Những người chiến thắng bệnh sốt vàng

Vào thế kỷ 17 - 18, bệnh sốt vàng là một trong những thảm họa kinh hoàng ở các nước nhiệt đới. Mỗi khi vụ dịch bùng nổ có đến 3% dân chúng bị nhiễm bệnh và tỷ lệ tử vong lên đến 10%.

Trước tai họa này đã có không ít người chấp nhận hiểm nguy, thậm chí cái chết với quyết tâm: tìm ra phương thức lây truyền bệnh, từ đó xây dựng các biện pháp phòng ngừa. Thiên anh hùng ca về những tấm gương hy sinh vì bệnh sốt vàng đã được y văn thế giới ghi nhận, được kể lại nhiều lần bằng ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, điện ảnh.

Bóng đen của dịch bệnh

Đó là những năm đầu thế kỷ 18, các vụ dịch sốt vàng liên tiếp hoành hành tại khu vực bờ biển phía Tây châu Phi, các nước Nam Mỹ, vùng Caribê... từ đó lan truyền đến các thành phố dọc bờ biển nước Mỹ như Boston, New Orleans rồi đến tận dòng sông Mississipi. Lúc bấy giờ, không một ai biết tác nhân gây bệnh là gì và căn bệnh lây lan qua con đường nào. Bóng đen của dịch bệnh càng khiến nó trở thành nỗi kinh hoàng đối với loài người.

Khi ấy, có một nhà y khoa nổi tiếng ở Havana (Cuba) - bác sĩ Carlos J. Finlay rất quan tâm tìm hiểu về tai họa khủng khiếp đang hoành hành tại đất nước mình với số người tử vong lên đến hàng nghìn người mỗi năm. Ông ghi nhận rằng mỗi khi muỗi biến mất, các vụ dịch cũng tạm thời lắng xuống. Tháng 8/1881, Finlay khẳng định chính muỗi là tác nhân lây truyền bệnh sốt vàng và tên khoa học của loài muỗi này là Aedes aegypti. Nhưng khẳng định này không được thừa nhận do ông chưa chứng minh được bằng thực nghiệm. Năm tháng trôi qua, Finlay và giả thuyết của mình dần dần rơi vào quên lãng.

Năm 1898, chiến tranh khốc liệt giữa Tây Ban Nha và Mỹ bùng nổ. Quân đội Mỹ chiến thắng và đổ bộ vào Cuba, thuộc địa của Tây Ban Nha lúc bấy giờ. Họ đã gặp thảm họa, số quân nhân Mỹ mắc bệnh sốt vàng và tử vong ngày càng nhiều. Tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại Cuba, Thiếu tướng Leonard Wood phải yêu cầu chính phủ Washington trợ giúp.

Một Ban phòng chống bệnh sốt vàng được thành lập ngay sau đó và được phái đến Cuba để nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu gồm 4 thành viên: nhân viên phẫu thuật James Carroll, nhà vi khuẩn học Jess W. Lazear, nhà giải phẫu tử thi Aristide Agramonte và Trưởng ban nghiên cứu là Thiếu tá Walter Reed, giáo sư vi khuẩn học Trường đại học Quân y.

Sơ đồ muỗi tấn công người và lây truyền bệnh.

Hy sinh vì khoa học và nhân loại

Tháng 6/1900, khi phái đoàn đến Cuba thì dịch bệnh sốt vàng đang lên đến cực điểm. Tử thi và những người hấp hối nằm khắp mọi nơi. Thành phố Havana phong quang sạch sẽ nhưng dịch bệnh vẫn cứ hoành hành và có nguy cơ hủy diệt đội quân Mỹ tại đây. Walter Reed từng nghe đến giả thuyết của bác sĩ Finlay. Ông đến thăm Finlay, Finlay chỉ cho ông xem tiêu bản của những con muỗi và giải thích rằng loại muỗi này thường sinh sản ở các vũng nước tù hãm trong thành phố.

Walter Reed quyết định sử dụng muỗi để gây bệnh sốt vàng trên thực nghiệm. Lúc bấy giờ không ai biết loài động vật nào có thể mắc bệnh sốt vàng, vì vậy con người phải là đối tượng thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu chấp nhận rủi ro, thử nghiệm ngay trên chính bản thân họ.

Ngày 27/8, James Carroll để cho một con muỗi trước đó đã đốt 4 bệnh nhân mắc sốt vàng đốt vào chính mình. Bốn ngày sau, ông nhiễm bệnh, bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nề, nhưng may thay ông dần hồi phục. Agramonte và Lazear tiếp tục lấy thân mình để thử nghiệm. Riêng Reed không được phép tham gia vì ông có nhiệm vụ theo dõi các biểu hiện lâm sàng của thành viên trong nhóm và phải báo cáo tiến độ nghiên cứu. Ngày 13/9/1990, Khi Lazear đang thăm khám một bệnh nhân mắc bệnh sốt vàng thì một con muỗi đậu vào cánh tay ông. Ông chủ tâm để con muỗi này chích mình, 5 ngày sau Lazear mắc bệnh và qua đời.

Sau đó, quân đội Mỹ xây dựng một doanh trại biệt lập mang tên Lazear để phục vụ công việc nghiên cứu. Reed kêu gọi các quân nhân tình nguyện làm đối tượng thử nghiệm. Hai người tình nguyện đầu tiên là binh nhì John R. Kissinger và viên chức tổng hành dinh John Morgan. Nhân danh khoa học, vì lợi ích của nhân loại, họ sẵn sàng đương đầu với những nguy hiểm đang chờ đợi.

Trong vài tuần, Kissinger và Morgan sống biệt lập trong doanh trại Lazear. Ở đây không loài muỗi nào có thể lọt vào được. Bên ngoài nạn dịch vẫn đang hoành hành, thêm hơn 100 quân nhân mắc bệnh và 85 người đã tử vong. Cuối tháng 12, Kissinger và Morgan chuyển sang cùng sống với những con muỗi đã từng đốt người bệnh. Cả hai đều mắc bệnh và sau đó hồi phục.

Nhiều thử nghiệm như vậy được tiến hành và có kết quả tương tự. Không nghi ngờ gì nữa, muỗi là tác nhân lây truyền bệnh sốt vàng.

Sau khi xác định được tác nhân truyền bệnh, quân đội Mỹ lập tức triển khai chiến dịch phá hủy những vị trí mà muỗi có thể sinh sản: Xây dựng những hệ thống thoát nước cho những vùng nước ứ đọng, phủ dầu lên bề mặt vũng nước để tiêu diệt ấu trùng. Kết quả là trong cả năm 1901, tại Havana, chỉ có 6 người tử vong do sốt vàng, trong khi nửa thế kỷ trước trung bình tử vong 750 người/năm. Năm 1904, người ta cũng áp dụng biện pháp tương tự để khống chế bệnh sôt vàng tại Panama, góp phần xây dựng thành công kênh đào Panama.

Những người viết tiếp bản anh hùng ca

Sau đó, nhiều nhà khoa học tiếp tục công cuộc phòng chống bệnh sốt vàng. Nhà tỷ phú Jonh D. Rockefeller và con trai đã thành lập Viện Rockefeller để nghiên cứu khoa học. Một đơn vị của viện có trách nhiệm thanh toán bệnh sốt vàng. Câu chuyện lại được tiếp nối bằng các bi kịch khác.

Arian Stokes, một thành viên của Viện Rockefeller, lên đường đi châu Phi để nghiên cứu bệnh sốt vàng. Ông mắc bệnh và qua đời. Trước khi ra đi, ông phát hiện một điều vô cùng quý giá: Một số loài khỉ có thể mắc bệnh sốt vàng. Lần đầu tiên con người đã tìm ra một loài vật để thí nghiệm, không nhất thiết phải chấp nhận hiểm nguy như Carroll và Lazear. Tuy nhiên, đến khi đó, danh sách những người hy sinh để tìm ra cách khống chế bệnh sốt vàng đã khá dài: từ Sawyer đến Hideyo Noguchi, Alexandre Young, Paul Lewis và Theodore Hayne, Đó là những quân nhân, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên... người thì chủ động nhiễm bệnh, người thì tình cờ nhiễm bệnh trong phòng thí nghiệm. Tất cả đều bỏ mạng trong khi nghiên cứu căn bệnh chết người này.

Những bí ẩn về bệnh sốt vàng dần dần được khám phá. Năm 1928, khoa học đã xác định căn nguyên gây bệnh sốt vàng là một loài virut. Không chỉ muỗi Aedes aegypti truyền bệnh mà còn có các loài muỗi khác. Từ những năm 30 thế kỷ 20, vaccin sống giảm độc lực được đưa vào sử dụng đã làm giảm đáng kể những ca chết vì các bệnh do virut, trong đó có sốt vàng. Tuy vậy, nhân loại vẫn phải biết ơn những người anh hùng với lòng can đảm, sự hy sinh và kiên trì đã tìm ra đường lây truyền và các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong những ngày đầu gian khó!

Theo SK & ĐS (DailyMail)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video