Những công nghệ tiên tiến giúp phát hiện thực phẩm bẩn

Nhờ những thiết bị chuyên dụng, các phòng thí nghiệm ở Anh có thể phát hiện sữa chứa phooc-môn hoặc gạo có lượng thạch tín cao.

Hiện nay, thị trường bán lẻ thực phẩm toàn cầu có tổng giá trị lên đến 4.000 tỷ USD và vẫn đang phát triển nhanh chóng. Một số dự báo chỉ ra đến năm 2020, thị trường này sẽ đạt giá trị hơn 8.000 tỷ USD. Do có quy mô lớn, chuỗi cung ứng thực phẩm ngày càng trở nên phức tạp hơn và các tổ chức tội phạm đang gian lận hàng tỷ USD bằng cách trộn lẫn hóa chất rẻ tiền và nguy hiểm vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.


Kỹ thuật viên đang xem xét một trong các mẫu thực phẩm trước khi tiến hành phân tích. (Ảnh: Chris Baraniuk).

Theo BBC, một nhóm chuyên gia tại Viện An toàn Thực phẩm Toàn cầu thuộc Đại học Queen ở Belfast, Anh, đứng đầu là giáo sư Chris Elliott, đang nghiên cứu các công nghệ mới nhằm phát hiện hành vi gian lận trong sản xuất thực phẩm.

Để thực hiện các phân tích, phòng thí nghiệm của trung tâm trang bị nhiều thiết bị chuyên dụng với khả năng phát hiện độc tố và hóa chất trong thực phẩm. Ví dụ, để kiểm tra các mẫu lá oregano, họ sử dụng một chiếc máy cầm tay để tiến hành phân tích quang phổ học.


Phòng thí nghiệm không chỉ chứa đầy thiết bị đắt tiền mà còn gồm nhiều dụng cụ đo lường và hộp đựng nhỏ. (Ảnh: Chris Baraniuk).

"Phương pháp này khá đơn giản. Chúng tôi sẽ chiếu ánh sáng vào thực phẩm. Sau đó, năng lượng từ ánh sáng sẽ làm các phân tử thức ăn dao động và chúng tôi sẽ thu được một mô hình dao động. Mỗi phân tử sẽ rung động theo cách hơi khác nhau, vì vậy khi đo lường tất cả rung động, bạn sẽ tìm ra dấu vết của chúng. Phương pháp trên có độ chính xác rất cao", giáo sư Elliott nói. Nhóm nghiên cứu hy vọng trong tương lai công cụ này có thể được các thanh tra thực phẩm sử dụng để kiểm tra thức ăn tại chỗ.

Những xét nghiệm khác được tiến hành để xác định liệu thực phẩm có chứa độc tố hay không. Ví dụ, sử dụng cảm biến sinh học có chứa kháng thể. Các protein trong hệ miễn dịch của động vật sẽ liên kết với mầm bệnh hoặc độc tố nhất định để trung hòa chúng. Nếu liên kết xảy ra ở một trong các kháng thể nghĩa là trong thực phẩm tồn tại một loại độc tố nào đó.

Gần như mọi thực phẩm đều có khả năng nhiễm hóa chất độc hại. Thuốc nhuộm công nghiệp đôi khi được thêm vào gia vị để tạo màu sắc hấp dẫn hơn.


Bằng cách sử dụng kết quả phân tích khói, nhóm nghiên cứu có thể phân biệt các loài cá. (Ảnh: Chris Baraniuk).

"Một cách gian lận phổ biến là thêm chất bảo quản vào sữa để ngăn sữa biến chất trong quá trình vận chuyển. Một trong những chất bảo quản thường được thêm vào là phooc-môn", giáo sư Elliott cho biết. "Phooc-môn là một chất độc có thể gây chết người".

Ngay cả khi nhà sản xuất không cố ý trộn chất độc vào sản phẩm, thực phẩm vẫn có nguy cơ chứa độc tố. Tùy vào địa điểm và cách trồng lúa, gạo có thể chứa hàm lượng cao thạch tín, một kim loại nặng làm tăng nguy cơ ung thư.

Một kỹ thuật được sử dụng để phát hiện kim loại nặng như chì hoặc catmi là chiếu hình ảnh huỳnh quang bằng tia X. Khi chiếu vào mẫu vật, tia X khiến các electron tách khỏi nguyên tử. Cùng lúc đó, các photon mang năng lượng cũng được giải phóng. Bằng cách đo năng lượng photon, các chuyên gia có thể xác định những nguyên tố có mặt trong mẫu vật.


Thiết bị kiểm tra của phòng thí nghiệmcho thấy những gì ẩn sau thực phẩm. (Ảnh: Chris Baraniuk).

Phòng thí nghiệm của Viện An toàn Thực phẩm Toàn cầu không chỉ phân tích các chất và hợp chất nguy hiểm có trong thực phẩm mà còn xác định sản phẩm đóng gói có thực sự giống với quảng cáo trên bao bì hay không.

Một công cụ giúp xác định rõ loại sản phẩm, chẳng hạn như các loại cá khác nhau, là "i-knife" (Con dao thông minh), được phát triển bởi Zoltan Takats, một bác sĩ phẫu thuật tại Đại học Imperial College, London, Anh.

Con dao gắn một đèn laser có tác dụng làm bốc hơi các phân tử. Khói sẽ được hút vào một máy đo quang phổ để phân tích. Electron bắn vào đám khói làm tan rã các phân tử, cho phép máy tính sắp xếp nguyên tử dựa trên tĩnh điện của chúng. Chỉ bằng những lát cắt nhỏ, nhóm của giáo sư Elliott có thể thu được kết quả phân tích khói của từng mẫu vật và chỉ rõ sự khác nhau giữa các loài cá.

Cập nhật: 15/08/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video