Như đã công bố hồi đầu năm 2019, NASA sẽ tái khởi động các nhiệm vụ liên quan đến Mặt trăng, mà cụ thể là đưa con người quay trở lại vệ tinh cổ xưa nhất của Trái đất này.
Nhưng thực tế thì bất kỳ nhiệm vụ nào của NASA cũng thường vấp phải ý kiến trái chiều. Đa số thì ủng hộ, nhưng một vài ý kiến tỏ ra chẳng hào hứng, tin rằng Mặt trăng chẳng còn gì để nghiên cứu nữa, và tập trung đầu tư vào đó chỉ tổ phí tiền của nhân loại mà thôi.
Mặt trăng thực ra vẫn còn rất nhiều điều thú vị.
Có điều theo như các nhà nghiên cứu từ ĐH California, Mặt trăng thực ra vẫn còn rất nhiều điều thú vị. Chẳng hạn, họ tin rằng bề mặt của Mặt trăng có chứa một lượng nước (dưới dạng băng đá) nhiều hơn so với những gì loài người tưởng tượng, và điều này có ý nghĩa rất lớn đối với các nhiệm vụ tương lai liên quan đến vệ tinh này.
Cụ thể, bằng việc so sánh các mảng tối - khu vực không bị Mặt trời chạm tới - với các mảng tương tự trên sao Thủy, các nhà khoa học cho rằng những lớp băng dày vẫn có thể tồn tại trên Mặt trăng, mà cụ thể là ở cực nam vệ tinh này. Khu vực này không có ánh sáng từ Mặt trời chiếu đến, nhiệt độ có thể xuống tới -233oC, và vì thế có thể chứa rất nhiều băng.
Các chuyên gia phân tích dữ liệu từ tàu Messenger của NASA - một dạng robot thăm dò đã ở trong quỹ đạo sao Thủy được 4 năm. Sao Thủy cũng có những mảng tối gần như không bao giờ chạm đến ánh Mặt trời, và ở đó dường như có chứa băng đá. Trong khi đó, Mặt trăng đã từng được chứng minh vào năm 2009 là có chứa băng đá rồi, nhưng số lượng chưa rõ.
NASA tin rằng nam cực của Mặt trăng có thể đang chứa nước.
Trong một nghiên cứu khác vào đầu tháng 7/2019, các chuyên gia từ Trung tâm hàng không vũ trụ Goddard của NASA tin rằng nam cực của Mặt trăng có thể đang chứa nước. Tuy nhiên, nghiên cứu lần này từ ĐH California cho thấy lượng nước Mặt trăng nắm giữ lớn hơn những gì loài người tưởng tượng.
Mặt trăng không có khí quyển, nên toàn bộ bề mặt sẽ phải chịu đựng bức xạ từ Mặt trời. Nếu bề mặt có nước, các phân tử nước sẽ bị hút và đẩy ra ngoài vũ trụ. "Vậy nên mọi người tin rằng một số mảng phía 2 cực của Mặt trăng có khả năng giữ nước ở dưới bề mặt" - William M. Farrell, tác giả nghiên cứu cho biết.
"Dù vậy, tác động của gió Mặt trời và thiên thạch là không thể đoán định. Mọi thứ đều chưa thể nói trước được" - Farrell chia sẻ.
Hiện tại, vẫn chưa thể biết được chính xác có bao nhiêu nước đang bị giữ lại trên Mặt trăng. Tuy nhiên, bí ẩn ấy hoàn toàn xứng đáng để con người tiếp tục quay lại và khai phá thêm vệ tinh hơn 4 tỉ năm tuổi này.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.