Tôi đã đọc ở một số báo về việc 4 Bộ thông báo về nguyên nhân cháy xe. Xin hỏi: Sao các nhà nghiên cứu lại cứ khăng khăng khẳng định cháy được “phải có xăng dầu bị rò rỉ và tiếp xúc với nhiệt độ hơn 400 độ C“? Tất nhiên có đủ hai điều kiện ấy thì 100% cháy.
Nhưng xin thưa: Chưa đủ điều kiện ấy đã cháy rồi. Cụ thể: Chỉ cần nhiên liệu thấm qua ống dẫn đã bị lão hoá và bay hơi ra ngoài, mắt thường ta không nhìn thấy được; tay ta sờ vào ống dẫn cũng không ướt tay - Thế là có 1 điều kiện cho sự cháy rồi.
Điều kiện 2 chưa cần phải có nguồn nhiệt cao như thế, mà chỉ cần một tia lửa nhỏ do nhiều tình thế tạo ra. Ví dụ như chập điện, như xe chuyển động sinh ra ma sát, như các vật liệu cọ sát tự sinh điện trái dấu tiềm ẩn... Thì đấy, xe téc chở xăng trên đường thường tha một cái dây xích sắt kéo lê trên mặt đường đó là gì? Dây xích sắt đó để triệt tiêu các điện tích khác dấu tích tụ trên xe xuống đất mục tiêu trừ hậu hoạ.
Có nghĩa là điều kiện 2 về tia lửa trong gầm xe khi nó chuyển động là rất dễ xảy ra.
Trở lại điều kiện 1: Tôi thực sự rùng mình khi nghe Bộ Công An nói “xăng có dưới 30% chất phụ gia” là axetol, ethanol, methanol.
Xin thưa, trước đây chỉ có 5% thôi. Tôi hiểu, dưới 30% có nghĩa là trên 20% và gần 30% chất phụ gia.
Vậy ta có quyền khẳng định rằng: xăng Việt Nam đã bị thương mại lạm dụng. Người ta đã pha ¼ thể tích những dung môi cực mạnh đối với cao su và nhựa. Với nồng độ phụ gia lớn như thế thì không một ống dẫn bằng nhựa hoặc cao su nào có thể an toàn bền vững trong môi trường đó được!
Mấu chốt chính là chỗ này. Xăng có nồng độ phụ gia lớn khủng khiếp như thế, tôi nghĩ rằng an ninh hoả hoạn cho xe còn tiếp tục nhiều nữa. Sau một thời gian các xe đã dùng xăng có pha nhiều chất phụ gia, thì ít nhiều đã bị “tổn thọ” (lão hóa), có nghĩa là đã “hẹn giờ” cháy!
Đề nghị các ngành chức năng “làm sạch nhiên liệu” trước khi đưa ra thị trường.