Nhóm các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời, được cho là giống trái đất nhất từ trước đến nay.
Ngoại hành tinh này có tên là Gliese 832c, lớn gấp 5 lần trái đất và cách trái đất 16 năm ánh sáng. Hành tinh này quay quanh ngôi sao chủ Gliese 832, quỹ đạo quay quanh ngôi sao chủ này nằm trong “vùng ở được” - vùng trong đó cho phép nước lỏng tồn tại trên bề mặt hành tinh, có khả năng tồn tại sự sống.
Các nhà thiên văn học quốc tế vừa phát hiện ngoại hành tinh Gliese 832c, giống trái đất nhất từ trước đến nay - (Ảnh: Space)
Các nhà khoa học cho biết thêm, hành tinh này có thể có nhiệt độ tương tự như trái đất, mặc dù có sự thay đổi lớn theo mùa.
Ngôi sao chủ của nó là một ngôi sao lùn, màu đỏ, mờ và nguội hơn mặt trời chúng ta. Các nhà khoa học cho biết, hành tinh Gliese 832c nhận nhiều năng lượng từ ngôi sao chủ của nó và quỹ đạo quay quanh ngôi sao chủ của Gliese 832c chỉ mất 36 ngày.
Như vậy, Gliese 832c là ngoại hành tinh giống trái đất nhất từ trước đến nay trong số 3 ứng viên tiềm năng. Các nhà khoa học đã phát hiện hành tinh này bởi sự rung động khá nhỏ của lực hấp dẫn hành tinh này đối với ngôi sao chủ của nó.
Gliese 832c là hành tinh thứ hai quay quanh ngôi sao chủ Gliese 832. Trước đây, một hành tinh có cùng ngôi sao với Gliese 832c là Gliese 832b đã từng được phát hiện vào năm 2009. Đó là một hành tinh khí khổng lồ, mất khoảng 9 năm hoàn thành quỹ đạo quay quanh ngôi sao chủ của nó.