Các nhà khoa học Việt đã chế tạo thành công màng bảo vệ trái cây trước các loại sâu bệnh gây hại, thuốc bảo vệ thực vật và có thể tự phân hủy.
Ý tưởng chế tạo màng bao trái cây trước thu hoạch được TS Hoàng Tuấn Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển vật liệu mới công ty TNHH CN&DVTM Lạc Trung manh nha từ khoảng hơn 10 năm trước. Mục đích là để ngăn chặn sự tấn công của côn trùng như sâu đục trái, bọ xít, ruồi, hạn chế sự lây nhiễm của nấm bệnh, giúp trái có mẫu mã đẹp, nâng cao giá trị.
Theo ông Hưng, màng bọc được sản xuất từ vật liệu màng PE, vải PP không dệt và giấy ghép phức hợp. Tùy từng loại quả khác nhau, màng được tính toán tỷ lệ để phù hợp với đặc tính sinh học và kích thước. Có 5 nhóm cây chủ lực là bưởi, cam, xoài, chuối và thanh long được lựa chọn để thử nghiệm.
Túi bao trái cho quả cam. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Khác với những loại màng bao trái thông dụng trên thị trường như túi nylon, túi vải không dệt, màng bao trái của nhóm phát triển chứa phụ gia phân huỷ sinh học. "Chúng tôi đã chế tạo được các vật liệu màng bao bảo vệ cho quả và có khả năng tự huỷ, đây là thành công lớn", TS Hưng nói. Theo đó, thời gian phân hủy sinh học dự tính của các loại túi từ 13 tháng (đối với túi bao vật liệu giấy ghép phức hợp), 20 tháng (với vải PP không dệt) và 24 tháng với túi dạng màng PE.
TS Hưng cho biết, mỗi loại trái cây có đặc tính sinh thái khác nhau, bởi vậy thời điểm bọc và tháo màng sẽ khác nhau. Ví dụ, bưởi da xanh sẽ bắt đầu bọc khi trái có đường kính từ 4-6 cm, bọc trong 6,5 tháng. Màng bọc được tháo trước khi thu hoạch 15 ngày.
Với bưởi Diễn thường bắt đầu bọc khi quả được 4 tuần tuổi, trong 7 tháng, tháo màng trước khi thu hoạch 20 ngày. Cam Cao Phong bọc màng khi hoa nở rộ 100 ngày, giữ trong 4 tháng và tháo trước thu hoạch 10 ngày. Riêng thanh long ruột tím hồng bắt đầu bọc quả sau khi hoa nở rộ 7 ngày, trong một tháng, tháo bao tại thời điểm thu hoạch.
TS Hưng lưu ý thêm, trong quá trình bọc, mỗi tuần sẽ kiểm tra ngẫu nhiên một số quả để đề phòng sâu, bệnh có thể tấn công.
Màng bọc được ứng dụng cho các loại quả: chuối (Phú Thọ), xoài (Sơn La), cam (Cao Phong), bưởi Diễn (Chương Mỹ), thanh long (Bình Thuận). Kết quả cho thấy khu vực được bao, quả đẹp, không bị sâu hại, nấm, côn trùng tấn công, hạn chế quả bị cháy nắng nóng, hay thối hỏng.
Theo nhóm nghiên cứu, với đặc tính của vật liệu, giọt nước khó thẩm thấu qua các lỗ siêu nhỏ của màng bọc nên những vườn trồng cần phun thuốc trừ sâu, trái không bị ngấm thuốc. "Kỹ thuật này còn giúp cải thiện màu sắc vỏ, mẫu mã quả đẹp hơn, trái cây an toàn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn, tăng 18 - 40%", TS Hưng cho biết.
Bao trái giúp mang lại năng suất cao cho thanh long Bình Thuận. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).
Hiện công ty đã xây dựng dây chuyền sản xuất túi bao trái dạng giấy phức hợp công suất 100 tấn/năm. Giá bán của sản phẩm dao động từ 650 đến 3.500 đồng/cái, tùy loại.
Theo TS Hưng, màng bọc này có thể tái sử dụng, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất trái cây sạch, chất lượng. Ông Hưng cho biết, nhóm tiếp tục hoàn thiện công nghệ nhằm tối ưu hoá các chi phí, nâng cao chất lượng của sản phẩm và nghiên cứu thêm một số loại quả khác như nhãn, na, ổi, vải...
Màng bao cho chuối. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).
Ông Nguyễn Văn Lam, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá, nghiên cứu vật liệu chế tạo màng sinh học bao trái cây có tính khoa học và thực tiễn cao. Kết quả của nghiên cứu có thể ứng chế tạo ra một số loại màng sinh học phù hợp để bọc được nhiều loại quả có khối lượng, kích thước và đặc tính sinh học khác nhau.
"Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học trong chế tạo các loại màng sinh học phân hủy nhanh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản an toàn chất lượng cao", ông nói. Đây là một trong những đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới (KC.02 giai đoạn 2016-2020), thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.