Những bức ảnh khoa học ấn tượng nhất năm 2015

Năm 2015 đánh dấu nhiều sự kiện khoa học đáng nhớ, được ghi lại qua những bức ảnh ấn tượng ở các chủ đề như vật lý, thiên văn học, thế giới động vật và hiện tượng tự nhiên.


Theo Nature, bức ảnh ghi lại trận chiến kịch liệt giữa hai con thằn lằn Komodo trong mùa giao phối để tranh giành bạn tình tại Indonesia. Đây là loài thằn lằn lớn nhất thế giới. Con trưởng thành có chiều dài cơ thể trung bình 2 - 3 mét và nặng khoảng 70 kg. (Ảnh: Andrey Gudkov/Wildlife Photographer of the Year 2015.)


Các đợt sóng xung kích do máy bay phản lực siêu thanh T-385C tạo ra được chụp lại bởi một chiếc máy bay khác trên bầu trời sa mạc Mojave, California, Mỹ. Các nhà nghiên cứu tại Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang khai thác một kỹ thuật chụp ảnh gọi là "ảnh schlieren", do nhà vật lý học người Đức August Toepler phát triển vào năm 1864. Mục đích của nghiên cứu là nhằm quan sát các thay đổi ở chỉ số khúc xạ không khí hay vận tốc ánh sáng ở một môi trường nhất định. Các sóng xung kích thể hiện rõ sự thay đổi chỉ số khúc xạ không khí nên có thể dễ dàng nhận biết trong các bức ảnh schlieren. (Ảnh: NASA.)


Vệ tinh Planck của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp được hình ảnh tuyệt đẹp về Large Magellanic Cloud (vùng đen, giữa) và Small Magellanic Cloud (dưới cùng bên trái) - hai thiên hà gần dải ngân hà của chúng ta. Hình ảnh được ghi lại trong quá trình vệ tinh Planck khảo sát bầu trời để nghiên cứu bức xạ nền vi sóng vũ trụ (bức xạ điện từ sinh ra từ thời kỳ sơ khai của vũ trụ sau vụ nổ lớn Big Bang). (Ảnh: ESA/Planck Collaboration.)


Phần đầu của loài mọt quả bông (tên khoa học Anthonomus grandis) chỉ có kích cỡ bề ngang vài milimet được chụp phóng đại lên bằng kính hiển vi điện tử quét. (Ảnh: Daniel Kariko/Wellcome Images).


Công nghệ laser tia X bằng điện tử tự do (X-ray free-electron laser) hiện đang mở ra một kỷ nguyên mới về phân tích cấu trúc. Trong ảnh, các nhà khoa học sử dụng laser tia X bằng điện tử tự do để chụp hình ảnh 3D cấu trúc của virus khổng lồ và phức tạp Acanthamoeba polyphaga mimivirus (APMV), với đường kính đến 400 nm. APMV được phát hiện năm 1992 trong một thác nước ở Bradford, Anh. (Ảnh: Tomas Ekeberg/Uppsala Univ./Am. Phys. Soc).


Tinh vân ESO 378-1, còn gọi là Southern Owl Nebula, là một quả cầu khí ion hóa rộng bằng 4 năm ánh sáng trong chòm sao Hydra, được Kính viễn vọng cỡ đại tại Đài quan sát phía nam châu Âu ESO, Chile, ghi lại. Màu sắc rực sáng của tinh vân là tàn tích từ bức xạ tia cực tím do ngôi sao chết phát ra giống như một bong bóng khổng lồ trôi nổi trong bóng tối của vũ trụ. (Ảnh: ESO).


Trong tháng 7/2015, những hình ảnh đầu tiên về Diêm vương tinh được tàu vũ trụ New Horizons của NASA gửi về Trái Đất, trong đó có hình ảnh ở mức độ phân giải cao cho thấy bóng của Diêm Vương tinh bên trong vòng khí quyển dưới dạng phản sáng từ Mặt Trời. Trong hệ Mặt trời, Diêm Vương tinh là hành tinh ở xa Mặt Trời nhất trước khi được phân loại là hành tinh lùn năm 2006. Sau hành trình 9 năm, vượt quãng đường 4,8 tỷ km, New Horizons trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tiếp cận được Diêm Vương tinh, mang đến cơ hội quan sát cận cảnh cho các nhà khoa học do hành tinh này ở quá xa và không thể quan sát bằng các loại kính thiên văn, kể cả loại đặt ngoài không gian. (Ảnh: NASA.)


Sét hình thành do sự phóng điện bên trong một đám mây, hoặc giữa đám mây và bề mặt Trái Đất. Để nghiên cứu hiện tượng này, các nhà khoa học tại Đại học Florida, Mỹ, sử dụng một thiết bị đặc biệt gọi là "máy sét" để kích hoạt tia sét nhân tạo ngoài trời, đồng thời ghi lại những đợt sóng âm hình thành khi sét hoạt động. (Ảnh: Univ. Florida Lightning Research Group).


Bản đồ 3D chi tiết hé lộ vị trí vi khuẩn và hóa chất trên các vùng da của con người. Để lập bản đồ này, hai tình nguyện viên khỏe mạnh thực hiện theo yêu cầu của các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Mỹ, là không tắm trong ba ngày. Sau ba ngày, 400 mẫu vật trên khắp các vùng da được đem đi phân tích để nghiên cứu những vi khuẩn đang tồn tại trên lớp da và giúp các nhà khoa học hiểu hơn sự tương tác giữa các tế bào da, vi khuẩn và hóa chất còn sót lại. (Ảnh: Bouslimani et al. Proc. Natl Acad. Sci. USA).


Cảnh đàn kền kền sà xuống rỉa sạch xác ngựa vằn tại vùng đồng bằng Serengeti ở châu Phi được ghi lại thông qua một camera siêu nhỏ gắn trong xác động vật. Dù cảnh tượng này có chút ghê rợn nhưng thói quen ăn xác thối hàng ngày của loài chim này góp phần quan trọng trong việc giữ cho hệ sinh thái không bị ô nhiễm. (Ảnh: Charlie Hamilton James/Wildlife Photographer of the Year 2015).


Trong tháng 9/2015, các nhà khoa học NASA tuyên bố nước mặn có khả năng chảy trên bề mặt sao Hỏa trong suốt mùa hè. Hình ảnh có độ phân giải cao do tàu không gian Mars Reconnaissance Orbiter gửi về Trái Đất cho thấy những dấu vết của muối phát lộ trải dài vài trăm mét (vệt rãnh sẫm màu trong ảnh). Chúng tỏa ra từ rìa miệng núi lửa Garni ở chân hẻm Melas Chasm trên sao Hỏa. Những vệt chảy dốc này xuất hiện trong những tháng mùa hè ấm áp trên hành tinh đỏ, sau đó biến mất khi nhiệt độ giảm. (Ảnh: NASA/JPL/Đại học Arizona).


Ngày 22/4/2015, núi lửa Calbuco ở miền nam Chile phun trào những cột khói tro bụi khổng lồ cao đến 16 km. Đợt phun trào núi lửa này buộc các nhà chức trách phải sơ tán khẩn cấp 1.500 cư dân tại thành phố Puerto Montt và các khu vực lân cận. (Ảnh: Alex Vidal Brecas/Corbis).


Bức ảnh loài chim tu-căng (Ramphastos sulfuratus) bị mắc kẹt trong bẫy lưới được chụp bởi nhiếp ảnh gia Todd Forsgren, cho thấy các loài chim nói chung và chim tu-căng nói riêng đang bị tàn sát bởi con người. Bức ảnh nằm trong cuốn sách ảnh về các loài chim (Ornithological Photographs) phát hành trong năm 2015. (Ảnh: Todd Forsgren.)

Theo VnExpress.net
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video