Các chuyên gia lo ngại thời tiết cực đoan có thể làm đổ sập sườn núi lửa Anak Krakatoa, gây ra đợt sóng thần chết chóc mới ập vào bờ biển khu vực Eo Sunda đang chìm trong tang tóc.
Núi lửa Anak Krakatoa lại tiếp tục phun tro bụi, đe dọa đợt phun trào mới. (Ảnh: BBC)
Khu vực Eo biển Sunda nằm giữa hai đảo Sumatra và Java của Indonesia vừa hứng chịu trận sóng thần bất ngờ, không được dự báo trước, khiến con số thương vong lớn lên tới 429 người thiệt mạng và 1.485 người bị thương, chưa kể ít nhất 154 người còn mất tích.
Thảm họa xảy ra sau khi núi lửa Anak Krakatoa phun trào, gây sụt lở đất dưới lòng biển và kích hoạt sóng thần ở khu vực eo biển hẹp Sunda. Do không được dự báo, cũng như là vùng eo biển hẹp, nên dù sóng thần không quá lớn cũng đã gây ra thiệt hại thảm khốc với cư dân địa phương.
Thời tiết cực đoan tại khu vực được cảnh báo có thể khiến núi Anak Krakatoa sụp đổ.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi các hoạt động địa chất của núi Anak Krakatoa, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết cực đoan hiện tại cùng tình trạng sóng lớn, bởi vì những điều kiện như vậy có thể khiến sườn núi sụp đổ xuống biển và kích hoạt sóng thần”, bà Dwikorita Karnawati, Giám đốc Cơ quan Khí tượng, Khí hậu học và Địa vật lý Indonesia trả lời trong cuộc họp báo vào đêm 25/12 theo giờ địa phương.
Bà Karnawati bày tỏ lo ngại mưa lớn dự kiến kéo dài đến ngày chiều 26/12 có thể gây sụt lở lớn, dẫn đến những hậu quả hủy diệt.
Núi lửa Anak Krakatoa (Krakatoa Con) được hình thành từ năm 1928, trên miệng ngọn núi lửa “mẹ” là Krakatoa, vốn từng phun trào khủng khiếp vào năm 1883, cướp đi hàng ngàn sinh mạng.
“Sườn của ngọn núi lửa này đang trở nên yếu hơn, đặc biệt là nếu mưa lớn vẫn đổ xuống”, bà Karnawati nói.
Trước nguy cơ lở đất dưới đáy biển và sóng thần, bà Karnawati kêu gọi cư dân luôn luôn cẩn trọng và tránh xa bờ biển ít nhất từ 500 mét đến 1km.
Hôm 25/12, người phát ngôn Cơ quan Cứu trợ thảm họa quốc gia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, cuộc tìm kiếm cứu nạn các nạn nhân thảm họa sóng thần đã được mở rộng tới cả những khu vực bị tách biệt sau thảm họa.
Binh sĩ Indonesia kiểm tra tình hình thiệt hại tại một ngôi làng bị sóng thần tàn phá, ngày 25/12. (Ảnh: AP)
“Con số thương vong có thể tiếp tục tăng… do có nhiều khu vực chưa thể tiếp cận vì đường xá hư hỏng và cầu sập”, ông Sutopo nói và bổ sung rằng thảm họa sóng thần hôm 22/12 đã làm 16.082 người phải rời bỏ nhà cửa, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà.
Dựa trên quan sát của các nhân chứng và phân tích của các chuyên gia, người phát ngôn Sutopo cho biết, sóng thần đêm 22/12 cao từ 2-5 mét, tấn công vào bờ biển Pandeglang và Serang tại tỉnh Banten, cực tây đảo Java. Ngoài ra, sóng thần cũng ập vào ba huyện thuộc tỉnh Lampung, cực nam đảo Sumatra.
“Đó là lý do tại sao hầu hết khách sạn và nhà cửa ở Pandeglang bị san bằng. Nếu sóng thần chỉ cao 1-3 mét, chúng sẽ không bị san phẳng như vậy”, ông Sutopo phát biểu trong cuộc họp báo, và cho biết thêm rằng có thể nhiều nạn nhân còn bị chôn vùi trong đống đổ nát.
Theo người phát ngôn này, thời điểm sóng thần tấn công Eo Sunda, các khách sạn dọc bờ biển từ Serang tới Pandegalang đều kín khách do đúng vào dịp nghỉ lễ tại Indonesia.
Người dân dọn dẹp một thánh đường sau thảm họa sóng thần. (Ảnh: AP chụp ngày 25/12).
Những người sống sót ở làng Sumur cho đến lúc này còn bàng hoàng vì sao sóng thần ập vào nhanh đến vậy. Bãi biển của làng chỉ nằm cách hòn đảo du lịch Umang, gần cực tây đảo Java, vài kilomet. Nơi đây nổi tiếng với các hoạt động dưới nước dành cho du khách. Sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 1/10 dân làng, xé nát nhà cửa đến tận nền nhà và quật đổ cả những tòa nhà kiên cố bằng bê tông.
"Không có bất cứ dấu hiệu nào về sóng thần khi chúng tôi ở ngoài biển. Nước biển cũng không bị rút ra xa. Đó là một đêm trăng tròn, trời sáng và yên ả", bà Tati Hayati, một người dân làng, kể lại với tờ Daily Mail.
Khi phát hiện ra những ngọn sóng lớn di chuyển nhanh hướng về bờ, bà Tati đã bỏ chạy ra xe ô tô sập cửa kín, nhưng không thể lái xe. Bà cho biết, chiếc xe bị ba con sóng cản lại, đập vỡ cửa kính sau khiến nước tràn vào trong. "Chúng tôi bị kẹt bên trong, chiếc xe lắc mạnh theo sóng và tôi nghĩ chúng tôi sẽ chết cả. Chúng tôi không thể thở, và tôi hầu như buông xuôi trước khi mò được chìa khóa rơi trong nước và mở cửa. Rồi nước bắt đầu rút. Chúng tôi bò khỏi xe và chạy tới nơi an toàn", nhân chứng kể lại.
Đồ họa giả thuyết về nguyên nhân gây ra sóng thần do sụt lở đất từ núi lửa.
Hiện nay, điều kiện thời tiết xấu, mưa to và sóng lớn đang ảnh hưởng tới các nỗ lực tìm kiếm.