Những người chữa khiếm khuyết của tạo hoá

Phải mất 15 năm để từ 1 đơn vị ghép thận lên đến 8 đơn vị như hiện nay với 170 ca. Và chưa đầy một 1 năm qua, có tới 2 ca ghép gan - loại phẫu thuật ghép tạng khó nhất - được tiến hành.

GS. TSKH Lê Thế Trung, nguyên Chủ tịch Hội đồng tư vấn chuyên môn về ghép tạng, một trong các tác giả cụm “Công trình ghép tạng”
Sắp tới, các nhà khoa học chuẩn bị thực nghiệm ghép tim và tiến tới ghép đa tạng.

Ban chỉ đạo ghép thận kết hợp quân - dân y ra đời ngày 2/2/1991, khởi đầu cho những quyết tâm đưa ghép tạng Việt Nam phát triển. Một năm sau đó, hội đồng chuyên môn ghép thận ra đời (24/02/1992). Các bệnh viện lớn của Việt Nam như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy đều vào cuộc.

Tuy nhiên, những ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam vẫn do một người nước ngoài thực hiện chính ông Chu Shu Lee Chủ tịch Hội đồng ghép tạng châu Á. Tám ca ghép thận được tiến hành. Cùng lúc đó, 12 bác sĩ Việt Nam được cử đi học ghép tạng từ Cuba trở về.

Và ca ghép thận thứ chín chính thức được tiến hành với ê kíp gồm toàn các bác sĩ Việt Nam đã thành công. Bệnh nhân Lê Thanh Nghiêm, 32 tuổi, được cứu sống. Ngày 20/7/1993 trở thành dấu mốc quan trọng cho ngành ghép tạng nước ta.

Những người làm nên sự sống

“Một bà mẹ có con gái bị tai nạn không qua khỏi, bà đã đồng ý hiến quả tim của con mình cho một đứa trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Phẫu thuật xong, bà đến thăm đứa bé, và nói: Tôi đến thăm con gái tôi”.

Câu chuyện từ một nước xa xôi nào đó khiến GS Lê Thế Trung, vị Chủ tịch đầu tiên Hội đồng chuyên môn ghép thận nhớ mãi. Ông là người có mặt trong cả hai thời điểm quan trọng nhất của ghép tạng Việt Nam, ca ghép thận đầu tiên năm 1992 và ca ghép gan đầu tiên năm 2004.

Trong số 170 ca ghép thận trên cả nước, ông trực tiếp tham gia 65 ca. Ông bảo, công việc của ông và đồng nghiệp giống như việc ghép lại những cuộc đời. Mỗi một lần ghép là một lần giữ lại cho thế giới một sự sống.

Ghép thận cho bệnh nhân đầu tiên, anh Lê Thanh Nghiêm, ông vắng nhà đúng 3 tháng. 90 ngày ông túc trực cạnh bệnh nhân. “Đâu phải chỉ là phẫu thuật rồi thôi. Công việc của chúng tôi còn chăm sóc bệnh nhân cả đời”.

Mỗi một lần phẫu thuật là một lần ông mất ngủ. Ca phẫu thuật đáng nhớ nhất với ông chính là ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam cho bé Nguyễn Thị Diệp. Ông ở cạnh bệnh nhân đúng 1 tháng 10 ngày.

Bé Diệp bây giờ đã khỏe mạnh, học giỏi, tháng nào cũng lên khám bệnh và thăm ông. Ông lại có thêm một đứa cháu. Con trai cả của ông, PGS - TS Đại tá Lê Trung Hải cũng là một chuyên gia ghép tạng của Viện Quân y 108.

“Không phải chúng ta không đủ kỹ thuật và trình độ. Nhưng chúng ta không đủ tạng để ghép. Hơn 300 bệnh nhân phải ra nước ngoài ghép tạng rồi”, ông bảo. Mỗi lần ra nước ngoài, nghe những con số của họ, rồi đối chiếu với ta, ông không khỏi chạnh lòng. Ở Hàn Quốc mỗi năm có 1000 ca ghép thận, 50 ca ghép gan, 20-30 ca ghép tim, ở Mỹ là hơn 10000 ca ghép thận, 3000 ca ghép gan, 2000 ca ghép tim/năm…

Cái tâm của một thầy thuốc khiến ông và đồng nghiệp không thể ngồi yên. Ông cùng đồng sự góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng một văn bản khoa học làm cơ sở pháp lý cho việc lấy tạng tử thi. Một ca ghép tạng tiến hành ở Việt Nam, chi phí chỉ bằng 1/10 so với phẫu thuật ở nước ngoài.

Ông vừa cùng đồng nghiệp thử nghiệm ghép tim vào ngày 22/9. Trong tương lai, sẽ là ghép tụy, ruột, ghép đa tạng…. Đồng hành cùng ông là rất nhiều bác sĩ GS.TS Phạm Gia Khánh, PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm…Có người đến sau, cũng có người không còn. “Ghép tạng là một công việc tập thể. Mỗi khâu đều là trọng yếu”, ông nói về công việc của mình và cộng sự.

Cho đến nay, Việt Nam mới thực hiện được 170 ca ghép thận, 2 ca ghép gan. Khiêm tốn và đơn giản, nhưng là công sức của 15 năm ròng. 9 người của Hội đồng chuyên môn ghép thận năm nào, cùng với rất nhiều y bác sĩ đã làm nên một “Công trình ghép tạng” không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật mà còn giàu ý nghĩa nhân văn.

Và công trình có cái tên nghe rất đơn giản ấy được nhận giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh, bởi nó đã và đang thực hiện cái điều tưởng như đơn giản nhưng là đẹp nhất: cấy ghép sự sống. Sự sống, cho dù trải qua phẫu thuật, vẫn đẹp và hạnh phúc biết bao nhiêu.

Năm 2000, tập “Quy trình ghép thận” của các bác sĩ ra đời ghi nhận việc ghép thận Việt Nam đã thực sự trưởng thành. Không phải không có những lúc nản lòng, bởi thất bại, chỉ một chút thôi cũng là không thể, khi mà điều đó liên quan trực tiếp tới con người.

Hiện nay, con số bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng là rất lớn. Chỉ tính riêng những bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có hơn 1000 trường hợp yêu cầu ghép tạng (chiếm 32%). Bệnh viện Nhi TW, con số này là gần 50%.

Thứ trưởng Bộ y tế Lê Ngọc Trọng đã phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý cho dự thảo lần 9 Pháp lệnh hiến, lấy ghép mô bộ phận cơ thể người ngày 2/8 vừa qua: “Nếu không nhanh chóng xây dựng hành lang pháp lý cho ghép tạng Việt Nam thì chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về kỹ thuật ghép tạng so với các nước trong khu vực cũng như thế giới”.

Phương Mai

1. Cụm Công trình ghép tạng do tập thể GS-TS Phạm Gia Khánh, GS-TSKH Lê Thế Trung, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, GS-TS Đỗ Kim Sơn, PGS Tôn Thất Bách, PGS-TS Trương Văn Việt, TS Trần Ngọc Sinh, PGS-TS Phạm Như Thế, PGS-TS Nguyễn Thanh Liêm và các cộng sự là tác giả, được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005.

2. Một số mốc quan trọng của ngành ghép tạng thế giới:

  • 1902: Ghép tạng thử nghiệm đầu tiên trên chó
  • 1933: Ghép thận trên người nhưng thất bại
  • 1954: Ghép thận trên người thành công, áp dụng cho 2 anh em sinh đôi cùng trứng người Mỹ
  • 1963: Ghép gan, phổi
  • 1967: Ghép tụy, ruột, tim
  • 1980: Ghép đa tạng

3. Ghép tạng là một trong 10 phát minh tiêu biểu trong thế kỷ XX gồm: máy bay, truyền hình, máy tính, năng lượng hạt nhân, laser, Internet, du hành vũ trụ, kháng sinh, cấu trúc ADN và ghép tạng.

Theo Tiền Phong
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video