Nhà khoa học tại NASA tuyên bố: Con người sẽ cần tới 3 hành tinh nữa thì mới đủ để sống tiếp

Hành tinh chúng ta đang chịu áp lực nặng nề, chính là từ con người chúng ta tạo nên chứ chẳng đâu xa. Bùng nổ dân số, tài nguyên cạn kiệt… vô số yếu tố khiến Đất Mẹ ngày một cằn cỗi. Vấn đề này nghiêm trọng đến mức có một nhà khoa học tại NASA tuyên bố chúng ta cần phải gấp rút biến sao Hỏa thành ngôi nhà thứ hai để nhân loại tồn tại được tiếp.

Không chỉ dừng ở đó, nhà khoa học xuất chúng này còn nói rằng rồi chúng ta "sẽ cần ít nhất 3 hành tinh nữa để có thể sống sót".


Sao Hỏa.

"Toàn bộ hệ sinh thái Trái Đất đang sụp đổ", Dennis Bushnell, nhà khoa học đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Langley của NASA tuyên bố hôm thứ Năm. "Về cơ bản, là số lượng người đang quá nhiều. Với danh nghĩa là một giống loài sống trên Trái Đất, ta đang quá thành công rồi. Hiện tại chúng ta thiếu khoảng 40 tới 50% tài nguyên của một hành tinh để mà sống. Với hàng tỉ người sắp được sinh ra nữa, ta sẽ cần tới 3 hành tinh mới đủ sống".

Khi Bushnell nói lên những lời trên, ông đang bàn luận về báo cáo mang tên "Hiện trạng của Tương lai" thuộc Dự án Thiên niên kỷ, một bản báo cáo thường niên về những khó khăn Trái đất đang gặp phải và đề xuất cách giải quyết. Ông nói rằng sao Hỏa sẽ là bước khởi đầu rất tốt, nhưng ta sẽ sớm cần thêm nơi ở.

"Nếu như NASA muốn biến sao Hỏa thành nơi có thể sống được, sẽ phải mất khoảng 120 năm và đó mới chỉ là một hành tinh thôi nhé", ông nói. "Ta sẽ cần nhiều hơn thế".


Một hành tinh ở được sẽ phải nằm tại một vị trí vừa đủ so với ngôi sao mà nó quay quanh.

Đây chẳng phải là lần đầu có người đưa ra ý kiến này, rằng con người cần thuộc địa hóa những hành tinh mới. Có một báo cáo năm 2012 cho rằng tới năm 2050, ta sẽ cần 3 hành tinh nữa để mà sống tiếp. Sao Hỏa thì đúng là khả quan thật, nhưng trong Hệ Mặt trời này, ta ít có những hành tinh như thế.

"Mục đích của tuyên bố này không phải là gây ra sự sợ hãi hay chỉ là nói ra cho vui", Jerome Glenn, CEO của Dự án Thiên niên kỷ nói. "Chúng ta không có quyền bi quan. Ta phải tìm ra một cách thức thông minh để duy trì sự tồn tại của giống loài mình. Nếu như bạn nghĩ tình hình không khá hơn được nữa, thì thôi bản thân bạn có thể ngừng cố gắng giải quyết. Nếu bạn mà đã nghĩ là thực tại không có vấn đề gì, thì cần gì phải thay đổi nữa?"

Bushnell cũng không cho rằng ta sẽ phải rời Trái Đất, mà nên dừng việc tiêu thụ tài nguyên như hiện tại. Và ông gợi ý một giải pháp có tên "canh tác nước mặn".


Những loài cây chịu mặn có thể tạo ra nhiên liệu sinh học.

Những loài cây chịu mặn có thể tạo ra nhiên liệu sinh học khi phát triển giữa biển, hay thậm chí ta có thể xây nên những cơ sở nước mặn khổng lồ và trồng những cây chịu mặn tại đó, tạo nên những nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học khổng lồ.

Các nhà khoa học đang cố gắng hiện thực hóa ý tưởng này, đã có những dự án đi đầu tại Ấn Độ, Pakistan, Lào hay một số nước chưa phát triển khác.

Dự án sẽ bắt đầu đâu đó trong năm 2018. Tuy chưa có tiến triển hay kết quả đáng lạc quan nào, nhưng ông Bushnell nói rằng nó sẽ giải quyết phần lớn vấn đề ta đang phải đối mặt.

"Nếu như bây giờ ta tiến hành trồng cây chịu mặn tại những vùng đất không người ở, sử dụng nước biển để duy trì hoạt động thì khoảng 10 tới 15 năm nữa, ta sẽ có nhiên liệu giá 50 USD một thùng. Một nửa giá dầu mỏ hiện tại", ông Bushnell nghĩ tới sự thành công của dự án canh tác nước mặn.

"Với cái giá ấy, ta có thể giải quyết được khó khăn của cả đất đai, lương thực, nước ngọt, năng lượng và khí hậu. Tất cả mọi thứ đang ở rất gần".

Cập nhật: 02/08/2018 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video