Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là “sát thủ” môi trường lớn nhất toàn cầu và là thủ phạm cướp đi sinh mạng của hơn 7 triệu người trên thế giới năm 2012. Trước thực trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, nhiều giải pháp ứng phó đã ra đời với khả năng ứng dụng thực tiễn rất cao.
Lọc không khí công nghệ cao
Hạn chế khí bẩn phát tán ra môi trường được xem là giải pháp hàng đầu để chống ô nhiễm, do vậy, nhiều thành phố bị ảnh hưởng nặng nề đang chuyển sang các giải pháp chống ô nhiễm công nghệ cao.
Tại Mexico, Bệnh viện Manuel Gea González ở Thủ đô Mexico City đã trình làng tòa nhà “hút khói”, tọa lạc trên một diện tích rộng 2.500 mét vuông. Tòa nhà được phủ sơn titan điôxít (TiO2) có khả năng phản ứng với ánh sáng để trung hòa các tác nhân gây ô nhiễm không khí. Theo các nhà thiết kế, tòa nhà này có thể vô hiệu hóa lượng khói do 1.000 chiếc xe hơi thải ra mỗi ngày.
Ở Ý, dự án Palazzo Italia cũng sử dụng loại vật liệu tương tự để sơn phủ tòa nhà 6 tầng với tổng diện tích hơn 13.000 mét vuông (ảnh) và dự kiến sẽ ra mắt tại thành phố Milan vào năm 2015. Trong khi đó tại Hà Lan, các nhà khoa học cũng đã áp dụng kỹ thuật phủ sơn TiO2 cho các con đường và khẳng định cách làm này giúp giảm đến 45% tình trạng ô nhiễm. Được biết, việc áp dụng TiO2 không quá tốn kém, mà chỉ mất thêm 4-5% chi phí xây dựng.
Ngoài những tòa nhà có diện tích lớn, TiO2 còn có thể sử dụng cho những bề mặt nhỏ hơn, như bảng quảng cáo, áp phích, thậm chí trên quần áo. Bằng cách kết hợp các hạt nano TiO2 vào bột giặt, quần áo sẽ có chức năng lọc không khí sau khi giặt. Nhà hóa học polymer Tony Ryan thuộc Đại học Sheffield (Anh) cho biết mỗi một bộ quần áo như vậy có thể loại bỏ 5-6 gram nitơ điôxít (NO2) mỗi ngày.
Cảm biến MicroPEM – giải pháp chống ô nhiễm cá nhân
Nhằm giúp mọi người nhận biết sớm nguy cơ bị nhiễm độc, Viện RTI chuyên cung cấp các giải pháp y tế ở Mỹ đã phát triển cảm biến MicroPEM, với khả năng thu thập dữ liệu môi trường để giúp người dùng kiểm soát rủi ro. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy cảm biến này có thể phát hiện khí ô nhiễm trong nhà thải ra từ các bếp lò, nguyên nhân làm khoảng 2 triệu người thiệt mạng (do hít phải khói độc) mỗi năm tại những nước đang phát triển. Thiết bị được cho có thể áp dụng cho nhiều môi trường khác nhau để phát hiện ra hàng loạt mối đe dọa cho sức khỏe. Theo Tiến sĩ Charles Rodes, trưởng nhóm phát triển MicroPEM, việc phát hiện sớm các tác nhân ô nhiễm có ý nghĩa sống còn đối với bệnh nhân, nhất là những người bị bệnh về đường hô hấp như hen suyễn hoặc viêm phổi.
Sau khi thử nghiệm tại các trường đại học ở Mỹ, Anh và Trung Quốc, các chuyên gia tin tưởng thiết bị sẽ sớm được phổ biến rộng rãi. Hiện MicroPEM có giá khoảng 2.000 USD nhưng nhóm phát triển đang tìm cách hạ giá thành để đáp ứng nhu cầu trong công chúng.
Mạng chống ô nhiễm lấy cảm hứng từ loài nhện
Tiến sĩ Fritz Vollrath, nhà động vật học thuộc Đại học Oxford (Anh) sau thời gian nghiên cứu loài nhện đã suy ra rằng có thể vận dụng tơ nhện và kỹ thuật giăng tơ của chúng để tạo ra một mạng lưới chống ô nhiễm hiệu quả. “Độ mỏng và sự tích điện của các sợi tơ cho phép chúng hút mọi hạt bụi bay ngang qua, còn chất bao phủ trên sợi tơ có tác dụng giống như keo giúp giữ chặt hạt bụi” – Tiến sĩ Vollrath cho biết.
Tiến sĩ Vollrath tin rằng màng tơ nhân tạo sẽ là một công cụ hoàn hảo để thu giữ và đo hàm lượng ô nhiễm, từ đó giúp đánh giá mức độ nguy hiểm của bầu khí quyển. Ông Vollrath cho biết mạng lưới chống ô nhiễm có thể được sử dụng ở bất cứ nơi nào, từ các vùng thảm họa đến các bệnh viện và nhà ở.