Vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là chất thải nông thôn hiện nay ngày càng trở nên bức xúc. Tại Hội thảo Thực trạng quản lý chất thải và vệ sinh môi trường nông thôn các tỉnh miền Bắc, tổ chức ngày 20/10 tại Hà Nội, các đại biểu đều có chung quan điểm cần một chính sách phù hợp để việc quản lý và xử lý chất thải khu vực nông thôn.
Rác thải có nguy cơ ô nhiễm cao do ít được xử lý triệt để. Ảnh: Hữu Oai/TTXVN |
"Nóng bỏng" chất thải nông thôn
Chất thải chăn nuôi, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải làng nghề... là những vấn đề nóng bỏng của môi trường nông thôn hiện nay.
Ông Vũ Bình Nguyên, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường Hà Nội cho biết, vấn đề chất thải nông thôn từ khi còn "Hà Nội cũ", đã là vấn đề nổi cộm. Đến nay, khi Hà Nội đã mở rộng, mỗi ngày Thủ đô thải ra 5.000 tấn chất thải rắn, trong đó 1.500 tấn từ khu vực nông thôn.
Hiện nay, mới có khoảng 80% số xã là có tổ thu gom rác. Trong số 361/400 xã có tổ thu gom rác thì 148 xã chuyển được đến khu xử lý, còn những nơi khác, rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ...
Ở làng nghề, hầu như chưa xử lý được vấn đề rác và nước thải. Tình trạng của Hà Nội cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương.
"Gánh nặng" nuôi trồng
Trong 10 năm qua loại chất thải độc hại này đã tăng gấp hơn 10 lần. Nguồn: vietbao.vn |
Một trong những nguồn thải lớn ở nông thôn là rác thải chăn nuôi. Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, lượng chất thải rắn do vật nuôi thải ra (phân và các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm chết, chất thải lò mổ...) trong năm 2008 là 80,49 triệu tấn. Miền Bắc chiếm hơn 51 triệu tấn.
Tuy nhiên, ước tính hiện nay, chỉ có khoảng 40-70% chất thải rắn được xử lý. Số còn lại thải thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch... Chất thải rắn có nguy cơ ô nhiễm do ít được xử lý triệt để như chất thải của trâu, dê, cừu.
Hiện nay, phương pháp xử lý chất thải rắn còn đơn giản. Chủ yếu tận dụng làm thức ăn cho cá, ủ phân hoai mục để bón cho lúa, hoa màu hoặc để nuôi giun... Chất thải rắn có nguy cơ ô nhiễm cao do thành phần và liều lượng chất gây ô nhiễm cao hơn rơi vào khu vực chăn nuôi lợn, bò sữa, gia cầm. Chất thải lỏng trong chăn nuôi cũng đang trong tình trạng bị bỏ ngỏ.
Thông qua các dự án về khí sinh học, một phần chất thải rắn và lỏng được xử lý bằng công nghệ biogas. Tuy vậy, số gia đình có hầm biogas chưa nhiều. Chất thải làng nghề đang là vấn đề bất cập, đa số các gia đình tự xử lý.
Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Hương, Viện Nước tưới tiêu và môi trường, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, dự báo đến năm 2010, khối lượng chất thải nông thôn khoảng hơn 145.000.000 tấn, sẽ tăng 173,8% so với năm 2007. Đó là chất thải chăn nuôi, chất thải sinh hoạt, chất thải làng nghề, chất thải y tế... Bên cạnh đó, bao bì thuốc bảo vệ thực vật là nguồn chất thải nguy hại đang là mối lo của nông thôn.
Theo ông Trịnh Công Toản, đại diện Cục Bảo vệ thực vật, trong 10 năm qua loại chất thải độc hại này đã tăng gấp hơn 10 lần. Tính toán cho thấy, cứ mỗi bao bì thuốc lại có 1,8% lượng thuốc dính vào. Nông dân theo thói quen sử dụng xong là vứt ngay ra môi trường. Trong khi đó, bao bì làm bằng giấy kẽm, chai nhựa, chai thủy tinh bị vứt bừa bãi ra đồng ruộng, là loại chất thải nguy hại, khó phân hủy.
Chồng chéo công tác tổ chức quản lý
Nông dân theo thói quen sử dụng xong là vứt ngay ra môi trường. Nguồn: khoa hoc.com |
Công tác quản lý chất thải nông thôn hiện nay tại các địa phương đang trong tình trạng nơi thì do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý, nơi lại do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm. Có nơi trách nhiệm chồng chéo nhau khiến công tác này lại bị... bỏ ngỏ.
Ông Phạm Văn Mạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết trong đợt công tác mới đây của ông, hầu hết các sở đều kiến nghị phải có 1 hệ thống rõ ràng từ trung ương đến địa phương chuyên quản lý về vệ sinh môi trường nông thôn.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng thống nhất cần một cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào xử lý môi trường, thu gom chất thải, rác thải nông thôn.