Kết luận của các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Berne - Thụy Sĩ công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 15.5 cho biết nồng độ khí CO2 trong khí quyển hiện ở mức cao nhất trong 800.000 năm qua.
Trái đất đứng trước nguy cơ xảy ra nhiều thảm họa lớn do sự biến đổi khí hậu (Ảnh: www.smh.com.au) |
Bằng phương pháp khoan sâu tới 3.270m ở vùng Nam cực và phân tích các bóng khí nằm trong các lớp băng tuyết ở độ sâu vài km, các nhà khoa học lần đầu tiên đã có thể tìm hiểu về lịch sử biến đổi khí hậu hàng trăm nghìn năm trước và đi đến kết luận rằng nồng độ CO2 trong khí quyển hiện nay ở mức cao nhất trong 800.000 năm qua.
Các dữ liệu đã chứng minh tương quan giữa nồng độ khí CO2 và hiện tượng tăng nhiệt độ trên Trái đất. Theo kết quả nghiên cứu, nhiệt độ Trái đất đã ở mức cao nhất vào thời kỳ cách đây 320.000 năm, khi mà nhiệt độ tại Nam cực nóng hơn 3-5 độ C so với ngày nay và nồng độ CO2 trong khí quyển khi đó có tỷ lệ 320 ppm (320/1 triệu đơn vị) so với 380 ppm hiện nay.
Các nhà khoa học cũng cho biết thời kỳ nóng lên trước kia trải dài qua nhiều thế kỷ khiến người ta có cảm giác khí hậu ổn định, trong khi khoảng 150 năm gần đây, Trái đất nóng lên rất nhanh do hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Theo thống kê, nồng độ CO2 đặc biệt tăng nhanh trong hơn hai thập kỷ qua. Từ năm 1970 đến năm 2000, nồng độ CO2 tăng trung bình 1,5 ppm/năm và riêng trong năm 2007, nồng độ này đã tăng 2,14 ppm.
Cũng theo các nhà khoa học, 667.000 năm trước là thời kỳ CO2 có nồng độ thấp nhất trong khí quyển (chỉ khoảng 172 ppm) và các nhà khoa học cho rằng khi đó đại dương có thể hấp thụ lượng khí CO2 tốt hơn.
Một phát hiện tiếp theo của Trung tâm nghiên cứu châu Âu (EPICA) là quá trình biến đổi mạnh khí hậu trong lịch sử không phụ thuộc vào quy mô và tốc độ của quá trình băng hà. Cách đây 770.000 năm, biểu đồ biến đổi khí hậu độc lập với quá trình băng hà. Do vậy, những giả thuyết về sự tan băng ở Bắc cực hiện nay có thể dẫn đến làm chậm lại các dòng hải lưu và qua đó làm mát khí hậu ở châu Âu, có thể được cần xem xét lại.