Nghiên cứu nhằm tìm hiểu tại sao các nhà khoa học lại thích liếm đá hay sáng chế bồn cầu thông minh giám sát chất thải của người đã thắng giải khoa học vui Ig Nobel 2023.
Ig Nobel là giải khoa học vui được tổ chức thường niên, nhại lại và công bố trước giải Nobel danh giá. Những thành tựu và nghiên cứu thắng giải Ig Nobel phải đảm bảo tiêu chí "đầu tiên làm con người cười, sau đó khiến họ suy nghĩ”.
Ig Nobel là giải khoa học vui được tổ chức thường niên, công bố trước giải Nobel danh giá.
Tạp chí Annals of Improbable Research, đơn vị sáng lập giải thưởng Ig Nobel, tối 14/9 (giờ Mỹ) đã tổ chức buổi lễ trao giải theo hình thức trực tuyến. Ban tổ chức đã mời những người thắng giải Nobel đến công bố giải Ig Nobel ở 10 hạng mục khác nhau cho các nhà khoa học khắp thế giới.
Theo báo Guardian, điểm độc đáo của lễ trao giải năm nay là, phần thưởng công bố ở dạng tài liệu pdf, có thể in ra và lắp ráp để tạo thành một chiếc cúp 3 chiều. Ngoài ra, các cá nhân hoặc tập thể thắng giải sẽ nhận được một tờ 10.000 tỷ đôla Zimbabwe.
Bên cạnh việc công bố các giải thưởng, sự kiện năm nay còn bao gồm cả việc ra mắt 7 bài hát về chủ đề nước, dành thời gian để các nhà nghiên cứu giải thích công trình của họ chỉ bằng 7 từ, trong 24 giây.
Giải Ig Nobel 2023 ở hạng mục kỹ thuật cơ khí thuộc về nghiên cứu hồi sinh những con nhện chết để sử dụng làm công cụ kẹp cơ học của nhóm tác giả Te Faye Yap và Daniel Preston đến từ Đại học Rice (Mỹ).
"Khi sắp xếp phòng thí nghiệm, chúng tôi phát hiện một con nhện đã chết, nằm cuộn tròn ở rìa hành lang. Ý tưởng nảy ra trong đầu chúng tôi khi nhận thấy bọn nhện chỉ có các cơ gấp kéo chân vào trong và dựa vào áp lực thủy lực để duỗi chân ra ngoài", Yap chia sẻ.
Dựa vào nguyên tắc đó, nhóm của Yap đã tạo một dụng cụ có thể kẹp những vật có hình dáng bất thường. "Hơn nữa, dụng cụ này có thể là thiết bị cầm tay và ngụy trang trong môi trường ngoài trời", trích kết luận của nhóm tác giả.
Jan Zalasiewicz thuộc Đại học Southampton (Anh) đã trở thành chủ nhân giải Ig Nobel về hóa học và địa chất nhờ nghiên cứu lý giải vì sao nhiều nhà khoa học thích liếm đá. Theo ông, trong khi nhà địa chất học người Italia Giovanni Arduino hồi thế kỷ 18 đã dùng vị giác để phân biệt các loại đá và khoáng chất, các nhà địa chất học ngày nay thường dùng lưỡi vì lí do khác.
“Với chúng tôi, liếm đá sẽ giúp ích về mặt thị giác hơn là vị giác, vì bề mặt ẩm ướt hiển thị các hạt khoáng chất tốt hơn bề mặt khô”, ông Zalasiewicz cho hay.
Giải Ig Nobel dinh dưỡng được trao cho 2 nhà khoa học Homei Miyashita thuộc Đại học Meiji và Hiromi Nakamura thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản) nhờ nghiên cứu về đũa và ống hút điện. Các tác giả này tin, việc dùng điện kích thích lưỡi có thể thay đổi mùi vị thực phẩm, đồ uống ngay lập tức và giúp tăng cường vị giác, điều các nguyên liệu thông thường như gia vị không thể làm được.
Nhà nghiên cứu Seung-min Park với chiếc bồn cầu giúp đoạt giải Ig Nobel 2023, đặt trước bức tượng nhà tư tưởng Rodin tại Đại học Stanford. (Ảnh: PR Image/Natuurhistorisch Museum Rotterdam).
Chủ nhân của giải Ig Nobel y tế cộng đồng là các nhà nghiên cứu đã phát triển bồn cầu thông minh, sử dụng nhiều công nghệ để giám sát dấu hiệu bệnh tật thông qua chất thải của người cũng như cảm biến hậu môn để nhận biết người dùng. Nhóm nghiên cứu do Seung-min Park thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đứng đầu.
Giải thưởng về y học thuộc về nhóm nghiên cứu sử dụng các xác chết để khám phá xem mỗi lỗ mũi của một cá nhân có chứa số lông bằng nhau hay không. Trong khi, giải Ig Nobel truyền thông được trao cho các nhà khoa học đã nghiên cứu, bao gồm cả phân tích hình ảnh thần kinh, đối với những người có khả năng nói ngược.
Ban tổ chức đã trao giải thưởng về văn học cho các nhà nghiên cứu khám phá cảm giác đặc biệt có thể nảy sinh khi viết đi viết lại cùng một từ. Họ gọi hiện tượng này là “jamais vu”, khi mọi người thấy những thứ quen thuộc trở nên xa lạ.
Giải Ig Nobel vật lý vinh danh các nhà nghiên cứu phát hiện, hoạt động giao phối của cá cơm vào ban đêm ở ngoài khơi bờ biển Galicia có thể tạo ra những xoáy nước nhỏ trộn lẫn với các lớp nước khác nhau trong đại dương.