Trong số 6 bức tranh dưới đây, có 5 bức được vẽ bởi các họa sỹ trên toàn thế giới, bức còn lại được vẽ bởi một con robot. Nếu bạn không thể nhận diện được sự khác biệt thì cũng đừng nên lo lắng, bởi bạn không phải là người duy nhất đâu.
Theo Quartz, những bức tranh trên được đặt hàng cho một thí nghiệm của GumGum - một công ty về trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Santa Monica, và Phòng thí nghiệm Nghệ thuật và Trí tuệ nhân tạo tại Đại học Rutgers. Các nhà nghiên cứu không phải cố gắng tìm ra câu trả lời cho câu hỏi liệu một cỗ máy có thể mô phỏng một tác phẩm hoàn thiện như con người, mà là liệu một cỗ máy có thể mô phỏng lại quá trình sáng tạo của một con người hay không.
Nhìn những bức tranh nay, bạn đoán xem bức nào không phải do con người vẽ?
Quá trình sáng tạo chính là thứ khiến nghệ thuật luôn là một sản phẩm độc đáo của riêng con người. Đối với chúng ta, nghệ thuật không chỉ dừng lại ở sản phẩm cuối cùng; nó còn là một phương thức mọi người chia sẻ một trải nghiệm chung.
"Máy móc không biết được cảm giác trải nghiệm cái chết của một em bé sơ sinh, hay chờ đợi một album nhạc mới ra mắt, là như thế nào" - Ben Plomion, Giám đốc marketing của GumGum cho biết - "Chính vì vậy, tôi không nghĩ tác phẩm nghệ thuật do máy móc tạo ra có thể được đón nhận nồng nhiệt như những tác phẩm do con người tạo ra. Nhưng máy móc chắc chắn có thể giúp con người trong quá trình sáng tạo".
Cả 6 họa sỹ tham gia vào thí nghiệm này được yêu cầu vẽ một bức tranh lấy cảm hứng từ một bộ sưu tập thuộc trường phái nghệ thuật trừu tượng thế kỷ 20 của Mỹ. Đối với Cloudpainter - một con robot vẽ tranh do họa sỹ Pindar van Arman ở Virginia phát triển - thì bộ sưu tập này trở thành một cơ sở dữ liệu để huấn luyện cho thuật toán của nó. Sản phẩm hoàn thiện mà nó tạo ra (bạn đã đoán ra được bức nào chưa? Bật mí là bức F nhé) khác xa so với phong cách hình học với những đường kẻ xen lẫn màu sắc mà bạn thường hình dung khi nói đến một robot họa sỹ. Thay vào đó, với những giọt màu ngẫu hứng cùng những đường bút mờ ảo, tác phẩm này trông giống con người một cách đáng ngạc nhiên.
Tất nhiên, cũng như nhiều công nghệ tự động hóa ngày nay, đứng đằng sau Cloudpainter vẫn là một con người. Van Arman tạo nên con robot này và chịu trách nhiệm lập trình phần mềm đóng vai trò quyết định trong tác phẩm nó vẽ ra. Là một sản phẩm cộng tác giữa người - robot, Cloudpainter phản ánh khá chính xác về quy trình tự động hóa hiện nay.
Đối với nghệ thuật, robot có thể đóng vai trò như các trợ lý ảo.
Thay vì phân biệt việc của con người và việc của robot - vốn thường được hình dung bởi những người lo sợ ngày tận thế, nơi con người bị tiêu diệt bởi robot, thì bạn có thể xem quá trình tự động hóa ngày nay như những cyborgs (nửa người nửa máy) - tức con người và máy móc cùng nhau làm việc để đạt được những kết quả mà cả hai không thể đạt được nếu làm việc riêng rẽ. Dù con robot đó là một thợ làm bánh pizza hay một kỳ thủ cờ vua, thì máy móc có thể tăng cường công việc của con người thay vì chỉ đơn thuần là thay thế nó.
Đối với nghệ thuật, Plomion hình dung robot có thể đóng vai trò như các trợ lý ảo - cung cấp nguồn cảm hứng cho các nghệ sỹ và thực hiện những tác vụ phụ trợ như tô nền hay pha một màu sắc cụ thể nào đó. Ông tin rằng khái niệm sáng tạo của con người sẽ phát triển cùng công nghệ. Con người sẽ có thể tìm ra những phương thức sáng tạo mới để sử dụng những công cụ mới này một cách nghệ thuật.
Cho dù những điều này khiến bạn cảm thấy như thế nào, thì nghệ thuật do robot thực hiện đã là một hiện thực. Tháng trước, Christie đã đấu giá một tác phẩm hội họa do AI tạo ra lần đầu trong lịch sử, và đã bán được với giá gần 10.000 USD. Nhưng có một câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời: liệu sẽ có một ngày chúng ta cần một tên gọi mới cho những tác phẩm nghệ thuật mà máy móc tạo ra hay không?
"Việc nhận thức được chúng ta đặt bao nhiêu chủ tâm vào những hiểu biết nghệ thuật của mình là rất quan trọng" - Dylan Freedman, một lập trình viên nghiên cứu về nghệ thuật do AI tạo ra ở Google cho biết - "Những tác phẩm nghệ thuật thực sự do máy móc tạo ra mà không có con người đứng sau vẫn chưa tồn tại. Khi thời điểm đó đến, chúng ta sẽ phải suy nghĩ xem liệu nó có còn được xem là nghệ thuật hay không".