Facebook, Twitter... không chỉ là nơi để chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống mà đó còn là nơi để học hỏi, khám phá những điều mới lạ và giao lưu với bạn bè khắp mọi nơi trên toàn thế giới.
Dẫu vậy nếu chúng ta say mê quá đà, quên ăn quên ngủ, hai mắt lúc nào cũng dán chặt vào màn hình "xanh lè" sẽ khiến cơ thể ngày càng suy nhược, dễ mắc phải những hội chứng rối loạn thần kinh, trầm cảm, tuyệt vọng dẫn đến tự tử.
Nghiện mạng xã hội dễ bị trầm cảm hơn những người bình thường.
Một nghiên cứu mới vừa được đại học Pittsburgh tiến hành trên 1.787 người trưởng thành tình nguyện có độ tuổi từ 19 đến 32 tuổi. Theo đó mỗi ngày họ truy cập các trang mạng xã hội trung bình 60 phút và trung bình 30 lần/tuần. Kết quả ghi nhận những người nghiện mạng xã hội dễ bị trầm cảm hơn những người dùng thông thường 2,7 lần và 1,7 lần so với người có tần suất truy cập ít hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên các nghiên cứu chỉ ra mặt trái của mạng xã hội có ảnh hưởng tiêu cực nặng nề đến người dùng. Vào năm 2013, nghiên cứu của đại học Michigan cho biết Facebook là công cụ đắc lực tàn phá hạnh phúc của người trưởng thành. Xa hơn nữa vào năm 2009, đại học Stony Brook công bố nghiện Facebook đã khiến nhiều cô gái teen trầm cảm.
Trở lại với nghiên cứu từ Pittsburgh, trưởng nhóm Lui Yi Lin cho biết nguyên nhân của vụ việc không đơn giản như chúng ta đã nghĩ, nó bao gồm những mối liên kết rất phức tạp: Nhiều người cảm thấy chán nản và vùi mình vào mạng xã hội với hi vọng lắp đầy khoảng trống trong đầu (hoặc trong lòng???). Và đây là nguyên nhân khiến họ bị trầm cảm và ngày càng lún sâu hơn.
Say mê quá đà vào Facebook có thể khiến con người cảm thấy tuyệt vọng và dẫn đến tự tử.
Tuy nhiên theo Brian Primack - giám đốc Trung tâm nghiên cứu truyền thông thuộc Pittsburgh cho rằng không phải mạng xã hội nào cũng gây ra "thiệt hại" như nhau. Tức là tích cực và tiêu cực từ các mạng xã hội tồn tại song song. Có người sẽ nhận được niềm vui, hạnh phúc và từ đó sống thoải mái, phấn chấn tinh thần, nhưng có người chỉ chuốc thêm sầu khổ, bệnh tật vào cuộc đời mình.
Cần nhớ rằng những nghiên cứu này không phải là bài rao giảng đạo đức, bắt bạn phải sống thế này, thế kia hay bớt chú tâm vào Facebook, Twitter... Nhưng đã đến lúc bạn nên bắt đầu những mối quan hệ, những bài học, những chuyến đi... từ thực tế. Nó không hại mắt hay khiến bạn đau đầu thường xuyên để rồi dẫn đến những điều tiêu cực trên mà nó sẽ mang lại những trải nghiệm sống thực tế, phong phú và chân thật cho chính bạn và những người xung quanh. Hãy truy cập mạng xã hội điều độ, có chừng mực, thôi nhé các bạn!