Những sai lầm khi dùng thuốc Đông y trị bất lực

Thường thì khi lâm vào trạng thái bất lực ở các mức độ khác nhau, cánh “mày râu” hay tìm đến Đông y để tư vấn và trị liệu. Đó là một thói quen tốt, bởi lẽ trong lĩnh vực này, các biện pháp của y học cổ truyền tỏ ra có nhiều thế mạnh.

Bốc thuốc điều trị cho bệnh nhân ở Khoa YHCT Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: TTO)
Nhưng, điều đáng nói ở đây là, nhiều khi cả thầy thuốc và người bệnh đều mắc phải những quan niệm sai lầm không đáng có, từ đó dẫn đến hậu quả: người bệnh thì “tiền mất tật mang”, còn thầy thuốc thì suy giảm uy tín.

Những sai lầm đó là gì?

Trước hết là quan niệm cho rằng: nguyên nhân của chứng bất lực chính là do “thận hư”. Vì nhiều lý do khác nhau, khi lâm vào trạng thái bất lực, không ít bệnh nhân nghĩ ngay rằng: thận của mình quá kém và tự động đi tìm những vị thuốc Đông y có tác dụng bổ thận tráng dương để trị liệu. Quan niệm này lại càng trở nên sâu sắc khi không may họ được tư vấn bởi các “lang băm” chính hiệu. Xét trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tiễn thì điều đó là hết sức sai lầm.

Theo y học cổ truyền, bất lực thuộc vào phạm vi chứng “dương nuy” mà nguyên nhân gây nên rất phức tạp như: tình chí uất kết (yếu tố tâm lý, tình cảm), ẩm thực bất điều (ăn uống không hợp lý), lục dâm xâm nhập (các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài như hàn, thấp...), phòng sự quá độ (sinh hoạt tình dục bừa bãi), niên cao thể nhược (tuổi cao sức yếu), cửu bệnh sở lụy (bị bệnh lâu ngày), bẩm thụ tiên thiên bất túc (di truyền, tật bệnh từ nhỏ)...

Những nguyên nhân này làm rối loạn công năng các tạng phủ, trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên chứng dương nuy với nhiều loại hình bệnh lý khác nhau như can khí uất kết, can kinh thấp nhiệt, tâm tỳ lưỡng hư, khí trệ huyết ứ, hàn ngưng can mạch, khủng nộ thương thận, thận dương hư tổn, âm hư hỏa vượng... và theo đó, biện pháp trị liệu cũng không giống nhau. Ví như, với thể bệnh bất lực do tâm tỳ lưỡng hư (hai tạng tâm và tỳ cùng hư tổn dẫn đến) thì phương thức trị liệu phải là kiện tỳ dưỡng tâm, an thần định chí và lấy cổ phương Quy tỳ thang làm bài thuốc chủ đạo để gia giảm.

Thực tế lâm sàng cho thấy, không ít người ở độ tuổi 20-40 lâm vào tình trạng bất lực nhưng cơ thể vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, không hề có các biểu hiện của hội chứng thận hư (thận theo quan niệm của Đông y) như đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, răng long tóc rụng... Phần lớn nguyên nhân gây nên bất lực ở họ là do yếu tố tâm lý, tình cảm (tình chí uất kết) tác động trước hết đến các tạng như can, tâm và tỳ, tạo nên những thể bệnh như can khí uất kết, tâm tỳ lưỡng hư...

Thứ hai, là quan niệm cho rằng chỉ cần dùng những vị thuốc và bài thuốc có công dụng bổ thận tráng dương là có thể chữa khỏi bệnh bất lực, từ đó đi đến việc sùng bái thuốc tráng dương, cường dương. Quan niệm sai lầm thứ hai này là hệ quả tất yếu của quan niệm thứ nhất. Nhưng điều đáng nói là, trong khi bản thân người bệnh không có kiến thức chuyên môn và đang rất hoang mang thì một số “lang băm” và người kinh doanh Đông dược lại vô tình hoặc cố ý khuyếch đại một cách quá mức về công dụng của thuốc bổ thận tráng dương khiến cho “con bệnh” vì quá tin mà lạm dụng.

Hậu quả là, bệnh trạng của người bệnh không những không được cải thiện mà có khi còn trở nên tồi tệ hơn, thậm chí dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn như căng thẳng thần kinh, mất ngủ, lở loét miệng, chảy máu chân răng, mụn nhọt, khô miệng, tăng huyết áp... Đối với những người bị bệnh bất lực do dùng tân dược để trị liệu tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, tiểu đường... thì việc dùng nhầm hoặc lạm dụng các thuốc cường dương, ôn nhiệt là hết sức nguy hiểm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu dùng kéo dài thuốc tráng dương có thể gây ức chế sự hưng phấn của trục nội tiết vùng dưới đồi - tuyến yên - tinh hoàn, vốn có vai trò rất lớn trong việc cường dương. Hơn nữa, lạm dụng thuốc tráng dương có thể còn làm cho tuyến tiền liệt ở nam giới phì đại nhanh chóng và dễ dẫn đến ung thư hóa.

Cuối cùng là quan niệm cho rằng khi bị bất lực thì không nên sinh hoạt tình dục (tuyệt dục). Đương nhiên, khi cơ thể suy yếu thì việc giảm tiết dục là hết sức cần thiết để bảo tồn tinh khí và giữ gìn sức khỏe. Tuy nhiên, ngoại trừ những trường hợp bị bất lực ở mức độ nặng, nghĩa là không thể “hành sự” được, còn với mức độ nhẹ và vừa thì vẫn nên duy trì sinh hoạt tình dục với tần số thích hợp cho dù tỷ lệ thành công không cao. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì không chỉ có tác dụng giải tỏa về mặt tâm lý mà còn tạo ra những kích thích có tính hưng phấn, rất cần cho sự phục hồi bệnh.

Ngay cả với những trường hợp bất lực ở mức độ nặng, nếu như không có sự gần gũi với người khác giới, không có sự động viên, khích lệ, ve vuốt của người bạn đời thì dẫu cho thuốc có hay đến mấy, kết quả trị liệu cũng rất hạn chế. Khi có ham muốn tình dục nhưng lại ở trong tình trạng một thời gian dài không phóng tinh thì sẽ phát sinh hậu quả “ức chế tình dục”.

Theo y học cổ truyền, việc ái ân có thể khơi thông ngũ tình, làm cho can khí thông suốt, tâm huyết điều đạt, tuyệt dục lâu ngày thì can khí không điều hòa, khí huyết ứ trệ, từ đó mà không đạt được mục đích dưỡng sinh.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video