Ngày 31/1, Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos thông báo tác động từ phóng xạ vũ trụ là nguyên nhân khiến Trạm liên hành tinh tự động "Phobos-Grunt" của Nga không hoàn thành sứ mệnh thăm dò Sao Hỏa.
Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời Giám đốc Roscosmos, ông Vladimir Popovkin, nói rõ nguyên nhân có thể xảy ra nhất dẫn đến thất bại của Trạm "Phobos-Grunt" là tác động từ các phân tử tích điện mạnh trong vũ trụ đối với hệ thống máy tính trên tàu, khiến bộ nhớ của máy tính gặp trục trặc ngay sau khi "Phobos-Grunt" rời bệ phóng.
Tuy nhiên, ông Popovkin cũng ngờ rằng những vi mạch nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn được sử dụng trên các tàu vũ trụ có thể là yếu tố dẫn đến thất bại của "Phobos-Grunt".
Ngày 8/11/2011, Nga phóng Trạm "Phobos-Grunt" vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy Zenit từ Trung tâm vũ trụ Baikonur (Kazakhstan) với mục đích chính là lấy mẫu đất từ vệ tinh Phobos của Sao Hỏa để nghiên cứu. Đây là một trong những dự án nhiều hoài bão nhất trong lịch sử thăm dò Sao Hỏa, với chi phí lên tới 5 tỷ rúp (165 triệu USD).
Tuy nhiên, sau khi tách thành công khỏi tên lửa đẩy, "Phobos-Grunt" đã chệch khỏi quỹ đạo bay hướng đến Sao Hỏa và mất liên lạc với mặt đất. Phần lớn Trạm thăm dò "Phobos-Grunt" bị đốt cháy khi rơi trong lớp khí quyển dày đặc, các mảnh vỡ cuối cùng của trạm này rơi xuống Ấn Độ dương hồi giữa tháng này.
Trong một tuyên bố liên quan, ông Popovkin cho biết Nga dự kiến tái thử nghiệm sứ mệnh thăm dò Sao Hỏa của Trạm "Phobos-Grunt" nếu như nước này không thoả thuận được với Cơ quan vũ trụ châu Âu về sự tham gia chương trình "ExoMars" (Ngoại Sinh vật học trên Sao Hỏa) của cơ quan này.
Phát biểu với báo giới, ông Popovkin cho biết Cơ quan vũ trụ Nga đang tiến hành tham vấn với Cơ quan vũ trụ châu Âu về sự tham gia của Nga vào dự án "ExoMars". Nếu hai bên không đạt được thoả thuận, Nga sẽ tiến hành tái thử nghiệm sứ mệnh của Trạm thăm dò "Phobos-Grunt".