Những nhà Robocon 04 và “Robot” quản lý vận tải

Bỏ lại sau lưng hào quang chiến thắng, lời hứa thưởng 500 triệu đồng, các thành viên vô địch Robocon – châu Á, Thái Bình Dương 2004, nhóm FXR của ĐH BK TP.HCM lại lao vào nghiên cứu các sản phẩm tự động hoá.

Lê Trương Khang (ngồi) và Nguyễn Hải Linh và sản phẩm đang được chạy thử nghiệm cho xe buýt  (Ảnh: TTO)

Nhóm FXR được xem là im hơi lặng tiếng nhất trong những nhà vô địch Robocon Việt Nam.

Ngoài phần thưởng của đội vô địch, về nước, nhóm FXR được các bộ ngành khá quan tâm, hứa tặng thưởng 500 triệu để tiếp tục phát huy sản phẩm mang tính sáng tạo về khoa học công nghệ. Nhưng mọi cái vẫn chỉ là lời hứa! Sau hai năm kể từ ngày đoạt giải, nhóm đã đóng góp những sản phẩm cụ thể, thiết thực, ứng dụng được trong xã hội.

Những nhà vô địch nhóm 6 người ngày trước, nay 2 đã đi du học nước ngoài, 4 ở lại theo đuổi con đường nghiên cứu ứng dụng tự động hoá. Gặp lại 2 trong số 4 người đang làm việc tại Việt Nam là Nguyễn Hải Linh và Lê Trương Khang khi cả hai đang dần hoàn thiện sản phẩm quản lý phương tiện vận tải bằng hệ thống định vị vệ tinh, hiện đang được thử nghiệm trên xe buýt, sản phẩm nhằm góp phần giải quyết bài toán về việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng trên địa bàn TP và cả nước.

Nhờ Robocon

Linh và Khang nhớ lại: “Cuộc thi Robocon mang lại nhiều bài học rất bổ ích, ngoài óc tư duy sáng tạo, mỗi người còn phải có kỹ năng làm việc theo nhóm, phối hợp nhịp nhàng trong công việc và chiến thuật thi đấu mới đạt được kết quả tốt. Ngoài ra, cái lợi nhất từ cuộc thi Robocon là sự tự tin. Khi ra làm việc ở các công ty, nghĩ về một sản phẩm, một dự án là dám mạnh dạn đề xuất và thực hiện, biết phân đoạn từng bước nhỏ để thực hiện những sản phẩm lớn".

Đôi nét về nhân vật: Cựu thành viên nhóm FXR, vô địch Robocon Châu Á – Thái Bình Dương năm 2004 tại Hàn Quốc. Tham gia chế tạo đồng hồ taxi cho các hãng Taxi ở thành phố. Thiết kế, chế tạo hệ thống thu nhập số liệu vô tuyến cho thuỷ điện. Tham gia thiết kế, chế tạo sản phẩm kiểm soát tốc độ tàu hoả (sản phẩm đoạt giải III Nhân tài đất Việt 2005) 

Cuộc thi cũng là cơ hội để các thành viên so sánh trình độ của mình với bạn bè trong khu vực. Linh cho biết: “So với sinh viên trong khu vực mình cũng không hề kém cạnh gì họ về mặt lý thuyết, tư duy sáng tạo, chỉ thua về điều kiện và thiết bị chế tạo. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... sinh viên có cơ hội sử dụng phòng thí nghiệm hiện đại, trang thiết bị đầy đủ phục vụ tính sáng tạo của sinh viên. Trong khi các sinh viên Việt Nam cho đến giờ vẫn thường lê la các chợ điện tử buôn bán đồ cũ để luộc lại những thiết bị cần sử dụng, đưa về thử nghiệm, hư hỏng năm lần bảy lượt mới thành công”.

Cuộc thi cũng đem lại những người bạn có cùng sở thích trong lĩnh vực điều khiển tự động gần với nhau hơn. Qua những câu chuyện, những cuộc trao đổi, về xu hướng công nghệ ở các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc của những người bạn từng tham gia Robocon 2004 của các nước nay đã du học hoặc đi làm ở khắp nơi trên thế giới, Linh và Khang có được cái nhìn toàn cảnh về hướng phát triển chung của công nghệ tự động mới, kỹ thuật vận dụng ở các thành phố lớn.

Cũng từ những ý kiến của bạn bè, những nhận xét, đánh giá cho giải pháp ý tưởng sản phẩm, họ điều chỉnh để có kết quả tốt hơn. Nhờ những mối quan hệ bạn bè ấy, các thành viên nhóm FXR nay đã gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực tự động hoá bằng những sản phẩm cụ thể. Sắp tới, nhóm Linh và Khang cho ra đời sản phẩm quản lý phương tiện giao thông công cộng, được áp dụng trước mắt cho xe buýt, sau sẽ đưa vào các loại phương tiện vận tải công cộng cả trên bộ và đường thuỷ.

Nói về sản phẩm quản lý phương tiện giao thông công cộng đang được Sở SGCC cho phép thử nghiệm trên xe buýt của TP, Linh cho biết: “Chưa thể tiết lộ nhiều về sản phẩm này, vì hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm, sắp tới sẽ thử nghiệm hẳn trên một tuyến xe buýt, sau đó mới rút ra những kết luận cụ thể. Đây là một công cụ giúp cho các nhà điều hành, giám sát các loại phương tiện giao thông công cộng được tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tiết kiệm được nhiều chi phí quản lý các loại phương tiện này”.

Linh cũng cho biết thêm: “Ở các nước tiên tiến, loại sản phẩm này đã được áp dụng trên xe buýt và các phương tiện vận tải khác, nhưng giá thành sản phẩm lại cao, việc bảo hành tốn kém, mất thời gian, không làm chủ được công nghệ. Sản phẩm của nhóm làm tại Việt Nam sẽ mang tính cạnh tranh với các sản phẩm đến từ nước ngoài bởi giá thành phù hợp và việc bảo hành tiện lợi...”.

Người bạn của sinh viên

Để kiếm kinh phí chế tạo robot, cả 6 thành viên của FXR ngày trước phải vận dụng kiến thức học được đi làm thêm tại các công ty vừa để dành tiền làm vốn chế tạo robot, và cũng để kêu gọi thêm sự hỗ trợ về kinh tế từ nhiều nguồn. Nhờ vậy, các thành viên trong đội có thêm nhiều kinh nghiệm so với các bạn bè cùng lứa, từ việc cọ xát với môi trường làm việc, đến khả năng tư duy, kinh nghiệm sống, vốn sống cũng được nâng tầm lên nhiều hơn. Từ những kinh nghiệm đó, nhóm vô địch nay lại truyền lại cho lớp sinh viên đàn em.

Cả nhóm để địa chỉ mail, điện thoại liên lạc ở trường để các sinh viên có nhu cầu cần hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật, kinh nghiệm thiết kế robot, chiến thuật thi đấu tìm đến. Khang, Linh cùng các anh em của FXR mỗi năm vẫn thường xuyên hỗ trợ sinh viên trong chuyện học hỏi kinh nghiệm và sáng tạo, hỗ trợ vốn và thiết bị cho các em sinh viên. Có thể nói, đây là một truyền thống tốt đẹp giúp ích cho các bạn sinh viên có thêm nhiều điều kiện và kinh nghiệm theo đuổi mảng sáng tạo trong lĩnh vực tự động hoá.

Trong công ty, những đồng nghiệp của Linh và Khang nhận xét: Cả hai đều có khả năng tư duy độc lập trong công việc, tính sáng tạo cao và hoạch định công việc khoa học hơn hẳn những đồng nghiệp khác. Đặc biệt là mức độ say việc. Ở văn phòng làm việc, Linh và Khang gần như không có khái niệm thời gian nghỉ, cả hai lúc nào cũng chúi mũi vào những bo mạch, bản vẽ, những con chip điện tử... từ sáng đến khuya. Ăn ngủ cả ở văn phòng khi công việc chưa hoàn tất.

Linh tâm sự: “Những sản phẩm tụi em làm ra, chủ yếu nhắm đến những công trình, dự án phục vụ cho lợi ích xã hội. Nói vậy hơi cao xa, và thậm chí nhiều người cho rằng nói vậy có vẻ hơi... ngạo mạn. Nhưng thực sự, khi mà những dự án hoặc sản phẩm đưa vào hoạt động, xã hội được lợi, tất nhiên thành quả lao động của tụi em cũng được bù đắp tương xứng. Từ suy nghĩ đó phần nào thôi thúc tụi em có thêm đam mê trong công việc và sáng tạo...”.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị, Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video