Pin li-ion trong hàng tỉ thiết bị đang vận hành trên toàn cầu hiện nay là công nghệ đã bộc lộ nhiều bất cập. Được thương mại hóa từ năm 1991 nhờ hãng Sony, công nghệ pin li-ion dần trở nên không còn đáp ứng được sự thay đổi mau chóng của thế giới và đang đứng trước nguy cơ bị thay thế. Trong số nhiều công nghệ lưu trữ năng lượng, pin thể rắn đang nổi lên như "kẻ đoạt ngôi" sáng giá nhất.
TDK, một công ty Nhật Bản chuyên cung cấp linh kiện điện tử đang rất sốt sắng trong việc tiên phong sản xuất pin thể rắn. Họ đã phát triển thành công những viên pin rất nhỏ, còn nhỏ hơn đầu ngón tay người với khả năng sạc lại lên đến 1.000 lần. Với ưu điểm lưu trữ điện năng tốt hơn pin li-ion, vừa thu nhỏ diện tích mà không làm giảm quá nhiều mức năng lượng lưu trữ, lại an toàn hơn hạn chế cháy nổ. Nguyên nhân bởi pin thể rắn không sử dụng dung dịch điện phân như công nghệ pin li-ion.
TDK hứa hẹn sớm thương mại những viên pin thể rắn kích thước nhỏ hơn đầu ngón tay, sạc lại lên đến 1.000 lần.
Đại diện xứ sở mặt trời mọc đã bắt đầu giao hàng mẫu cho đối tác, cũng như chuẩn bị xây dựng cơ sở để đi đến sản xuất hàng loạt. Họ kì vọng công nghệ mới có thể tìm được đường xâm nhập vào các thiết bị điện tử gia dụng, văn phòng, nhà máy như điều hòa, đèn chiếu sáng. Ví dụ như cung cấp năng lượng cho các cảm biến trong điều hòa không khí, thay thế những viên pin đồng xu sử dụng kiềm.
Trong khi Toyota, Volkswagen, các công ty Trung Quốc như CATL, BYD và Hàn Quốc như Samsung SDI và LG Chem vẫn còn đang loay hoay để có thể thương mại pin thể rắn trên xe hơi, TDK đã nhanh chân đi trước tấn công vào thiết bị điện tử. Nếu họ thành công, với diện tích nhỏ xíu và yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu, pin thể rắn sẽ thực sự cách mạng rộng khắp ngành điện tử hiện nay. Máy tính, điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh,... Có hàng tá những sản phẩm công nghệ hiện nay đang bị phàn nàn về thời gian sử dụng không đảm bảo, hoặc gặp nguy cơ cháy nổ phải thu hồi như trường hợp laptop của HP hay flagship Galaxy Note 7 từ Samsung.
Chưa hết, Nhật Bản nắm giữ ưu thế về công nghệ tiên phong và TDK không phải cái tên duy nhất. Taiyo Yuden đang mong muốn có thể cung cấp các viên pin chỉ lớn hơn vài centimet cho smartwatch vào năm 2020. Murata Manufacturing (đã mua lại một phần bộ phận pin của Sony) cũng đang phát triển một phiên bản siêu mỏng, độ dày chỉ 50 micron phục vụ cho các thiết bị đeo thông minh trong tương lai, như kính áp tròng thông minh.
Trong khi đó, mặc dù thường không có ưu thế dẫn dầu về công nghệ, Trung Quốc và Hàn Quốc lại hay "lật ngược thế cờ" nhờ vào vốn đầu tư dồi dào, năng lực sản xuất lớn và đánh bại đối thủ Nhật Bản bằng cuộc chiến giá cả. Sony từng tiên phong sản xuất pin li-ion nhưng sau đó phải chịu thua vì không cạnh tranh được về giá. Panasonic từng là hãng cung cấp pin cho xe điện lớn nhất thế giới, nhưng đã bị CATL (Trung Quốc) vượt qua vào năm 2017.
Với việc pin thể rắn tìm được chỗ đứng trong thời đại thống trị của các thiết bị kết nối, luôn "thèm khát" thời lượng pin dài hơn với rất nhiều các cảm biến, Nhật Bản kì vọng có thể là người dẫn đầu một lần nữa, trước khi hai đối thủ kia chạm tay được vào công nghệ sản xuất hàng loạt.