Những dịch vụ Internet ngày xưa

20 năm trước, mạng dial-up, Yahoo, Google hay game online... gắn liền với người dùng Internet tại Việt Nam.

Mạng Dial-up

Tiếng quay "tít-tè" là điểm đặc trưng của mạng Dial-up, công nghệ kết nối Internet dùng chính đường truyền của điện thoại. Kết nối với tốc độ rất chậm chỉ 56 Kb mỗi giây, mạng Dial-up còn được coi là đắt đỏ khi có giá vài chục nghìn đồng mỗi giờ. Những dịch vụ nổi tiếng ngày ấy có thể kể đến VNN 1260, 1268 hay 1269. Sau này, kết nối Internet được nâng cấp lên với mạng ADSL, công nghệ cáp đồng trục rồi tiến tới cáp quang trong vài năm gần đây.

Chat IRC

IRC là một dạng liên lạc trên Internet, cho phép các người trong một nhóm có thể trò chuyện với nhau. Hình thức chat sơ khai này thâm nhập vào Việt Nam những năm 1997 thông qua trình Vietchat hay FPT mIRC. Dĩ nhiên, do phải dùng mạng dial-up nên chi phí để chat ngày đó khá đắt đỏ.

Yahoo! Messenger

Đây được coi là phần mềm không thể thiếu trên máy tính những năm 2000. Yahoo! Messenger bùng nổ cùng thời điểm mạng ADSL trở nên phổ biến tại Việt Nam, được gần như toàn bộ người dùng Internet sử dụng. Nhắc đến Yahoo, nhiều người sẽ nhớ lại một thời "oanh liệt" của mình với những nick "độc", những tiếng Buzz hay cảm giác thú vị khi mỗi lần "online" nhận được hàng chục tin nhắn. Mạng tốc độ cao hơn cũng cho phép mọi người dùng Yahoo để chia sẻ video qua webcam.

Yahoo! 360

Thay cho mạng xã hội Facebook, Twitter ngày nay... những người dùng Internet tại Việt Nam thời trước sử dụng nền tảng blog của Yahoo. Đây được ví như "ngôi nhà" của chủ nhân, nơi chia sẻ tâm tư tình cảm, những "entry" xúc động hay các comment từ mọi người... Trước sự phát triển của mạng xã hội mới, Yahoo! 360 đã có một vài chuyển mình song không đủ giúp dịch vụ này cạnh tranh. Nền tảng blog này chính thức bị "khai tử" vào 2013.

Dịch vụ của Google

Khác số phận của Yahoo, nhiều dịch vụ của Google vẫn "sống" suốt những năm tháng dùng Internet của người Việt. Trình tìm kiếm Google Search, dịch vụ email Gmail đến nay vẫn được sử dụng và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với người dùng.

Trang nghe nhạc online

Hoangclub.go.to, Sonhai.info hay Nhacso.net... là những trang nghe nhạc trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam. Giao diện có phần màu sắc nhưng hợp với thời đó, chất lượng nhạc khá thấp để đảm bảo tốc độ "load" hay chèn cả quảng cáo vào trong bài hát... nhưng người dùng Internet lúc đó vẫn đón nhận và hạnh phúc với những dịch vụ này.

Game online

Những năm 2000, chất lượng Internet tốt lên, giá rẻ đi giúp game online có thể xâm nhập vào Việt Nam. Những game đình đám một thời có thể kể đến Võ Lâm Truyền Kỳ, MU (với nhiều bên cung cấp khác nhau), Gunbound... sau này có Audition, Boom... Thời điểm đó, các quán Internet "mọc lên như nấm" và phần đông phụ huynh cấm con mình tiếp cận các dịch vụ này.

Dịch vụ xem video

Là một dịch vụ của Google, YouTube trở thành kênh chia sẻ video gắn liền với việc sử dụng Internet của người Việt. Những năm 2000, một dịch vụ khác là Clip.vn cũng là nơi nhiều thành viên truy cập để xem video. Tuy nhiên, trước sức cạnh tranh, Clip.vn dần trở nên yếu thế so với YouTube.

Các diễn đàn

Diễn đàn trực tuyến là một trong những sân chơi người dùng Internet thời kỳ đầu dành nhiều thời gian. Những tên tuổi đáng nhớ như TTVNOL, truongton.net, sau này là VOZ Forum, Vn-Zoom, DTTH hay Webtretho... thu hút hàng trăm nghìn người tham gia. Diễn đàn thời ấy được một số người dùng kỳ cựu nhận xét là "chất" hơn bây giờ. Ngoài ra, xu hướng trang tin điện tử hay mạng xã hội cũng khiến forum không còn "rôm rả" như trước.

Cập nhật: 22/11/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video