Trên thực tế, ngoài ong và bướm còn có một số lượng đáng kinh ngạc các loài động vật thực hiện nhiệm vụ thụ phấn và đóng vai trò quan trọng quyết định sự sống còn của các loài thực vật có hoa.
Khi nói đến loài thụ phấn, hầu hết mọi người đều nghĩ ngay đến các loài côn trùng như ong, bướm rập rờn bay từ bông hoa này sang bông hoa khác. Trên thực tế, có một số lượng đáng kinh ngạc các loài động vật đóng vai trò quan trọng quyết định sự tồn tại của thực vật có hoa.
Hãy xem xét một số loài thụ phấn bất ngờ của tự nhiên, cách chúng giúp cho thực vật hoàn thành vòng đời và góp phần quan trọng duy trì hệ sinh thái lành mạnh và đa dạng sinh học.
Muỗi
Dù bạn có tin hay không thì muỗi chính xác là loài thụ phấn. Trên thực tế, nguồn thức ăn chính của muỗi là mật hoa chứ không phải máu.
Cũng giống như ong hay bướm, muỗi chuyển phấn hoa từ hoa này sang hoa khác khi chúng ăn mật hoa, giúp cây hình thành hạt và sinh sản. Chỉ khi một con muỗi cái chuẩn bị đẻ trứng, nó mới tìm kiếm nguồn protein từ máu. Muỗi đực chỉ ăn mật hoa và không bao giờ hút máu.
Ruồi chocolate (ruồi vằn nhỏ)
Hoa cacao có kích thước bằng đồng xu với những cánh hoa phức tạp cuộn tròn xuống nhị hoa, khiến các loài thụ phấn lớn khó có thể tiếp cận.
Một con ruồi chocolate đang hút mật và thụ phấn cho hoa cacao. (Nguồn: nationalgeographic)
Bởi thế mà ruồi chocolate, một loài ruồi vằn không lớn hơn đầu đinh, trở thành loài thụ phấn chính của cây cacao. Chúng làm việc quần quật vào lúc chạng vạng và bình minh, thích những môi trường sống rậm rạp râm mát của rừng nhiệt đới như lưu vực sông Amazon.
Nếu không có loài ruồi này, chocolate sẽ rất khan hiếm trên thế giới.
Chuột gai Cape
Loài chuột gai Cape của Nam Phi, có nguồn gốc từ Savanna, là loài ăn tạp tinh tế, có kỹ năng liếm mật của hoa mà không ăn hoặc phá hủy hoa.
Những bông hoa chúng chọn thuộc hệ thực vật giàu mật hoa của họ Protea. Giống như các loài động vật có vú thụ phấn khác, khi chuột gai thò mặt vào bên trong hoa để nhấm nháp mật hoa, phấn hoa sẽ bám vào lông của chúng và được vận chuyển đến bông hoa tiếp theo mà chúng ghé thăm.
Dơi
Dơi có lẽ là loài nổi tiếng nhất, chịu trách nhiệm thụ phấn cho hơn 500 loài thực vật, bao gồm các loại xoài, chuối, sầu riêng, ổi và cây thùa (dùng để làm rượu tequila).
Dơi hoạt động vào ban đêm và bị thu hút bởi những bông hoa nhạt màu, không giống như những loài thụ phấn ban ngày.
Một số loài, như loài dơi lưỡi dài Mexico, thực sự chuyên biệt cho công việc này với chiếc lưỡi dài và nhỏ có thể chạm tới những bông hoa hình ống.
Một con dơi lưỡi dài Mexico đang hút mật hoa. (Ảnh: Getty)
Ngoài ra, loài động vật có vú này còn phát tán hạt. Khi chúng ăn trái cây và thải hạt ra, những cây mới có cơ hội sinh sôi phát triển.
Vượn cáo
Khoảng 10% trong số hơn 100 loài vượn cáo đặc hữu của Madagascar là loài thụ phấn.
Loài linh trưởng độc đáo này là “những người làm vườn” quan trọng trong các khu rừng của quốc đảo này, thúc đẩy sự phát triển của cây mới bằng cách thụ phấn và gieo hạt.
Nhiều loài vượn cáo ăn mật hoa có lưỡi dài giúp chúng tiếp cận hoa mà không làm hỏng chúng, cùng với chiếc mõm hẹp để phấn hoa dính vào.
Vượn cáo lông xù đen trắng. (Nguồn: Shutterstock)
Vượn cáo lông xù - bao gồm vượn cáo lông xù đỏ và vượn cáo lông xù đen trắng - có những vòng lông mịn trên cổ rất dễ bám phấn hoa khi chúng tiêu thụ mật hoa và mang những phấn hoa này đến những bông hoa tiếp theo.
Cũng giống như dơi, vượn cáo ăn một lượng lớn trái cây và phát tán hạt khắp rừng khi chúng kiếm ăn.
Sóc bay Australia
Sóc bay Australia được cho là tác nhân thụ phấn quan trọng cho thực vật bản địa trong các khu rừng Australia, bao gồm cả cụm hoa hình nón của loài Banksia.
Loài thú có túi nhỏ nhắn này ăn rất nhiều thực vật có hoa và mật hoa, cùng với nhựa cây bạch đàn và cây keo. Chúng mang theo phấn hoa trên cơ thể khi sà qua các cây trong khu rừng rộng lớn ở Australia để tìm bữa ăn tiếp theo.
Gấu mèo Kinkajous
Một con gấu mèo Kinkajous bên bông hoa ưa thích. (Nguồn: National Geographic)
Mặc dù thỉnh thoảng thích đột kích tổ ong để lấy mật nhưng gấu mèo Kinkajous lại dành nhiều thời gian hơn để ăn mật hoa.
Trong hệ sinh thái rừng nhiệt đới Amazon, gấu mèo kinkajous di chuyển từ cây có hoa này sang cây có hoa khác, đặc biệt là cây balsa, để ăn mật hoa và thụ phấn cho các cây khi chúng di chuyển.
Chuột chù voi
Chuột chù voi Cape Rock là một loài thụ phấn gây kinh ngạc. Chúng yêu thích loài cây bụi đường Nam Phi Protea humiflora, một loài Protea thấp.
Chuột chù voi Cape Rock. (Nguồn: wildmammal).
Loại cây này tạo ra mật hoa rất ngọt thu hút nhiều loại côn trùng. Chuột chù voi Cape Rock không hút mật nhưng tìm kiếm côn trùng trong hoa Protea để ăn.
Chiếc mũi dài giống như vòi của chúng vô tình thu thập phấn hoa từ bông hoa này mang đến những bông hoa khác trong khi tìm kiếm thức ăn.
Cầy mangut
Côn trùng không phải là loài duy nhất bị thu hút bởi mật hoa ngọt ngào của những loài thực vật này. Mặc dù là loài ăn thịt, nhưng cầy mangut xám Cape cũng rất mê mật hoa của cây bụi đường và cây Protea của Nam Phi.
Khi tìm kiếm chất lỏng ngọt ngào này, chúng mang phấn hoa trên mõm từ bông hoa này sang bông hoa khác.
Chim
Trên toàn thế giới có 2.000 loài chim ăn mật hoa, côn trùng và nhện sống ở những bông hoa có mật hoa, do đó, chúng là loài thụ phấn rất quan trọng cho các loài hoa dại trên khắp hành tinh.
Các loài chim thụ phấn quan trọng gồm chim ruồi ở Mỹ; chim ăn mật ở Hawaii và Australia. Ngoài ra, vẹt lưỡi cọ ở New Guinea và chim hút mật ở châu Á và châu Phi đóng vai trò là vật trung gian truyền phấn hoa nhiệt đới.
Thằn lằn
Thằn lằn là những loài thụ phấn không ngờ tới, nhưng chúng lại cực kỳ quan trọng.
Ví dụ, thằn lằn Noronha thụ phấn cho cây mulungu bản địa trên quần đảo Fernando de Noronha ở Brazil. Trong khi đó, trên đảo Mauritius, thằn lằn đuôi xanh là loài thụ phấn chính cho loài hoa Trochetia quý hiếm.
Một bông hoa của loài đặc hữu Mauriti Roussea simplex đang được thụ phấn nhờ thằn lằn đuôi xanh. (Nguồn: Telegraph)
Cả hai loài bò sát này đều có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự sống còn của thực vật có hoa trên những hòn đảo có ít côn trùng ghé thăm hoa.