Chẳng ai tin cá có thể bay cho tới khi nhìn thấy những chú cá đuối mobula trong những bức ảnh dưới đây.
Hình ảnh cá đuối bay lượn trên không
Cá đuối mobula, hay còn gọi là cá đuối quỷ vì nó có hai chiếc sừng đặc biệt trên đầu, có thể bay lên không trung trong vài giây trước khi rơi trở lại biển xanh.
Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được tại sao cá đuối lại hành động như vậy. Họ đưa ra những giả thiết rằng đây có thể là một nghi thức giao phối, một cách để ăn hoặc một hành động vui vẻ của cá đuối. Tuy nhiên, chưa có giả thiết nào được chấp nhận.
Tất cả những bức ảnh dưới đây được chụp bởi Octavio Aburto, giáo sư tại Viện hải dương học Scripps, cùng nhóm Nhiếp ảnh gia bảo tồn động vật Quốc tế tại bãi biển ở California, Mỹ vào năm 2011 khi có hàng ngàn con cá đuối quỷ tập trung tại bãi biển và không ngừng bay lượn.
Cá đuối quỷ có họ hàng gần với cá đuối manta. Một số con cá đuối quỷ có thể dài tới 5 mét và nặng tới 1 tấn.
Octavio chia sẻ với Business Insider rằng, đàn cá đuối quỷ khổng lồ ông nhìn thấy tại Vịnh California vào năm 2011 đã tới vào tháng Một và ở lại trong vịnh tới tận tháng Năm.
Hàng chục đến hàng trăm con cá đuối sẽ nhảy khỏi mặt nước cùng một thời điểm. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các con cá đuối nhảy lên thường nằm dọc theo vùng ngoài của đàn cá. Đây có thể là chìa khóa để các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân tại sao chúng lại nhảy lên khỏi mặt nước.
Khi hạ cánh, cá đuối quỷ tiếp xúc mặt nước bằng bụng chứ không phải bằng đầu.
Cú tiếp xúc này sẽ tạo ra dao động lớn, có thể được dùng để dọa con mồi như tôm dạt gần về phía đàn giúp đàn cá bên dưới săn mồi dễ dàng hơn.
Đôi khi có những chú cá đuối mất kiểm soát, nhào lộn trên không và hạ cánh bằng lưng chứ không phải bằng bụng.
Có nhiều loài cá đuối thích di chuyển theo đàn khiến chúng rất dễ bị săn lùng. Trên thực tế, nhiều loài cá đuối có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Vào tháng 2/2013, ngư dân tại Gaza, Palestine đã bắt hơn 200 con cá đuối chỉ trong một ngày.
Khu vực mà Octavios chụp những bức ảnh tuyệt vời này đã bị cấm đánh bắt từ hơn hai thập kỷ qua. Ông cùng các nhà nghiên cứu khác đã tới khu vực này trong nhiều năm để nghiên cứu cách phục hồi của hệ sinh thái.
Cú nhảy tuyệt nhất của cá đuối quỷ có độ cao tới 2 mét so với mặt nước biển.
Ngoài khả năng nhảy, một số loài cá đuối quỷ còn có thể lặn rất sâu. Cá đuối quỷ tarapacana là một trong những động vật biển lặn sâu nhất thế giới, nó có thể lặn xuống độ sâu gần 2km.
Mỗi năm, Octavius đều trở lại khu vực trên nhưng chưa năm nào ông thấy đàn cá đuối quỷ xuất hiện như trong năm 2011. Ông nghĩ rằng nhiệt độ quá ấm khiến cá đuối quỷ không thể trở lại.
Octavio hy vọng một ngày nào đó ông sẽ lại được chiêm ngưỡng những cú nhảy ngoạn mục của cá đuối quỷ. Nếu cơ hội đến, ông sẽ ghi lại âm thanh khi hạ cánh của cá đuối nhằm tìm ra nguyên nhân tại sao chúng lại nhảy lên.