Bộ phim Star Trek đã đi đầu trong một số dự báo công nghệ giúp loài người hình dung viễn cảnh của nền văn minh tương lai như vũ khí vi sóng hay thiết bị tàng hình.
Star Trek và những phát minh trong tương lai
Dưới đây là một số công nghệ được dự báo trong phim Star Trek được làm từ những năm 1960, có một số công nghệ đã trở thành hiện thực, một số vẫn còn dậm chân tại chỗ thách thức các nhà khoa học thực hiện.
Vũ khí bức xạ
Những vũ khí sử dụng các tia bức xạ để đánh gục đối thủ xuất hiện trong phim Star Trek được các chuyên gia bàn luận hàng năm trời. Theo như Lawrence Krauss, nhà vật lý lý thuyết công tác tại ĐH Arizona, Mỹ, hiện nay con người đã sở hữu nhiều loại vũ khí bức xạ, chúng có thể là những máy phát vi sóng khiến cho người ta cảm thấy như da mình bị đốt cháy hoặc thậm chí là vũ khí laser gắn trên máy bay có khả năng đánh chặn tên lửa.
Dịch chuyển tức thời
Hàng chục năm trước, các nhà khoa học đã dành nhiều sức lực để nghiên cứu về công nghệ “dịch chuyển tức thời”. Tất nhiên là những thành tựu đạt được chưa đủ khả năng làm dịch chuyển con người hay máy móc như phim nhưng người ta đã có thể thực hiện “dịch chuyển tức thời” ở phạm vi nguyên tử. Ở góc độ chuyên môn, các nhà khoa học đặt tên cho biện pháp di chuyển này là "truyền thông lượng tử".
Để có khả năng dịch chuyển được cả vật thể lớn như con người thì còn nhiều trở ngại kỹ thuật. Cơ thể con người gồm tới một tỷ tỷ tỷ nguyên tử, mỗi nguyên tử lại cấu tạo từ các thành phần nhỏ hơn như proton, neutron, electron... Để tính toán số lượng và cách sắp xếp của tất cả các nguyên tử này khi thực hiện tái tạo trong dịch chuyển tức thời gần như không tưởng với trình độ khoa học hiện nay.
Thiết bị tàng hình
Những thiết bị hỗ trợ giúp chiến hạm Romulan có khả năng tàng hình trong phim có vẻ như rất khả thi. Thế nhưng trong mười năm trở lại đây, con người mới có khả năng tạo ra các vật liệu có thể khiến cho ánh sáng xung quanh đi qua, khiến nó gần như tàng hình. Theo như Krauss thì vật liệu này chỉ có hiệu quả với một dải sóng ánh sáng cố định, vì thế vật liệu mới chưa tàng hình một cách tuyệt đối.
Đạn photon hủy diệt
Trong Star Trek, đạn photon được nạp bởi phản vật chất, có khả năng hủy diệt vật chất nếu tiếp xúc. Thực tế, các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo một nguyên tử phản vật chất hoàn thiện. Thế nhưng hiện tại loại vũ khí này không đáng ngại, vì chi phí chế tạo của chúng quá cao. "Cần một số tiền lớn gấp vài lần tổng GDP của Mỹ mới có thể tạo ra lượng phản vật chất có năng lượng đủ thắp sáng một bóng đèn nhỏ", Krauss cho biết.
Công cụ giải mã ngôn ngữ toàn năng
Hiện nay, người lướt web có thể dịch hoàn toàn một trang mạng từ ngôn ngữ nọ sang ngôn ngữ kia bằng google translate, tuy nhiên, kết quả nhận được thường rất tệ hại, thế nhưng nó cũng đủ chứng minh là loài người đã có những viên gạch đầu tiên của công trình ngôn ngữ vĩ đại này.
Các thiết bị liên lạc
Lần đầu tiên "lên sóng" vào những năm 1960, bộ phim Star Trek đã đưa ra lời dự báo về các thiết bị liên lạc di động. Ngày nay ta có thể thấy điện thoại di động có mặt ở gần như khắp mọi nơi trên thế giới. Theo như một báo cáo của Liên hợp quốc, đã có tới 60% dân số thế giới sử dụng công cụ này. Thậm chí, theo Krauss, công nghệ di động chúng ta có còn vượt trội hơn phim nhờ tích hợp các chức năng như camera, các thiết bị cảm ứng... vào điện thoại.
Khiên phản xạ
Là một loại trường có khả năng chống lại và phản xạ các loại vũ khí tấn công. Có một điều chúng ta nhận ra là phát triển các loại vũ khí tấn công dễ hơn chế tạo vũ khí phòng thủ rất nhiều lần. Một bằng chứng là các hệ thống phòng thủ tên lửa ngày nay vẫn hầu như đang dậm chân tại chỗ. Vậy có thể còn rất lâu, khiên phản xạ được nhắc tới trong bộ phim mới được chế tạo.
Thuốc Hyposprays
Là loại thiết bị có thể chuyển thuốc đến nơi cần thiết của cơ thể mà không cần tiêm. Với khán giả của những năm 1960, loại thuốc trên thật là kỳ diệu, thế nhưng, trên thực tế, loại thiết bị y tế này còn xuất hiện trước cả khi phim Star Trek ra mắt tới 6 năm. Một lý do để nó không phổ biến là quá đắt tiền.
Ổ cứng
Một thiết bị khác cũng xuất hiện trong tập phim này là các ổ cứng có hình vuông nhỏ sử dụng trong máy tính hay thiết bị điều khiển. Hồi thập niên 1960, những cỗ máy tính có kích thước bằng ngôi nhà, ghi dữ liệu trên các băng giấy. Dựa theo ý tưởng này, các hãng công nghệ chế tạo ra đĩa mềm 3,5 inch vào khoảng 20 năm sau. Những tập phim sau còn xuất hiện các con chip isolinear để sao lưu hàng gigabyte dữ liệu. Đó là chính là ý tưởng để chế tạo ra USB nhỏ gọn nhưng có dung lượng lớn.
Máy tính bảng.
Trong “Star Trek: The Next Generation” (thập niên 1980), các thành viên sử dụng một thiết bị điều khiển cảm ứng có tên là PADDs, với nhiều tính năng khá giống với chiếc máy tính bảng. Phải chăng vì lấy ý tưởng từ đó nên Apple đã đặt tên cho sản phẩm của mình là iPad?