Người ta làm giả một tác phẩm nghệ thuật như thế nào?

Những kẻ chuyên làm giả sử dụng hoá chất, các vật dụng thường ngày và kiến thức nghệ thuật của chúng để tạo ra những sản phẩm giả mạo có thể đánh lừa cả những chuyên gia.

Vào năm 2011, phòng trưng bày nghệ thuật nổi tiếng thế giới Knoedler & Company đã phải đóng cửa vĩnh viễn, khoá chặt gần 165 năm phát triển của nghệ thuật và lịch sử đằng sau những cánh cửa kín. Điều buộc họ phải đưa ra quyết định khó khăn đó là một vụ kiện làm giả đầy tai tiếng - một vụ kiện triệu đô rúng động thị trường mỹ thuật lẫn các hoạ sỹ trên toàn thế giới. Thế giới mỹ thuật toàn cầu có giá trị xấp xỉ 64 tỷ USD, và các tác phẩm giả mạo chiếm một phần đáng kể trong số đó.

Giả mạo là một phần "kém sang" không thể tách rời của mỹ thuật và khoa học. Những kẻ làm giả và các cơ quan hành pháp điều tra về chúng đều vận dụng các yếu tố khoa học để hỗ trợ cho công việc của mình. Nếu như kẻ làm giả dùng khoa học để tạo ra hàng nhái, thì pháp luật dùng khoa học để vạch trần mưu đồ đó. Nếu từng xem các tác phẩm điện ảnh Âu Mỹ, bạn hẳn đã hình dung ra sự phức tạp của việc làm giả các tác phẩm nghệ thuật, nhưng trong đời thực, mọi chuyện lại có phần tẻ nhạt hơn. Để biến một bức hoạ trông như hàng thật, kẻ làm giả phải nhập tâm hoàn hảo với người hoạ sỹ và phong cách của anh/cô ta - có thể ví đây như một kiểu diễn xuất nhập tâm (method acting) của thế giới hội hoạ vậy.

Bạn thấy hào hứng với chủ đề này rồi chứ? Hãy bắt đầu vén màn những bí mật và kỹ thuật đằng sau hoạt động làm giả tác phẩm nghệ thuật!


Giả mạo là một phần "kém sang" không thể tách rời của mỹ thuật và khoa học.

Nguồn gốc

Hầu hết những kẻ làm giả không cố gắng sao chép một bức tranh đã có. Chúng tìm cách tạo ra những tác phẩm vốn chưa bao giờ tồn tại - mà ai cũng nghĩ là có tồn tại - của một hoạ sỹ nhất định. Bước đầu tiên nhằm đánh lừa các nhà kinh doanh nghệ thuật hay các phòng trưng bày là thêu dệt nên câu chuyện về nguồn gốc tác phẩm. Nguồn gốc ở đây bao gồm các tài liệu cung cấp thông tin về chuỗi sở hữu của tác phẩm. Những kẻ làm giả sẽ bịa ra những câu chuyện về những người họ hàng đã mất, những món đồ gia truyền bị lãng quên, hay những của cải cướp bóc được từ những cuộc chiến tranh được tìm thấy sau hàng thập kỷ hay thế kỷ.

Wolfgang Beltracci, một kẻ làm giả người Đức (bị bắt năm 2010) cùng vợ gã là Helene từng gây rúng động cả thế giới hội hoạ với bộ sưu tập Jagers giả mạo của chúng. Gã này đã sử dụng những máy ảnh và cuộn phim cũ từ thập niên 1930 để nguỵ tạo ảnh chụp đưa vào tài liệu nguồn gốc. Helene mặc trang phục thời xưa, đóng giả làm bà nội mình và ngồi trước bức hoạ. Những tác phẩm giả mạo kia được cặp đôi cố tình "chế biến" sao cho trông có vẻ cũ kỹ và đủ mờ nhoè để đánh lừa các chuyên gia hội hoạ.

Chất liệu thô

Bước tiếp theo là tìm kiếm vật liệu thô phục vụ việc tạo ra bức hoạ, bao gồm: khung căng/bảng, bề mặt phẳng, và các loại chất liệu màu sơn.

Khung căng/bảng gỗ

Mánh khoé phổ biến nhất mà những kẻ làm giả sử dụng là mua đồ nội thất và những bức hoạ cũ đã có từ thời kỳ mà người hoạ sỹ chúng định giả mạo từng sống. Chúng sử dụng những thanh gỗ cũ để làm khung căng. Hoặc chúng có thể tận dụng bảng Masonite từ một bức hoạ cũ giá rẻ đã đóng sẵn tem của nhà kinh doanh nghệ thuật trước đó. Điều này không chỉ khiến khung tranh trông cũ kỹ và đáng tin cậy, mà đôi lúc còn giúp chúng qua mặt được các bài test xác định tuổi bằng carbon.

Đinh sắt cũng thường được sử dụng để gắn vải vào khung canh. Để khiến đinh trông gỉ sét, những kẻ làm giả thường sử dụng nước muối để đẩy nhanh quá trình oxy hoá của đinh.

Bề mặt

Giấy và vải là hai lựa chọn yêu thích của những kẻ làm giả. Kinh nghiệm lừa lọc đã mang lại cho chúng chìa khoá cần thiết để đánh bại những cặp mắt dò xét của các chuyên gia, và đôi lúc là cả những kỹ thuật phân tích hoá học nữa!

Về giấy: để giả mạo các hoạ sỹ thời xưa và vượt qua bài test xác định tuổi bằng carbon, những kẻ làm giả phải tìm loại giấy phù hợp với thời đại của bức hoạ. Chúng lùng sục các hiệu sách để tìm những cuốn sách cũ. Từ xưa, sách thường có một hoặc hai trang trống ở trước hoặc sau. Những kẻ làm giả sẽ xé các trang này ra và sử dụng chúng để vẽ. Những kẻ khác có gì làm nấy: phong cách của hoạ sỹ nào phù hợp với kích cỡ giấy thì sẽ làm giả tranh của hoạ sỹ đó!

Sử dụng giấy lấy từ sách cũ dĩ nhiên đi kèm những vấn đề nhất định, một trong số đó là bị mọt sách đục lỗ (con mọt sách theo đúng nghĩa đen). Qua thời gian, một bức hoạ cũ có thể xuất hiện những lỗ mọt, nhưng khi điều đó xảy ra thì tranh cũng đã khô rồi, có nghĩa là ở rìa những lỗ mọt kia sẽ không có dấu vết của màu sơn.

Tuy nhiên, nếu một kẻ làm giả sơn lên giấy đã có sẵn lỗ mọt, mực/sơn sẽ thấm qua lỗ ra mặt sau, ngay lập tức gây ra sự nghi ngờ cho các chuyên gia đang đánh giá bức hoạ. Bậc thầy làm giả Eric Hebborn đã nghĩ ra một giải pháp thông minh nhằm giữ không cho sơn lọt qua những lỗ mọt.

Ông này "vá" lỗ mọt bằng giấy đã vò nát, rồi cắt rìa của "cái nút giấy" đó để vừa khít lỗ mọt. Sau khi sơn đã khô, cái nút giấy này sẽ được tháo ra.

Trong cuốn sách "The Art Forger's Handbook", Hebborn còn đề xuất sử dụng benzine (không phải benzene) để loại bỏ những vết nhờn trên bề mặt giấy, cũng như sử dụng khoai tây xắt lát hoặc dung dịch ammonia để chuẩn bị các bề mặt nhờn bóng của giấy trước khi vẽ.

Những kẻ làm giả tìm cách đạo nhái những hoạ sỹ gần thời của chúng chỉ cần làm sao để giấy trông cũ đi vài thập kỷ. Và đó là lúc chúng nghĩ ra những kỹ thuật "làm già giấy" vô tiền khoáng hậu. Một số sử dụng một dung dịch permanganate để tạo tông vàng cho giấy, hoặc đắp trà/cà phê để khiến giấy có tông nâu nhạt.

Tom Keating, một tên lừa đảo từng tạo ra nhiều bức hoạ màu nước giả, có một kỹ thuật tạo vết ố nâu (foxing) cực kỳ ấn tượng. Trước khi bức hoạ của hắn hoàn toàn khô ráo, hắn sẽ thổi một ít bột cà phê vào không khí. Khi bột rơi xuống, nó sẽ tạo ra những vết ố trên giấy không khác gì ma thuật.


Vết ố nâu trên những bức hoạ cổ.

Một tác giả hồi thế kỷ 16, Giorgio Vasari, trong cuốn sách "Lives of Artists", đã viết về việc Michelangelo sử dụng khói từ những ngọn lửa và trà để tạo màu cho giấy trước khi làm giả. Bạn không nghe nhầm đâu, Michelangelo khi mới bước vào con đường nghệ thuật đã từng là một tên làm giả tranh!

Kể cả David Stein, người đã bị bắt vào năm 1969 vì làm giả tranh Picasso và Chagall, cũng nhúng giấy vào trà để làm ố chúng.

Đối với vải, những kẻ làm giả sẽ mua những bức hoạ cũ của những hoạ sỹ kém nổi tiếng. Chúng sẽ làm phai màu tranh bằng dung môi lột sơn hay acetone nguyên chất. Nếu sử dụng những loại vải mới hơn, chúng sẽ tẩy trắng vải để khiến nó trông như bị mòn và nhuộm chúng bằng trà/rau diếp xoăn để có được màu sắc cũ kỹ đúng ý đồ.

Chất liệu sơn

Nhiều hoạ sỹ bậc thầy ở châu Âu trước những năm 1800 sử dụng mực để vẽ. Eric Hebborn sử dụng những công thức bào chế thuốc thời trung cổ để tái hiện lại loại mực có cùng thành phần hoá học bằng các loại nguyên liệu như mực của mực nang, bồ hóng của ống khói, lớp gỉ sét, giấm, và nước mưa.

Gã sử dụng mực pha loãng trong những bức hoạ của mình để tạo hiệu ứng phai nhạt của tranh cũ. Shaun Greenlaugh, một kẻ lừa đảo bị bắt vào năm 2007, cho biết một trong những điều đầu tiên người ta nhìn vào một bức hoạ cũ của các hoạ sỹ bậc thầy là những vết ăn mòn từ mực vú lá sồi.

Một trong những thành phần chính của loại mực này là acid sulfuric. Để giả lập hiệu ứng ăn mòn, Hebborn đề xuất chấm thêm acid bằng một cây bút lông ngỗng rất sắc ở những nơi có mật độ mực cao nhất.

Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến thách thức khó nhằn nhất: sơn dầu. Chất màu để làm giả tranh phải có thành phần hoá học phù hợp với thời đại người hoạ sỹ từng sống. Nhiều chất màu trắng đang bán trên thị trường có chứa các khoáng chất như titanium dioxide (dù rằng ống màu nói đó là kẽm trắng), vốn chưa được sử dụng để làm sơn cho đến tận giữa những năm 1900. Do đó, những kẻ làm giả đã trộn chất màu trắng của riêng chúng (thường là kẽm dioxide) vào màu vẽ.

Hoạ sỹ người Hà Lan Han Van Meegeren, một trong những kẻ làm giả nổi tiếng nhất những năm 1900, thậm chí còn tìm cách lừa quân Phát xít bằng những bức hoạ Jan Vermeer giả mạo của mình. Trong phiên toà xét xử, gã đã nói rằng mình nghiền nhỏ đá xanh da trời (lapis lazuli) để làm sơn xanh, bởi các chất màu xanh dương Ultramarine và Prussian hiện có ngày nay chưa hề xuất hiện vào thế kỷ 17.


Lapis Lazuli.

Những bức hoạ cổ sẽ cứng lại và co rút theo thời gian, tạo nên một mạng lưới những vết nứt gọi là craquelure. Van Meegeren đã vận dụng kiến thức khoa học để giả lập hiệu ứng này: gã sử dụng nhựa bakelite với sơn để làm nó cứng lại nhanh hơn, cũng như giúp nó kháng được cồn.

Van Meegeren đã nung sơn của mình dưới nhiệt độ được kiểm soát để làm khô nó và cán lên vải bằng một cái ống để tạo ra những vết nứt. Sau đó gã tô những vết nứt bằng mực đen để khiến chúng nổi bật hơn. Một số kẻ làm giả còn thêm trứng vào sơn để đẩy nhanh tốc độ khô.

Ken Pereyni, một kẻ làm giả ở thế kỷ 20, đề cập đến những thủ thuật của mình trong cuốn sách "Caveat Emptor". Bởi gã còn có nghề phụ là chuyên gia khôi phục các tác phẩm hội hoạ, gã được làm việc rất gần những bức hoạ thật, và biết được những thứ mà các chuyên gia và nhà khoa học sẽ nhìn vào để tìm dấu hiệu làm giả.

Gã sử dụng một lớp sơn mài xúc tác mỏng trên tranh để giúp chúng kháng acetone. Những vết nứt của các bức hoạ cổ có dạng như mạng nhện, trong khi cán ống lên tranh sẽ tạo ra những vết nứt đơn hướng. Do đó, Pereyni sử dụng một trái banh cao su nhỏ để tạo một lực nhẹ lên miếng vải nhằm tái hiện lại những vết nứt hình mạng nhện.


Craquelure trên những bức hoạ cổ.


Có thể được tái hiện bằng một trái banh cao su theo cách của Ken Pereyni.

Gã phát hiện ra rằng những loại vẹc-ni cổ có chứa đường và sẽ thu hút ruồi, để lại những vết đốm mà theo thời gian sẽ chuyển thành màu đen. Pereyni đã tái hiện lại hiệu ứng này một cách chuẩn xác. Gã sử dụng keo epoxy/dầu hạt lanh dày và chất màu để tạo nên những đốm nhỏ trên bức hoạ.

Những nhà kinh doanh nghệ thuật thường sử dụng đèn UV để kiểm tra sự phát huỳnh quang trên những bức hoạ cổ. Vẹc-ni áp trên các bức hoạ có chứa các thành phần hữu cơ mà theo thời gian sẽ phát huỳnh quang (ánh sáng xanh lá giống như sơn radium) dưới ánh sáng UV.


Vẹc-ni cũ sẽ phát sáng xanh lá tương tự thế này dưới đèn UV.

Pereyni sẽ chùi sạch lớp vẹc-ni cũ từ những bức hoạ gã đã khôi phục bằng một dung môi lau chùi, sau đó hoà trộn nó với vẹc-ni mới và xịt lên tác phẩm giả mạo. Bạn đoán xem? Chúng sẽ phát sáng xanh lá dưới ánh đèn UV!

Cuối cùng, để khiến bức hoạ trông như mới được phát hiện, gã sẽ làm giả bụi bẩn bám trên tác phẩm với bột đá bị phong hoá. Và phơi khô nó dưới ánh mặt trời để mùi sơn bay đi hết.

Kết

Những kẻ làm giả luôn tìm cách len lỏi vào tâm trí các chuyên gia nghệ thuật và các giám định viên nhằm tránh bị "bắt bài". Chúng cố hình dung và tái lập những dấu hiệu then chốt có khả năng làm tranh gia trông như thật. Tuy nhiên, dù cố gắng đến đâu đi chăng nữa, có một câu thoại trích từ bộ phim "The Best Offer" như sau: "Luôn có thứ gì đó mang tính xác thực ẩn trong mọi thứ giả mạo". Và đó là cách khoa học giám định tóm gọn những kẻ làm giả kia.

Cập nhật: 13/01/2021 Theo vnreview
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video