Nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm H5N1 từ chim yến

Ninh Thuận đã lấy mẫu chim yến, phân và tổ yến xét nghiệm, kết quả cả 3 lần đều dương tính với virus H5N1. Theo giáo sư Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế “nguy cơ lây nhiễm bệnh từ chim yến sang người là hiện hữu”.

>>> Hàng nghìn con chim yến bị chết dương tính với H5N1

Theo giáo sư Huấn, đây là lần đầu Việt Nam phát hiện virus cúm H5N1 trên đàn chim yến. Trước đó chủ yếu chỉ phát hiện trên đàn gia cầm, thủy cầm, chim cút.

Từ năm 2005 đến nay, hầu như năm nào ngành thú y cũng phát hiện dịch trên đàn gia cầm, thủy cầm. Nguy hiểm lớn nhất là gia cầm, thủy cầm mang virus nhưng không có biểu hiện bệnh. Vì vậy bệnh rất dễ lây lan giữa các đàn gia cầm, thủy cầm, thậm chí với chim, trong đó có yến.


Đây là lần đầu Việt Nam phát hiện virus cúm H5N1 trên đàn chim yến. (Ảnh minh hoạ)

Trong điều kiện ẩm, nhiệt độ thấp, virus cúm H5N1 tồn tại nhiều ngày nhưng khi ra môi trường bên ngoài, nó thường chết khá nhanh. Nếu đun trên 60 độ C, virus sẽ chết trong vòng một giờ. Vì thế, sự tồn tại của virus này sẽ tùy thuộc từng loại sản phẩm chế biến từ chim yến. Nếu sử dụng sản phẩm lưu giữ trong điều kiện đông lạnh, ẩm thấp thì nguy cơ nhiễm bệnh có thể cao hơn, giáo sư Huấn cho biết.

“Theo tôi, hiện tại người dân vẫn có thể sử dụng các sản phẩm chế biến từ chim yến nhưng chú ý nguồn gốc và hạn sử dụng. Tốt nhất chỉ sử dụng sản phẩm đã được xử lý qua nhiệt thật kỹ. Khi chế biến thì cần có phương tiện phòng hộ”, giáo sư Huấn cho biết.

Theo ông, ngành thú y cần tăng cường giám sát, nơi nào có chim yến chết cần triển khai các biện pháp phòng dịch. Thú y đồng thời phối hợp với ngành y tế tăng cường giám sát, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, hạn chế sự lây nhiễm virus cúm H5N1 sang người. Những người nuôi chim yến cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus cúm này cho bản thân và gia đình mình, khi chăm sóc yến cần đeo găng tay, khẩu trang... Khi thấy những biểu hiện bất thường từ đàn chim như ốm, chết, cần báo ngay cho thú y.

Tiếp xúc, chế biến gia cầm nhiễm cúm H5N1, con người có thể bị nhiễm bệnh trực tiếp trong trường hợp tay chân bị xước. Đặc biệt nếu máu, dịch tiết của gia cầm bị bệnh bắn vào mắt thì nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao, như trường hợp bé 4 tuổi tử vong cúm H5N1 ở Đồng Tháp. Trước đó, cháu đã ngồi xem bà làm thịt gà, giáo sư Huấn cho biết.

Người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như phát hiện gia cầm, chim yến ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý kịp thời. Đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh...

Hiện nay, cúm H5N1 chưa có vắc-xin phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là một loại cúm nguy hiểm, độc lực cao, tỷ lệ tử vong lên đến 50%, thậm chí có thời điểm lên đến 100%. Do đó khi sốt cao, khó thở, sống ở khu vực đang có dịch cúm H5N1 thì người dân cần đến khám tại các cơ sở y tế để tránh biến chứng, nguy cơ tử vong đáng tiếc.

 

Theo VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video