Những sinh vật sống được ở nơi có áp suất tương đương với 48 máy bay phản lực

Đó là rãnh Mariana. Đây là điểm sâu nhất ở trên Trái đất. Thậm chí, khi thả đỉnh Everest xuống rãnh Mariana, nó vẫn nằm ở bên dưới mặt nước hơn 1 km.

Rãnh đại dương sâu nhất cũng là nơi ánh sáng không thể chạm tới đáy. Đặc biệt, áp suất tại khu vực này tương đương với trọng lượng của 48 máy bay phản lực. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, bằng một cách nào đó, sự sống vẫn có thể tồn tại và phát triển trong môi trường khắc nghiệt này.

Theo đó, có những sinh vật rất kỳ dị sống sót một cách bí ẩn ở rãnh Mariana. Theo ông Douglas Bartlett, nhà khoa học dẫn đầu chuyến thám hiểm vực thẳm Challenger Deep vào năm 2012: "Nếu chỉ nhìn thoáng qua, bạn sẽ không mấy ấn tượng, bởi dưới đó chủ yếu là trầm tích có màu xám xanh. Tuy nhiên, nếu có một chút thức ăn, một số sinh vật kỳ lạ nhất hành tinh sẽ xuất hiện từ bóng tối".

Những sinh vật bí ẩn dưới rãnh Mariana

Thứ nhất, amphipods (hay bộ Giáp xác chân khớp) là động vật giáp xác. Trên thực tế, một số cá thể này có thể dài tới 30 cm. Giống như tôm hùm, các sinh vật này có bộ xương ngoài cứng bằng canxi carbonat. Đây là thứ mà chúng ta thường không tìm thấy ở độ sâu hơn 10.000 m.


Một loài amphipod sống ở rãnh Mariana. (Ảnh: Newcastle University)

Nguyên nhân là khi vượt quá độ sâu 4.500 m, áp suất rất lớn và nhiệt độ thấp của nước sẽ làm hòa tan canxi carbonat. Vậy, bí mật của các loài amphipod là gì?

Theo các chuyên gia, các loài amphipod có một vũ khí bí mật giống như lá chắn. Chúng được bao bọc bởi một lớp áp giáp nhôm tổng hợp trong cơ thể bằng cách sử dụng nhôm có dưới đáy biển. Lớp vỏ này là cách bảo vệ chúng tốt nhất trước những kẻ săn mồi ẩn nấp ở dưới vực thẳm.

Thứ hai, sinh vật khiến nhiều nhà khoa học ngạc nhiên khi có thể sống được ở dưới rãnh Mariana là cá ốc Mariana (Pseudoliparis swirei). Đây là loài cá sâu nhất từng được phát hiện. Cụ thể, chúng được tìm thấy ở độ sâu hơn 8.000m. Thực tế có rất nhiều điều kỳ lạ về những con cá ốc này.


Cá ốc Mariana là loài cá chịu được áp lực lớn. (Ảnh: Phys).

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, cá ốc Mariana có một bộ xương dẻo dai, thứ giúp chúng chịu được áp lực lớn.

Tuy nhiên, cá ốc Mariana lại bị mù. Đây cũng là điều không quá bất ngờ bởi loài cá này sống trong môi trường tối tăm không có ánh sáng mặt trời.

Nhà khoa học Douglas Bartlett cho biết thêm, da của loài cá này nửa trong suốt. Do đó, chúng ta có thể nhìn thấy các cơ quan nội tạng của nó. Ngoài ra, cá ốc Mariana là một trong những "kẻ săn mồi" hàng đầu trong môi trường sống của chúng.

Thứ ba, xenophyophore là một trong những sinh vật đặc biệt ở rãnh Mariana. Đó là một sinh vật đơn bào, tương tự amip khổng lồ. Với chiều dài khoảng 10 cm, xenophyophore là một trong những sinh vật đơn bào lớn nhất trên Trái Đất.


Xenophyophore là một trong những sinh vật sống được ở rãnh Mariana. (Ảnh: Businessinsider).

Thứ tư, rãnh sâu nhất đại dương còn có một sinh vật kỳ lạ khác hải sâm nhỏ. Chúng là những con hải sâm nhỏ và trong suốt. Loài vật này thường bò dọc theo đáy đại dương bằng những cái chân giống như xúc tu.


Hải sâm nhỏ được tìm thấy ở rãnh sâu nhất đại dương. (Ảnh: Oceaninfo).

Thứ năm, nhựa. Đây có lẽ là thứ ngạc nhiên nhất mà con người tìm thấy ở bên dưới rãnh Mariana. Vào năm 1998, một con tàu lặn điều khiển từ xa đã phát hiện ra một túi nylon ở độ sâu tới 10.898 m. Sau đó, vào năm 2019, có một nhà thám hiểm cũng đã tìm thấy một số mảnh nhựa tại đây.


Nhựa được tìm thấy ở rãnh Mariana. Ảnh: Sustainability Times

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy nhiều hạt vi nhựa ở bên trong dạ dày của các loài amphipod dưới vực thẳm Challenger Deep trong rãnh Mariana. Các nhà nghiên cứu đã gọi đây là kỷ lục tiêu hóa vi nhựa ở độ sâu lớn nhất.

Nhựa và vi nhựa tìm thấy ở rãnh Mariana cho thấy rằng ngay cả ở nơi xa xôi nhất trên hành tinh thì tác động tiêu cực của con người vẫn hiện diện.

Rãnh Mariana được hình thành như thế nào?


Rãnh Mariana được hình thành do sự va chạm của 2 mảng kiến tạo. (Ảnh: Shutterstock).

Rãnh Mariana có chiều dài gần 2.550 km, nhưng chiều rộng trung bình chỉ khoảng 69 km. Theo các nhà khoa học, rãnh Mariana được hình thành do sự va chạm của 2 mảng kiến tạo là những mảng nổi lớn của lớp vỏ Trái Đất. Vụ va chạm đã khiến cho mảng kiến tạo Thái Bình Dương cũ và lớn hơn nằm dưới mảng kiến tạo Mariana, từ đó hình thành nên một rãnh hình lưỡi liềm dưới đáy biển.

Nơi sâu nhất của rãnh Mariana được gọi là Challenger Deep (hay Vực thẳm Challenger) và được khảo sát lần đầu tiên nhờ tàu của Hải quân Hoàng gia Anh vào năm 1951 bằng kỹ thuật phản xạ sóng âm. Độ sâu đo được vào lúc đó khoảng 10.900 m.

Tuy nhiên, đến năm 1962, tàu Hải quân Mỹ lại đo được độ sâu của Vực thẳm Challenger là 10.915m.

Cập nhật: 07/12/2022 Tổ Quốc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video