Nhiều sáng tạo khoa học chưa được phổ biến rộng rãi

Tại Hội thảo khoa học "Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" tổ chức ở Vũng Tàu ngày 12-7, Tiến sĩ Lê Ðình Tiến, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết: Nhiều sáng tạo khoa học trong những năm qua rất hữu ích, có hiệu quả kinh tế cao nhưng đến nay vẫn chưa được các địa phương, đơn vị biết tới và áp dụng (!).

Ðiển hình như sáng tạo "Hố ga thu nước mưa ngăn mùi kiểu mới" của kỹ sư Hoàng Ðức Thảo, Giám đốc Công ty Thoát nước Ðô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thu nước mưa trên đường phố rất hiệu quả, ngăn toàn bộ mùi hôi thối thoát ra từ miệng cống, thiết kế đẹp bảo đảm mỹ quan đường phố, giá thành rẻ... nhưng hơn ba năm qua mới chỉ áp dụng cho một dự án ODA ở tỉnh.

Tương tự, sáng tạo "cụm tời máy nạo vét hệ thống thoát nước" cũng của kỹ sư Hoàng Ðức Thảo có thể nạo vét cống ở mọi địa hình, dạng cống, bùn lắng lâu ngày, vật cản và đưa hầu như toàn bộ bùn rác ra ngoài, không để công nhân phải chui xuống cống như lâu nay nhưng hiện cũng mới chỉ có một vài tỉnh áp dụng (!?).

Lắp đặt hệ thống hố ga ngăn mùi kiểu mới trên đường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu. (Ảnh: ND)

Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ra đời từ năm 1995 đã góp phần tích cực trong việc ghi nhận, khuyến khích công tác sáng tạo khoa học ở nước ta. Tính đến nay, Ban tổ chức đã nhận được hơn một nghìn công trình sáng tạo, nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học, kỹ sư, người sản xuất trực tiếp, thậm chí cả nông dân gửi đến.

Nhiều sáng tạo khoa học áp dụng vào sản xuất đã làm lợi cho đất nước hàng nghìn tỷ đồng như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo giàn nâng hạ xi-lanh thủy lực 400 tấn phục vụ công trình thủy điện Sơn La của tác giả Lê Văn An và cộng sự đã tiết kiệm hơn 33 tỷ đồng cho Nhà nước và giúp chặn dòng sớm 1,5 năm; nghiên cứu đưa ra các giải pháp và phát triển hệ thống cung cấp các dịch vụ thương mại di động trên mạng viễn thông Việt Nam của tác giả Nguyễn Văn Hải và các cộng sự đã mang lại thêm nguồn doanh thu cho VNPT khoảng 500 tỷ đồng; nghiên cứu ứng dụng quy trình kỹ thuật súc rửa toàn phổi cho công nhân ngành than bị bệnh bụi phổi si-lích của tác giả Vũ Thị Hòa và các đồng sự đã làm giảm chi phí khoảng 34 triệu đồng/người bệnh nếu phải đưa ra nước ngoài điều trị; nghiên cứu giải pháp công nghệ để xác định tham số mỏ phục vụ đánh giá trữ lượng và thiết kế khai thác dầu khí trong tầng đá móng nứt nẻ bằng chương trình BASROC 3.0 của tác giả Hoàng Văn Quý và đồng sự đã tạo bước ngoặt và mở ra một tiềm năng lớn cho ngành dầu khí Việt Nam, v.v.

Cũng tại hội thảo, Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thừa nhận: Việc các sáng tạo khoa học có hiệu quả thiết thực, đem lại hiệu quả kinh tế cao chưa được phổ biến rộng rãi ra cả nước là thiếu sót lớn của liên hiệp.

Trong thời gian tới, đối với các sáng tạo được đánh giá cao, Liên hiệp sẽ có hình thức thông báo tới các đơn vị, địa phương... để áp dụng góp phần đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

LÊ NAM TƯ

Theo Nhân dân
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video