Là phụ nữ nhưng tiến sĩ Đặng Thị Cẩm Hà lại chọn nghiên cứu trong lĩnh vực độc hại và xem nó như số phận. Bà từng đến nơi có độ tồn lưu chất độc dioxin cao tìm ra công nghệ làm sạch khiến nhiều người ngạc nhiên.
Ở tuổi 64 nhưng chưa bao giờ PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam) hết nhiệt huyết cho khoa học. Bà đã làm chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án các cấp và công bố gần 150 công trình khoa học công nghệ.
Được cử đi học tập và sau này là nghiên cứu ở nước ngoài khi 17 tuổi, bà đã chọn vi sinh vật dầu mỏ - lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam - lúc bấy giờ để theo đuổi. Năm 1995, bà về nước, tham gia nhiều đợt khảo sát, lên rừng, ra biển và có mặt ở nhiều nơi tìm nguyên nhân, đưa ra các khuyến nghị mỗi khi xảy ra sự vụ.
Tiến sĩ Đặng Thị Cẩm Hà. (Ảnh: P.H).
Năm 1999-2000, bà nhận nhiệm vụ xây dựng quy trình khử độc chất diệt cỏ/dioxin bằng công nghệ phân hủy sinh học (bioremediatin). Nhóm nghiên cứu đã đến sân bay quân sự Đà Nẵng và Biên Hòa - nơi có độ tồn lưu dioxin cao.
"Khi nhiều người bạn của tôi ra chiến trường không có cơ hội quay về thì tôi được đi học ở nước ngoài. Để tri ân họ và góp phần giảm hậu quả nặng nề do chất độc dioxin tồn tại với tổng độ độc rất cao ở các điểm nóng, tôi cùng đồng nghiệp và học trò đã tìm ra công nghệ khử độc", tiến sĩ Hà nói.
15 năm trước, nhiều chuyên gia quốc tế hoài nghi về khả năng công nghệ sinh học có thể xử lý làm sạch được dioxin, nhưng bà chia sẻ với họ: "10 năm nữa chúng tôi sẽ đưa công nghệ thực hiện ở hiện trường".
Đúng 10 năm sau, kết quả nghiên cứu của bà và đồng nghiệp khiến giới khoa học trong và ngoài nước ngạc nhiên bởi "chưa có công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm dioxin có hiệu quả bằng công nghệ này và thực hiện quy mô lớn như Việt Nam", một nhà khoa học nhận định.
Thời gian đó, bất chấp nguy hiểm bà đã cùng học trò đến nhiều điểm nóng về dioxin ở Đà Nẵng và Biên Hòa để nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng công nghệ phân hủy sinh học. Nhóm phải làm ở hiện trường độc hại 10-12 tiếng dưới cái nắng như thiêu như đốt, nhiều lúc tưởng bỏ cuộc, nhưng hình ảnh các nạn nhân bị phơi nhiễm giúp bà và đồng nghiệp có thêm động lực làm việc.
Công nghệ này được tạo ra nhờ sự kết hợp giữa chôn lấp và xử lý bằng cách gây nuôi quần xã sinh vật bản địa sinh trưởng, chuyển hóa và khoáng hóa chất độc ở điều kiện thích hợp. Dù mất nhiều thời gian, nhưng nó được giới chuyên gia đánh giá là an toàn với chi phí thấp.
Nhằm hạn chế ảnh hưởng của dioxin, bà và đồng nghiệp phải uống nước gạo rang cháy thành carbon khi tiếp xúc với chất độc. Kết quả, tháng 2/2012 hơn 3.384m3 đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa được làm sạch bằng phương pháp phân huỷ sinh học. Sau 27 tháng, 99,5% tổng độ độc được loại bỏ.
Cũng trong năm 2009, công nghệ trên tiếp tục được thực hiện cùng với Cục Bảo vệ môi trường Mỹ ở quy mô pilot (11x2m3 công thức cả xử lý hiếu khí, kỵ khí) với tài trợ của Quỹ Ford Foundation ở sân bay Đà Nẵng. Sau 6 tháng, 30% tổng độ độc trung bình đã bị loại bỏ từ đất ô nhiễm với tổng độ độc rất cao trên 43.000 ngTEQ/kg đất khô.
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và đồng nghiệp Mỹ cùng thực hiện dự án tại sân bay Đà Nẵng năm 2009. (Ảnh do nhân vật cung cấp).
"Nghiên cứu trong lĩnh vực độc hại có lẽ là số phận của tôi. Thời gian tới, tôi còn nhiều ấp ủ đi tìm giải pháp cho an toàn thực phẩm", bà nói và cho biết nhóm luôn mong mỏi công nghệ xử lý dioxin bằng chôn lấp tích cực được ứng dụng rộng rãi. "Người Việt không kém cỏi và chỉ cần ngồi với nhau là chúng ta có thể làm được", bà Hà tâm sự.
Để có thành công trong khoa học, tiến sĩ Hà phải hy sinh nhiều thứ, nhưng may mắn bà có hậu phương vững chắc là gia đình. Đây cũng là điều nữ tiến sĩ thấy hạnh phúc nhất. "Không có gia đình, phụ nữ làm khoa học khó mà thành công", bà nói.
Vì vậy sau mỗi chuyến đi, tiến sĩ Hà luôn cố gắng nấu nhiều món ngon cho gia đình, khâu vá, đan lát và dành thời gian tâm sự với hai con trai. Trong một ngày bà luôn cố gắng thu xếp thời gian với hiệu quả cao nhất, vì bà đã quen làm việc gì cũng phải nhanh - nghĩ nhanh, nói nhanh, đọc nhanh.
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà sinh năm 1952. Bà tốt nghiệp Đại học Bacu (Liên Xô) năm 1975 về chuyên ngành vi sinh vật sử dụng dầu mỏ. Năm 1990, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary. Sau đó bà làm ở nhiều viện nghiên cứu như Hungary, Áo, Đức. Bà từng làm ở Viện Công nghệ Sinh học và hiện là tư vấn của Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam. Tiến sĩ Hà từng nhận nhiều giai thưởng như giải nhất VIFOTEC 2001, huy chương vàng và bạc "Các nhà sáng chế phụ nữ quốc tế" tổ chức tại Hàn Quốc năm 2012. |