Nếu bạn từng tự hỏi tại sao chỉ có tuần lộc cái kéo xe của ông già Noel hay loài vật này chạy nhanh tới mức nào, những sự thật dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó.
Những điều bạn chưa biết về tuần lộc
Tuần lộc (Rangifer tarandus) là loài hươu lớn sống ở Bắc Cực, Bắc Mỹ, một số khu vực ở phía bắc châu Âu và châu Á. Cả giống đực và giống cái của loài này đều có sừng. Kích thước của trọng lượng của tuần lộc phụ thuộc vào giới tính và tuổi tác. Những con đực trưởng thành đạt chiều cao khoảng 1 m và nặng trung bình 170 kg. Cá thể cái có chiều cao tương tự song trọng lượng chỉ vào khoảng 90 kg.
Những điều thú vị về tuần lộc dưới đây được đăng trên trang Livescience.
Chỉ có tuần lộc cái được kéo xe của ông già Noel. Ảnh: Daily Mail.
Chạy rất nhanh
Các nhà khoa học khẳng định chúng có thể chạy với tốc độ 80 km/h. Khi phát hiện động vật săn mồi, tuần lộc sẽ phóng đi với cái đầu ngẩng cao và song song với mặt đất, còn đuôi của chúng sẽ dựng đứng lên. Khi bị đuổi, tuần lộc phi nước đại rất nhanh.
Động vật có vú di chuyển xa nhất trên cạn
Tuần lộc có thể di chuyển tới gần 5.000 km mỗi năm. Theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, tuần lộc là loài di chuyển xa nhất trong số những động vật có vú sống trên cạn. Trong khi đó cá voi lưng gù là động vật có vú di chuyển xa nhất dưới nước. Chúng thường vượt qua quãng đường dài tới 8.000 km dưới đại dương để quay về nơi sinh sản.
Chịu lạnh rất tốt
Tuần lộc sống ở bang Alaska (Mỹ), Canada, bán đảo Scandinavia và Nga. Thức ăn của chúng là những thực vật vùng lãnh nguyên. Cơ thể tuần lộc được bao phủ bởi lớp lông có khả năng giữ không khí. Lớp không khí trong lông giúp cơ thể chúng cô lập với môi trường xung quanh. Ngoài ra, hệ tuần hoàn của tuần lộc còn có khả năng giúp máu lạnh trong các chi hấp thụ nhiệt từ nguồn máu nóng trong thân của chúng.
Di chuyển nhẹ nhàng
Ông già Noel không bao giờ phải lo lắng về việc đàn tuần lộc sẽ đánh thức bọn trẻ khi ông phát quà. Tất nhiên, điều này không đúng với những con tuần lộc đeo chuông ở cổ. Tuần lộc cái chỉ giao tiếp với đồng loại trong vài tháng đầu sau khi sinh con (vào mùa hè), trong khi những con đực chỉ cất tiếng kêu trong mùa giao phối (mùa thu). Các nhà khoa học phát hiện những con đực có một túi khí lớn trong cổ. Túi khí cho phép chúng phát ra những âm thanh khàn khàn để thu hút sự chú ý của con cái trong mùa giao phối. Tiếng kêu ấy cũng giúp tuần lộc đực ngăn chặn những đối thủ cạnh tranh. Đối với con cái, túi khí cho phép chúng giao tiếp với con. Tiếng kêu của mỗi cá thể tuần lộc cái có cường độ và tần số riêng. Con của chúng nhận ra mẹ dựa vào tiếng kêu.
Sừng của tuần lộc đực rụng vào cuối mùa sinh sản (tức đầu tháng 12).
Ông già Noel chỉ sử dụng tuần lộc cái
Sừng của tuần lộc đực rụng vào cuối mùa sinh sản (tức đầu tháng 12). Ngược lại, sừng trên đầu tuần lộc cái vẫn tồn tại suốt mùa đông. Đó có thể là lý do khiến ông già Noel chỉ chọn tuần lộc cái để kéo xe. Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa: Tuần lộc đực mất tới 95% lượng mỡ dự trữ trong cơ thể nên chúng chỉ còn 5% mỡ khi tới dịp Giáng sinh. Trong khi đó, tuần lộc cái vẫn còn tới 50% lượng mỡ trong mùa đông. Lớp mỡ đóng vai trò quan trọng đối với việc giữ ấm cơ thể của tuần lộc. Do đó khả năng chịu rét của tuần lộc cái cao hơn hẳn cá thể đực trong dịp Giáng sinh. Các thử nghiệm cho thấy tuần lộc cái có thể chịu được nhiệt độ - 43 độ C.
Tuần lộc có mũi đỏ?
Nói về thủ lĩnh của bầy tuần lộc kéo xe chở ông già Noel, bí mật để Rudolph có mũi má hồng hào là mạng lưới mạch máu dày đặc trong mũi. Các nhà nghiên cứu y học ở Hà Lan và Đại học Rochester ở New York cho biết, tuần lộc có vẻ như có nhiều mao mạch mang máu đỏ và giàu oxy hơn 25% so với con người.
John Cullen thuộc Đại học Rochester cho biết: “Ở những vùng khí hậu lạnh hơn… lưu lượng máu trong mũi tăng lên sẽ giúp giữ ấm bề mặt của mũi. Mạng lưới mạch máu dày đặc trong mũi tuần lộc cũng rất cần thiết để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bên trong của con vật, giống như nhiều loài động vật có vú, tuần lộc không đổ mồ hôi".
Tuần lộc sống ở đâu?
Tuần lộc được tìm thấy ở một vùng cực lớn bao quanh Bắc Cực, ở Alaska, Canada, Greenland , Bắc Âu và Bắc Á trong các sinh cảnh lãnh nguyên, núi và rừng. Phạm vi nhà của chúng có thể lên tới 500 km2, theo Encyclopedia Britannica.
Tuần lộc là động vật chỉ ăn thực vật.
Các loài tuần lộc phụ, chẳng hạn như tuần lộc rừng (Rangifer tarandus caribou), có thể được tìm thấy ở xa về phía nam tới 46 độ vĩ bắc (bắc Mỹ). Cả hai phân loài tuần lộc Peary và tuần lộc Svalbard (Rangifer tarandus platyrhynchus) đều có thể tồn tại ở xa về phía bắc tới 80 độ vĩ bắc, chúng đi qua Greenland, Svalbard và các vùng phía bắc khác.
Tuần lộc ăn gì?
Tuần lộc là động vật chỉ ăn thực vật. Chế độ ăn uống của chúng có thể bao gồm các loại thảo mộc, dương xỉ, rêu, cỏ, chồi, nấm và lá. Trung bình, một con tuần lộc trưởng thành ăn khoảng 4 đến 8 kg thực vật mỗi ngày.
Vào mùa đông, tuần lộc phải đào bới tuyết để tìm thức ăn. Chúng đào bằng cách sử dụng gạc của mình và gặm các địa y chứa đầy năng lượng được gọi là rêu tuần lộc.