Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang tiếp nhận điều trị nhiều ca tự tử bằng thuốc diệt cỏ Paraquat.
Chiều 14/2, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết đang cân nhắc việc ký giấy ra viện cho một nữ bệnh nhân (ở Đông Anh, Hà Nội) bởi tình trạng ngộ độc Paraquat diễn biến nặng, không còn cơ hội sống sót.
Ngày 12/2, bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, miệng bị loét, đau rát và được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên. (Ảnh: HQ).
Bác sĩ Nguyên cho biết mỗi ngày trung tâm tiếp nhận ít nhất một ca ngộ độc Paraquat. Hầu hết bệnh nhân còn trẻ tuổi, tự tử với những lý do rất nhỏ nhặt như bị bố mẹ mắng, giận chồng, vợ, người yêu.
Ngoài trường hợp nguy kịch trên, Trung tâm chống độc còn hai bệnh nhân ngộ độc Paraquat khác. Một bệnh nhân sinh năm 1993, nam giới, trú tại Quảng Ninh, nhập viện ngày 13/2. Bệnh nhân còn lại sinh năm 1985 (nam, ở Bắc Giang) nhập viện ngày 12/2 do uống thuốc diệt cỏ sau khi mâu thuẫn với vợ.
"Hai bệnh nhân này mỗi người uống khoảng một ngụm thuốc Paraquat. Hiện, họ vẫn tỉnh táo nên chưa tiên lượng được điều gì. Tuy nhiên, mỗi người chỉ cần uống khoảng 5ml thuốc Paraquat là đã có khả năng ngộ độc, tiên lượng tử vong", bác sĩ Nguyên cho biết.
Đa số bệnh nhân bị ngộ độc Paraquat qua đường tiêu hóa, chất độc ngấm vào cơ thể, gây tổn thương phổi, xơ phổi, xơ gan. Trường hợp nặng có thể tử vong trong 2-3 ngày. Đa phần bệnh nhân tử vong trong vòng bảy ngày, muộn nhất là ba tháng.
Các nhà khoa học trên thế giới cũng như Việt Nam đã áp dụng mọi cách khử độc như lọc máu, dùng thuốc giải độc nhưng hiệu quả rất hạn chế. Dù đến viện nhanh hay chậm, nguy cơ tử vong của bệnh nhân cũng rất lớn. Nhiều bệnh nhân sau khi được rửa dạ dày, các triệu chứng buồn nôn, đau rát họng giảm nên cho rằng đã hết ngộ độc. Tuy nhiên, sau 5-7 ngày, thậm chí đến ba tháng, họ sẽ bị suy hô hấp mà chết.