Đội nghiên cứu Nhật Bản phát hiện loài cá ốc ở độ sâu lớn nhất từng được ghi nhận dưới rãnh đại dương Mariana.
Cơ quan Khoa học và Công nghệ Đại dương-Trái Đất Nhật Bản (JAMSTEC) ngày 24/8 công bố phát hiện loài cá ốc (snailfish) ở độ sâu 8.178m dưới rãnh đại dương Mariana, theo Japan Times. Đây là độ sâu lớn nhất từng được ghi nhận bằng video về sự có mặt của cá.
Loài cá ốc được phát hiện dưới rãnh Mariana. (Video: YouTube).
JAMSTEC cùng NHK quay video hôm 18/5 sử dụng camera 4K trên thiết bị nghiên cứu đáy biển do tàu nghiên cứu biển sâu Kairei điều khiển. Loại cá ốc được phát nhiện có khả năng là cá ốc Mariana, đến khu vực này để bắt giáp xác. Trong video ở độ sâu 7.498m, loại cá này được phát hiện đang ăn giáp xác.
"Chúng tôi đã thiết lập kỷ lục quay phim một con cá ở độ sâu được đo chính xác", nhà nghiên cứu cấp cao Kazumasa Oguri của JAMSTEC nói. "Chúng tôi hy vọng có thể tìm hiểu thêm về hệ sinh thái biển sâu và giới hạn độ sâu cá có thể sống".
Các nhà khoa học cho rằng cá có thể sống ở độ sâu 8.200m. Chúng không thể sống ở những nơi sâu hơn vì không thể kiểm soát áp suất thấm lọc. Hồi tháng 4, Viện Khoa học Trung Quốc tuyên bố quay được cảnh một con cá ở độ sâu 8.152m ở cùng khu vực gần đảo Guam.
Cá ốc.
Rãnh Mariana là rãnh đại dương sâu nhất con người đã ghi nhận, nằm trên phần đáy của khu vực tây bắc Thái Bình Dương, về phía đông quần đảo Mariana. Điểm sâu nhất của khu vực này là nơi sâu nhất trên vỏ Trái Đất.