Nghiên cứu sinh học sinh sản có nhiều triển vọng

Với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Công nghệ sinh học sinh sản châu Á lần thứ ba tổ chức tại Việt Nam, TS Bùi Xuân Nguyên, Trưởng phòng sinh học sinh sản và phát triển, Viện Công nghệ sinh học cho rằng, nền sinh học sinh sản Việt Nam tuy chưa được đầu tư tương xứng, nhưng đã có những kết quả nghiên cứu cập nhật các phòng thí nghiệm trên thế giới và đi trước một số nước trong khu vực.

Sau đây là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn của TS Bùi Xuân Nguyên dành cho báo Nhân Dân điện tử trước khi diễn ra Hội nghị.

* Xin anh cho biết vài nét về Hội nghị Sinh học Sinh sản châu Á lần thứ 3 do Việt Nam tổ chức?

- Là nước chủ trì Hội nghị lần này, Ban tổ chức đã cố gắng đưa ra các chương trình thu hút không những các nhà khoa học châu Á, mà cả các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu của các nước Âu Mỹ trong các lĩnh vực đang là trung tâm của thế kỷ như công nghệ tế bào gốc, nhân bản vô tính, liên ngành tin sinh học, kỹ thuật nano trong nghiên cứu và ứng dụng y sinh.

TS Bùi Xuân Nguyên (trái) và TS Jean-Chartes Maillard (Pháp) đã phối hợp nhân bản thành công phôi sao la năm 2005. (Ảnh: ND)

Có gần 200 người tham gia Hội nghị, trong đó 90 nhà khoa học từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái-lan, Ấn Độ, Singapore, Australia, Anh, Pháp, Mỹ, Ý, Hungary.

Mục tiêu chung của Hội nghị là thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh sản và hoạt động liên ngành trong khu vực châu Á đang phát triển nhanh, nhưng trình độ KHCN về lĩnh vực này đang rất chênh lệch.

Hội nghị sẽ có phiên thảo luận chương trình hành động nhằm phát triển hợp tác KHCN trong khu vực, và là cơ hội cho chúng ta xây dựng các chương trình hành động có chất lượng trong các lĩnh vực KHCN đã nêu trên.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội rất tốt để nhiều nhà khoa học, sinh viên Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế.

Về khâu tổ chức, Ban tổ chức đã chuẩn bị các điều kiện đạt tiêu chuẩn quốc tế về hội trường, tài liệu, tổ chức thảo luận khoa học trực tiếp bằng tiếng Anh, trưng bày sản phẩm công nghệ. Ban tổ chức cũng đã nhận được sự hỗ trợ của các hãng thiết bị khoa học nội địa để chuẩn bị các phiên trình diễn công nghệ mở rộng và tài trợ các chi phí sinh hoạt trong thời gian hội nghị cho các sinh viên tài năng có điều kiện tham gia hội nghị.

* Việt Nam tham dự Hội nghị lần 3 với những tham luận đáng chú ý nào, thưa anh?

- Trong giới hạn ba ngày, Hội nghị chỉ có đủ thời gian nghe 32 báo cáo khoa học tại hội trường và một phiên báo cáo bảng treo với 57 poster. Việt Nam có sáu báo cáo hội trường, trong đó có bốn báo cáo của các chuyên gia Việt Nam công tác tại nước ngoài và 25 báo cáo treo. Trong số báo cáo chính ở hội trường, đáng chú ý chúng ta có báo cáo của TS Nguyễn Văn Thuận (công tác tại Viện Riken - Nhật Bản) về cơ chế phiên mã trong phôi nhân bản vô tính; báo cáo của TS Phan Toàn Thắng (công tác tại Singapore ) về tế bào gốc màng dây rốn, là công trình vừa đăng ký bản quyền tại Mỹ; báo cáo của TS Nguyễn Việt Tiến về thụ tinh ống nghiệm và điều trị vô sinh.

Tôi sẽ có báo cáo về các mô hình công nghệ sinh sản có tiềm năng trong nghiên cứu và điều trị y sinh (bảo vệ đa dạng sinh học, nghiên cứu HIV, ung thư).

Ngoài ra có các báo cáo ngắn và báo cáo treo của các nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học, Bệnh viện Từ Dũ, Viện Y học dân tộc, Viện Vệ sinh dịch tễ, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Đại học khoa học tự nhiên Hồ Chí Minh, Viện chăn nuôi quốc gia về các nghiên cứu liên quan tế bào gốc, kỹ thuật sinh sản.

* Là một nhà khoa học có những công trình nghiên cứu quan trọng về sinh sản vô tính, anh có nhận xét gì trình độ của Việt Nam trong lĩnh vực này?

- Trong lĩnh vực công nghệ này, tuy chưa được đầu tư tương xứng, nhưng chúng ta đã có những kết quả nghiên cứu phần nào đó cập nhật các phòng thí nghiệm trên thế gíới và đi trước một số nước trong khu vực.

Chúng ta cũng đã có những nghiên cứu nổi bật như: kết quả cấy phôi đầu tiên vào năm 1978, kỹ thuật đông lạnh nhanh phôi động vật thành công lần đầu tiên trên thế giới vào năm 1983, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm và tạo động vật có giới tính chọn lọc vào năm 2002, tạo phôi động vật bằng nhân bản vô tính vào năm 1998, bước đầu tạo tế bào gốc phôi vào năm 2005 (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam); triển khai thụ tinh ống nghiệm điều trị vô sinh ở người đạt tỷ lệ thành công cao trên 30% (Viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ).

Song dù sao số lượng các nhà khoa hoc Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này không đông đảo như ở các nước khác. Thêm nữa, về chất lượng, ngoài một số nhà khoa học và công nghệ có trình độ thực sự cập nhật và đạt trình độ quốc tế, nhìn chung khoảng cách là rất lớn.

* Theo anh, Việt Nam cần phải làm gì để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhất là trong lĩnh vực nhân bản vô tính?

- Để đuổi kịp thế giới trong lĩnh vực này cũng như các lĩnh vực khác, cần có một số lượng nhất định các nhà khoa học có trình độ và sức bật, đồng thời kèm theo là điều kiện làm việc cần thiết như thông tin, thiết bị, cơ sở hạ tầng, và cả cơ chế hoạt động thực sự phát huy được năng lực của họ. Dù có những thành tựu đơn lẻ nào đó, chúng ta vẫn sẽ đi sau cả các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc vì họ có chiến lược và kế hoạch phát triển rất cụ thể.

Nói riêng lĩnh vực nhân bản vô tính và công nghệ sinh học sinh sản thì có những vấn đề rất đời thường: cần diện tích làm việc đáp ứng nhu cầu công nghệ; cần kinh phí và đầu tư của Nhà nước, tranh thủ sự hợp tác quốc tế để chuyển giao, đào tạo khoa học và công nghệ cho Việt Nam; làm sao các nhân viên khoa học trẻ có thể yên tâm theo đuổi khoa học công nghệ trong khi thu nhập từ đồng lương còn hạn chế…

* Năm 2005, anh đã nhân bản thành công phôi sao la trong một dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Pháp mang tên French Biodiva. Xin anh tiết lộ những dự định nghiên cứu của mình hiện nay?

- Tôi có được thuận lợi là có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học quốc tế hàng đầu trong lĩnh công nghệ sinh sản liên tục trong nhiều năm và điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm nhập các công nghệ này vào Việt Nam.

Hiện nay chúng ta có trong tay tất cả các công nghệ cơ bản về bảo tồn và phát huy hiệu quả đa dạng sinh học động vật. Nguyện vọng trước mắt của tôi, song đó cũng là điều cần thiết và có thể làm ngay hiện nay là áp dụng các công nghệ này để xây dựng một hệ thống kết hợp bảo tồn ex situ (ngân hàng lạnh, kỹ thuật sinh sản, khu cứu hộ) với bảo tồn in situ (khu bảo tồn nguyên vị) nhằm bảo vệ khẩn cấp các nguồn gene có nguy cơ tuyệt chủng và hỗ trợ sự phát triển bền vững.

Còn về lâu dài, mong muốn của tôi là làm gì đó góp phần hiểu biết và điều trị các bệnh hiểm nghèo.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ!

HỒNG VÂN thực hiện

Theo Nhân dân
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video