, bao gồm ung thư.

Rủi ro ung thư từ dụng cụ nấu bếp

Khi được tái chế, chất chống cháy dùng trong các thiết bị điện tử đang lọt vào các sản phẩm như dụng cụ nhà bếp và hộp đựng thức ăn.

Có rất nhiều loại chất chống cháy. Chất chống cháy brominated (BFRs) là một trong những loại đáng lo ngại hơn. Chúng được xem là chất độc hại và tích tụ trong các mô của cơ thể. BFRs có liên quan đến ung thư, rối loạn hormone và độc tính thần kinh, sinh sản và phát triển. BFRs thường được tìm thấy trong vỏ bọc bằng nhựa của các thiết bị điện tử và bảng mạch in.

Có nhiều loại BFRs khác nhau, hai trong số đó đã bị cấm ở Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu từ năm 2007 và 2006, bao gồm decabromodiphenyl ether (deca-BDE) và tetrabromobisphenol A (TBBPA).

Một loạt các chất chống cháy khác đã thay thế hai loại BFRs bị cấm này và hiện được coi là an toàn hơn, trong đó có một loại chất chống cháy là organophosphate (OPFRs).


Không ít dụng cụ nấu ăn màu đen được bày bán và sử dụng đại trà ngày nay có chứa chất chống cháy - (Ảnh: Food & Wine).

Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi những thiết bị điện tử này được tái chế thành các sản phẩm chúng ta sử dụng hằng ngày, như dụng cụ nhà bếp? Quá trình tái chế có loại bỏ được BFRs không? Hay chúng vẫn còn, tiềm ẩn nguy cơ gây độc cho chúng ta?

Chủ yếu nằm trong các loại hộp đựng thức ăn mang đi

Các nhà nghiên cứu đã giả định rằng các sản phẩm được làm từ nhựa đen tái chế có nhiều khả năng chứa chất chống cháy, gồm cả những loại đã bị cấm. Một phần là vì màu của hầu hết các vỏ bọc thiết bị điện tử là màu đen.

Mặc dù các BFRs bị cấm không còn được phép sử dụng trong các sản phẩm mới, nhưng có khả năng cao rằng các sản phẩm chứa chúng vẫn còn tồn tại trong các hộ gia đình. Khi được tái chế, chúng lại xuất hiện dưới dạng các sản phẩm khác mà chúng ta sử dụng để ăn và nấu ăn.

Tổng cộng có 203 sản phẩm nhựa đen đã được chọn để thử nghiệm, gồm dụng cụ phục vụ thức ăn (28 sản phẩm), phụ kiện tóc (30 sản phẩm), dụng cụ nhà bếp (109 sản phẩm) và đồ chơi (36 sản phẩm).

Những sản phẩm này được mua từ cả cửa hàng và trực tuyến, từ các nhà bán lẻ nhỏ lẻ và lớn, bao gồm đồ chơi trẻ em, hạt cườm, dụng cụ nấu ăn, dao nhựa và hộp đựng thức ăn mang đi.

Sau khi tiến hành nhiều bài kiểm tra trên từng sản phẩm để kiểm tra chất chống cháy, các phân tích dữ liệu được thực hiện.

Kết quả cho thấy hỗn hợp BFRs và OPFRs xuất hiện trong 65% số sản phẩm được thử nghiệm, và chỉ riêng BFRs đã xuất hiện trong 20% sản phẩm. Các sản phẩm chứa nhiều loại chất chống cháy bao gồm dụng cụ phục vụ thức ăn, đồ chơi, dụng cụ nhà bếp và một phụ kiện tóc.

Các chất chống cháy được tìm thấy thường xuyên nhất là những loại được sử dụng trong vỏ bọc TV, bao gồm cả những loại đã bị cấm trước đây. Một trong số đó đã được tìm thấy với số lượng lớn trong loại khay sushi được sử dụng để khách hàng mang thức ăn đi.

Không chỉ các BFRs thay thế được tìm thấy trong các sản phẩm này, mà một số loại BFRs bị cấm cũng xuất hiện ở mức độ đáng lo ngại.

Làm gì để giảm rủi ro?

Nếu sở hữu thiết bị điện tử, bạn có khả năng tiếp xúc với các chất chống cháy hằng ngày, do các hóa chất này có thể bị hít phải thông qua bụi trong nhà. Và khi xuất hiện trong các sản phẩm bạn sử dụng để ăn và nấu ăn làm từ thiết bị điện tử tái chế, được gọi là rác thải điện tử, bạn sẽ trực tiếp tiếp xúc với chúng. Tương tự với đồ chơi trẻ em, nhất là khi trẻ cho vào miệng.

Khi tiếp xúc với nhiệt, chẳng hạn như khi nấu ăn với những dụng cụ này hoặc hâm nóng thức ăn trong dạng hộp nhựa mang đi, nguy cơ hóa chất bị rò rỉ tăng cao. Ngay cả khi bạn không hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa, việc để thức ăn trong những hộp này cũng có thể tăng nguy cơ phơi nhiễm.

Mối quan ngại là những loại hóa chất này có xu hướng tồn tại trong cơ thể và tích tụ theo thời gian.

Megan Liu, quản lý khoa học và chính sách tại Toxic-Free Future và tác giả chính của nghiên cứu gợi ý nên thay thế dụng cụ nấu ăn bằng nhựa bằng các lựa chọn làm từ gỗ hoặc thép không gỉ.

Nếu có thể, hãy chọn sản phẩm không có nhựa để giảm thiểu phơi nhiễm với các chất phụ gia độc hại trong nhựa. Ngoài ra, hãy chọn sản phẩm điện tử có ít thành phần nhựa hơn. Tại nhà, thường xuyên dọn dẹp và thông gió để loại bỏ các chất chống cháy tích tụ trong bụi hoặc không khí.

Cập nhật: 22/10/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video