Người Nga và người Mỹ tôn vinh các nhà du hành vũ trụ đầu tiên của họ như những người anh hùng. Thế nhưng anh hùng thật sự của công cuộc nghiên cứu lại là những gì được làm bằng kim loại và silic: Tàu thám hiểm không người lái.
>Đằng sau thành tựu và thất bại của NASA / NASA đã làm gì với động vật và cây cỏ trên quỹ đạo?
Đặt chân xuống Mặt Trăng là một việc. Đào sâu trong cát bụi của sao Hỏa hay thám thính nơi sâu thẳm của vũ trụ với kính thiên văn là việc khác. Từ khi con người bay vào vũ trụ, vài nhà nghiên cứu đã phê bình rằng đây chỉ là một dự án biểu dương thanh thế tốn kém mang lại ít kiến thức mới cho khoa học. Lịch sử của Cơ quan vũ trụ Mỹ cho thấy các nhà phê bình đã có lý: Những khám phá thật sự ngoạn mục không do các phi hành gia mang lại mà là những tàu thám hiểm không người lái.
Tàu thám hiểm "Viking 2" gửi lời chào từ sao Hỏa. "Viking 2" đáp xuống hành tinh láng giềng của Trái Đất vào ngày 3 tháng 9 năm 1976, một thành công lớn của ngành du hành vũ trụ. Ảnh: NASA. |
Các phi vụ, bắt đầu từ chương trình "Mariner" qua "Viking" cho đến "Hubble", "Cassini-Huygens" và robot sao Hỏa "Spirit" với "Opportunity" thuộc số những thành công lớn nhất của NASA. Cả 2 tàu thám hiểm "Voyager" khởi hành năm 1977 vẫn còn truyền về Trái Đất dữ liệu cho tới ngày hôm nay.
Hình ảnh các hành tinh của hệ Mặt Trời mà loài người có được ngày nay chắc là sẽ không có nếu như không có các tàu thám hiểm. Các nhà thiên văn học thời Trung cổ đã biết rằng sao Thổ có vành đai. Nhưng mãi đến các tàu "Pioneer 11" (1979), "Voyager" (1980/1981) và "Cassini-Huygens" (từ 2004) người ta mới có được hình ảnh với độ phân giải cao.
Nhiệm vụ cùng thực hiện với Cơ quan vũ trụ châu Âu ESA, "Cassini-Huygens", đồng thời cũng mở ra một kỷ nguyên mới của nghiên cứu hành tinh: Tàu thám hiểm không chỉ chụp ảnh đơn giản, chúng lần đầu tiên cũng đáp xuống vệ tinh của một hành tinh khác: "Huygens" đáp xuống vệ tinh Titan của sao Thổ năm 2005.
Cả hai robot "Spirit" và "Opportunity" của NASA, đáp xuống sao Hỏa năm 2004 vẫn còn hoạt động cho đến nay, luôn trên đường tìm kiếm dấu vết của sự sống. Tất nhiên là chúng vẫn còn chưa phát hiện được, nhưng thay vào đó "Opportunity" đã cung cấp bằng chứng về việc nước đã từng tồn tại ở thể lỏng trên sao Hỏa.
Kỷ nguyên tàu con thoi: Thắng lợi và thảm họa
Sau khi đáp xuống Mặt Trăng, NASA bắt đầu một dự án mới: Lên kế hoạch và xây dựng tàu vũ trụ có thể được tái sử dụng. Các tàu con thoi có nhiệm vụ giảm phí tổn vận chuyển và biến du hành vũ trụ trở thành một việc thông thường. Người ta đã nghĩ đến một phí tổn vận chuyển vào khoảng 200 USD cho 1 kg.
Các chuyến bay đầu tiên của tàu con thoi đã mang nhiều vệ tinh vào vũ trụ. Thế nhưng người ta nhanh chóng nhận thấy là việc sử dụng các tàu con thoi tốn kém hơn tính toán ban đầu rất nhiều - và vì thế không phù hợp cho việc chuyên chở vệ tinh mang tính thương mại. Từ đấy tàu con thoi chỉ được dùng cho vận chuyển vệ tinh quốc gia, nhưng đặc biệt là được sử dụng cho nghiên cứu.
Ảo mộng tan vỡ vào ngày 28 tháng 2 năm 1986 - hơn 1 phút sau khởi hành chuyến bay ST-51-L, và cả thế giới nhìn qua truyền hình. Một vòng đệm hỏng tại một trong hai tên lửa chất rắn là nguyên nhân gây ra vụ nổ tàu "Challenger", cướp đi sinh mạng của 7 người. Bất cẩn đã thâm nhập vào chương trình Shuttle, vì vấn đề với các vòng đệm đã được biết trước khi tai nạn xảy ra.
Phong cảnh sao Hỏa do "Opportunity" chụp. Ảnh: NASA/JPL |
Sau tai nạn, các tàu con thoi ngưng hoạt động 36 tháng trời. Nét mê hoặc của dự án tàu con thoi bị phá hủy chỉ qua một đêm. Tàu "Endeavour" thay thế chiếc "Challenger" và dần dần mọi việc trở lại bình thường: Kính thiên văn "Hubble" được mang vào quỹ đạo chậm hơn so với dự định 4 năm.
Trong việc xây dựng Trạm vũ trụ quốc tế ISS, vật thể lớn nhất do con người tạo ra trong vũ trụ, những tàu con thoi đã chứng tỏ khả năng của chúng. Tổng cộng cho tới nay có 25 chuyến bay lên ISS, dự định còn thêm 10 chuyến nữa. Thế nhưng việc xây trạm vũ trụ chỉ được tiến hành một cách chậm chạp, nhiều bộ phận trong kế hoạch ban đầu đã bị gạch bỏ - và vẫn còn chưa rõ là người Mỹ sẽ hậu thuẫn cho dự án tốn kém mà chỉ mang lại ít kết quả này bao lâu nữa.
Tai nạn thứ hai chứng nhận cho tất cả các nhà phê bình của dự án Shuttle. Ngày 1 tháng 2 năm 2003, tàu Columbia vỡ tan trên độ cao 60 km, chỉ 16 phút trước khi đáp xuống theo kế hoạch. Tương tự như tại thảm họa "Challenger", đấy cũng là một vấn đề mà NASA về nguyên tắc đã biết trước. Niềm tin tưởng vào công nghệ tàu con thoi bị phá hủy. Các tàu con thoi tuy vẫn còn không thể thay thế được trong việc tiếp tục xây dựng trạm ISS nhưng mặt khác được xem là mô hình đã lỗi thời.
Một cuộc chạy đua mới trong vũ trụ
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50, NASA đang gặp khó khăn. Một mặt, tổ chức có những mục tiêu mới đầy tham vọng từ khi Tổng thống George W. Bush tuyên bố hơn 4 năm trước rằng nước Mỹ muốn trở lại Mặt Trăng. Và sau Mặt Trăng người ta còn nhắm đến cả sao Hỏa nữa. Kế hoạch thời gian rất căng: NASA muốn trở lại vệ tinh của Trái Đất năm 2020, nơi một căn cứ dài hạn dự định sẽ thành hình; Giám đốc NASA, ông Michael Griffin, đặt tầm ngắm vào sao Hỏa năm 2037.
Thế nhưng thay cho bầu không khí hào hứng ban đầu, thống trị tại NASA trong những ngày này là cảm nhận của sự phá bỏ. Tàu con thoi sẽ bị cho về hưu trong đầu hè 2010. Trước khi tàu con thoi Endeavour khởi hành lần cuối, các tàu con thoi sẽ bay thêm 9 chuyến đến trạm vũ trụ ISS và ngoài ra sẽ giúp cho "Hubble" một lần nữa trong những ngày còn lại của nó.
Nhân viên NASA có độ tuổi trung bình cao – hiện nay là 50 tuổi. Thời gian của niềm hào hứng "Apollo" đã trôi qua từ lâu, khi cơ quan vũ trụ là ước mơ của những nhà nghiên cứu trẻ tuổi. Ngày nay họ thích quay sang lĩnh vực tài chính, ngành y hay khu vực bảo vệ quê hương đang phát đạt.
Những nỗi lo ngại
Giới lãnh đạo NASA dần dần nhận ra rằng xây dựng một tên lửa mới để lên Mặt Trăng khó khăn hơn là dự tính ban đầu. Một công văn nội bộ đã nói về việc lùi ngày lại cho chương trình "Ares". Chiếc tên lửa khổng lồ "Ares V" dự định sẽ mang 4 phi hành gia, một tàu đáp và thiết bị khác vào vũ trụ.
Cho đến nay, 7 tỷ USD đã được rót vào việc phát triển "Ares". Mặc dù chi tiêu con số khổng lồ, cơ quan đã tính toán trước khả năng của một thảm bại về mặt quan hệ công chúng: Giám đốc NASA đã nhiều lần tuyên bố Trung Quốc có thể sẽ gửi người lên Mặt Trăng trước người Mỹ.
Ai trong số họ thắng cuộc đều không quan trọng, chỉ rõ một điều là: Thế áp đảo của NASA trong quá khứ đã đã vĩnh viễn không còn nữa. Bên cạnh các quốc gia đang vươn lên vũ trụ như Ấn Độ và Trung Quốc, châu Âu cũng đang cố gắng tự đưa mình vào vị trí với kế hoạch cho một tàu chuyên chở riêng. Người Nga lại có kế hoạch cho những chuyến bay vào vũ trụ không phải để tìm nhận thức khoa học mới mà để làm vừa lòng những khách hàng trả tiền.