Những đứa trẻ phi thường nhất thế giới

3 tuổi kiếm được 1.000 euro một bài hát, 2 tuổi mở được phòng tranh của riêng mình, 15 tuổi lấy bằng tiến sỹ về Vật lý… ai có thể làm được hơn họ?

Những đứa trẻ đặc biệt nhất thế giới

1. Kim Ung Yong – 4 tuổi vào đại học, 15 tuổi lấy bằng tiến sĩ, chỉ số thông minh cao nhất thế giới

Kim Ung-yong sinh ngày 7/3/1963, được coi là thần đồng của Hàn Quốc. Theo sách kỷ lục thế giới Guiness, ông được 210 điểm IQ. Mới 5 tháng tuổi ông đã biết đi và nói, 7 tháng tuổi biết viết và chơi cờ. Ông bắt đầu học tích phân khi mới 3 tuổi. Ông có thể đọc và viết tiếng Nhật, Hàn Quốc, Đức và tiếng Anh trước sinh nhật lần thứ 4. Năm 1967 khi mới 4 tuổi ông đã giải được các bài toán phức tạp về vi phân và tích phân trên truyền hình Nhật Bản và nói thành thạo 4 thứ tiếng Đức, Anh, Nhật, Hàn.


Kim Ung-yong: thần đồng của Hàn Quốc.

Kim Ung-yong là sinh viên khách mời của đại học Hán Dương từ khi 3 tuổi cho đến năm lên 6. Năm lên 7, ông được NASA mời sang Mỹ. Ông đã hoàn thành chương trình đại học và cuối cùng lấy được bằng tiến sỹ về Vật lý của Đại học bang Colorado trước khi 15 tuổi. Năm 1974, khi đang học đại học, ông đã bắt đầu công việc nghiên cứu tại NASA và tiếp tục làm việc ở đó cho đến khi quay lại Hàn Quốc năm 1978.

Tại Hàn Quốc, bằng tiến sỹ về Vật lý và các kinh nghiệm làm việc của ông tại NASA bị coi là vô dụng và ông phải bắt đầu học lại. Ông quyết định chuyển từ Vật lý sang ngành Công trình học dân dụng và sau đó đã lấy được bằng tiến sỹ trong ngành này. Kim được tạo cơ hội học tập tại các trường danh giá nhất Hàn Quốc nhưng cuối cùng đã chọn theo học một trường của tỉnh.

Gạt bỏ áp lực, anh tập trung học tập và tốt nghiệp. Kim Ung Yong thừa nhận đây là quãng thời gian hạnh phúc nhất kể từ khi sinh ra. Sau khi trở thành cử nhân, anh làm việc tại Viện Nghiên cứu Đất đai và Môi trường.

Từ năm 2007, anh Kim làm việc tại phòng phát triển kinh doanh đại học Chungbuk. Sau đó, anh xuất bản rất nhiều bài báo khoa học đóng góp cho sự phát triển của Hàn Quốc.

Năm 2014, Kim Ung Yong trở thành giáo sư của Đại học Shinhan tại tỉnh Gyeonggi ở tuổi 52. Đến nay ông vẫn tham gia cố vấn trong lĩnh vực giáo dục tại Hàn Quốc. Đặc biệt, ông đưa ra nhiều lời khuyên dành cho cha mẹ về việc giáo dục con cái sao cho phù hợp, không nên đặt nặng áp lực khiến con cái tổn thương.

Nhìn lại câu chuyện của Kim Ung Yong, nhiều người mới ngộ ra rằng không phải cứ là thần đồng thì sẽ hạnh phúc. Chính ông cũng tâm sự: “Mọi người hy vọng tôi trở thành chính trị gia xuất sắc hay nhà kinh tế đại tài, nhưng tôi không nghĩ quyết định của mình là sự thất bại. Tôi thành công và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại”.

Bố mẹ ông đều là giáo sư đại học và cùng sinh vào một thời điểm: 11h00 ngày 23 tháng 5 năm 1934.

2. Gregory Smith – được đề cử giải Nobel Hòa Bình năm 12 tuổi

Gregory Smith sinh năm 1990 tại Mỹ, là một đứa trẻ phi thường. Cậu bé biết đọc vào năm 2 tuổi và đi học đại học lúc lên 10. Cậu tốt nghiệp đại học năm 13 tuổi với rất nhiều bằng danh dự, và hiện giờ đang theo học bốn bằng tiến sĩ tại viện đại học Virginia.


Cậu bé có vinh dự được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 12 tuổi.

Lúc chín tuổi, Smith sáng lập hội International Youth Advocates (ủng hộ giới trẻ quốc tế), một đoàn thể cổ động hòa bình và bất bạo động; từ đó cậu được đề cử bốn lần cho giải Nobel Hòa Bình. Gregory Smith đã từng diện kiến các tổng thống Bill Clinton và Mikhail Gorbachev, gặp gỡ những nhân vật đã từng nhận giải Nobel Hòa Bình và những nhà lãnh đạo khác, đã đến trước Hội đồng An ninh Liên Hiệp Quốc và là người đại diện cho CCF (Christian Children’s Fund), đến hội kiến trong một phiên họp đặc biệt tại Liên Hiệp Quốc bàn về quyền lợi của trẻ em.

Trong số những thành quả rực rỡ nhất của Gregory là mở các trường Hòa bình tại nước Kenya đang bị chiến tranh tàn phá, và thư viện công cộng đầu tiên tại nước Rwanda.

3. Akrit Jaswal – nhà phẫu thuật 7 tuổi

Sinh ngày 23/4/1993, Akrit Jaswal đã nổi danh trên toàn thế giới với tài năng phẫu thuật thiên phú của mình. Vào năm 7 tuổi, mặc dù chưa từng được tiếp cận với bất cứ một khóa học nào về y học, cậu đã được toàn thế giới biết đến nhờ ca phẫu thuật tách ngón tay cho một bé gái 8 tuổi có các ngón tay bị dính chặt nhau sau một tai nạn bỏng.


Akrit Jaswal: cậu bé bác sỹ thần đồng gốc Ấn Độ.

Từ lúc lên 4, cậu đã đặc biệt thích đọc những loại sách như Thuật mổ xẻ của Gray, phương pháp gây mê, bệnh ung thư và nhiều chuyên đề khác liên quan đến y học.

Trong cuộc kiểm tra về chỉ số IQ, Akrit đạt 146 điểm. Bác sĩ thần đồng này cũng được gọi bằng cái tên “cậu bé thông minh nhất thế giới”.

Năm 11 tuổi, Akrit được nhận vào trường ĐH Punjab của Ấn Độ, từ đó chú bé có khuôn mặt búng ra sữa ấy trở thành sinh viên trẻ nhất nước. Danh tiếng của Akrit càng được thổi bay đi xa. Cùng thời điểm này, chuyên gia phẫu thuật nhỏ tuổi được mời đến trường ĐH Imperial của thủ đô Anh quốc, London, để trao đổi với các nhà khoa học về những ý tưởng tinh giản hóa chương trình y học cơ bản. Akrit đã mạnh dạn nói rằng mình có hàng triệu ý tưởng cho y học, nhưng cái mà vị bác sĩ thần đồng này đang tập trung là phát triển một phương pháp chữa trị ung thư.

4. Cleopatra Stratan: ca sĩ nhí 3 tuổi kiếm 1.000 euro với mỗi bài hát


Mới 3 tuổi nhưng Cleopatra đã vô cùng nổi tiếng.

Cô bé Cleopatra Stratan, người Moldavia, lên 3 tuổi, đã trở thành ca sĩ thành công trẻ tuổi nhất thế giới sau khi biểu diễn suốt 2 giờ với 28 bài hát tại nhà hát Bucharest, Romania.

Buổi biểu diễn có 400 khán giả và người đệm nhạc cho Cleopatra Stratan là cha cô bé, ca sĩ hàng đầu Moldavia, Pavel Stratan. Cleopatra cũng trở thành nghệ sĩ đầu tiên trình diễn nhạc sống trên sân khấu trước đám đông khán giả ở tuổi lên 3.

Trong suốt buổi trình diễn, Cleopatra Stratan đã giới thiệu các bài hát trong album đầu tiên “Tuổi lên 3”, gồm các bài hát nổi tiếng như “Mama”, “Ghita”. Cô bé đã bán được 150.000 đĩa trong vòng 4 tháng và lập kỷ lục thế giới về Ca sĩ trẻ tuổi nhất ra đĩa hát. Ngoài ra Cleopatra cũng lập kỷ lục ca sĩ trẻ được trả cátxê cao nhất.

Cleopatra cũng gặt hái được nhiều thành công trong âm nhạc, hồi tháng 5-2007, cô bé đã giành 3 giải thưởng MTV Romania. Riêng với “Ghita” - bài hát nổi tiếng được ưa thích nhất Romania đã đem lại cho Cleopatra giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất.

5. Aelita Andre: họa sĩ nhí 2 tuổi triễn lãm tranh ở 1 Gallery nổi tiếng


Aelita Andre và một số tác phẩm của bé.

Bé gái Aelita Andre chưa thể tự buộc dây giày nhưng bé lại là nhân vật chính trong nhiều triển lãm tranh nổi tiếng trên khắp thế giới. Aelita, 3 tuổi, gây xôn xao khi bé xuất hiện trên tạp chí The Age năm ngoái. Lúc đó mới chỉ 2 tuổi, nhưng nghệ sĩ Australia tí hon này đã có triển lãm tranh trong một gallery ở đường Brunswick, Fitzroy. Phản ứng dư luận khi đó không tích cực vì cho rằng cha mẹ cô bé đã thao túng và lợi dụng con.

Tuy nhiên, gia đình Aelita phớt lờ những lời bình luận và vẫn khuyến khích con gái theo đuổi ước mơ. Theo bố của bé, tất cả những gì họ làm là để động viên con, họ gom các tác phẩm cô bé vẽ trên vải, quần áo. Mọi thứ cô bé làm đều độc đáo và đó là lý do tại sao tác phẩm của bé lại được đánh giá rất cao. Cha mẹ Aelita cũng khẳng định rằng, số tiền cô bé kiếm được đều được gửi vào quỹ để họa sĩ nhỏ bé này sử dụng khi trưởng thành.

Theo Oddity, với 32 bức tranh đã được bán, giá của mỗi bức đã lên đến 26.000 USD, Aelita giờ đang có một tài khoản đáng kể.

6. Saul Aaron Kripke: được Harvard mời về làm việc khi vẫn còn đang học trung học


Saul Aaron Kripke được xem là nhà triết học đương thời vĩ đại nhất ngày nay.

Là con trai trong một gia đình Do Thái, Saul Aaron Kripke sinh năm 1940 ở New York và lớn lên ở Omaha. Lúc học lớp 4, ông đã thông thạo môn đại số, và khi kết thúc trung học cơ sở Saul đã nắm vững môn đại số và các phép toán vi phân, tích phân và bắt đầu tìm hiểu về triết học. Lúc đang học trung học, ông viết một số bài luận mà về sau này đã làm thay đổi sự nghiên cứu logic mốt. Một trong số những bài luận này đã gây được sự chú ý của khoa toán của đại học Harvard. Sau đó ông nhận được một lá thư từ Harvard đề nghị ông về làm việc ở đây. Thư trả lời của ông – lúc đó còn là một học sinh trung học – từ chối với lý do, “Mẹ cháu bảo cháu nên học hết trung học và thi vào đại học đã”. Sau khi hoàn tất trung học, Saul đã chọn chính trường Harvard để theo học tiếp.

Saul Kripke đã được trao tặng giải thưởng Schock Prize – một giải thưởng triết học có giá trị tương đương với giải Nobel. Ngày nay, ông được xem là nhà triết học đương thời vĩ đại nhất của thế giới.

Cập nhật: 12/06/2024 Theo Vietnamnet/vtc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video