Mật độ vật chất trong một ngôi sao chết lớn đến nỗi ánh sáng không thể truyền thẳng vì lực hút của nó.
Kính thiên văn không gian Kepler và các chuyên gia của Đài thiên văn Palomar của Mỹ phát hiện ngôi sao lùn trắng siêu đặc đã chết trong một hệ sao đôi. KOI-256, tên của nó, có kích cỡ bằng trái đất, song khối lượng lại tương đương mặt trời (khối lượng mặt trời gấp khoảng 333.000 lần địa cầu). Nó và một ngôi sao lùn đỏ tạo thành hệ sao đôi, Livescience đưa tin.
Kích thước của ngôi sao lùn trắng KOI-256 nhỏ hơn rất nhiều lần so với
ngôi sao lùn đỏ, song ngôi sao lùn đỏ phải xoay quanh nó. (Ảnh: NASA)
"Mật độ vật chất của KOI-256 lớn đến nỗi mặc dù nó nhỏ hơn ngôi sao lùn đỏ rất nhiều lần, ngôi sao lùn đỏ lại xoay quanh nó", Phil Muirhead, một nhà thiên văn của Viện Công nghệ California tại Mỹ phát biểu.
Dữ liệu từ kính thiên văn không gian Kepler cho thấy, lực hút khủng khiếp từ KOI-256 khiến ánh sáng từ "bạn đồng hành" của nó bị bẻ cong. Giới khoa học gọi hiện tượng này là "khuếch đại hấp dẫn", một phần trong thuyết tương đối rộng của nhà vật lý thiên tài Albert Einstein.
Đây là lần đầu tiên giới thiên văn phát hiện một ngôi sao có khả năng bẻ cong ánh sáng.
"Chúng tôi đã chứng kiến thuyết tương đối rộng của Einstein tại một hệ sao xa xôi", Doug Hudgins, một nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bình luận.
Phát hiện của Hudgins và các đồng nghiệp sẽ được công bố trên tạp chí Astrophysical Journal vào ngày 20/4.